ClockThứ Sáu, 03/05/2019 06:00

Đại tướng Lê Đức Anh vị tướng chiến trường bản lĩnh

TTH - Vị tướng cuối cùng trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã ra đi. Đồng chí, đồng đội và Nhân dân vẫn nhớ hình ảnh người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trận mạc, vị chỉ huy chiến trường đầy bản lĩnh nhưng cũng rất chan hòa, tình cảm.

'Khí chất Lê Đức Anh': Những điều tôi biếtLực lượng phục vụ Lễ quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức AnhVị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, hình chụp tháng 1/1982. Ảnh: Chinhphu.vn

Người trưởng thành từ chiến trường ác liệt

Lịch sử đã gắn cuộc đời Đại tướng Lê Đức Anh với chiến trường, đặc biệt là chiến trường Nam bộ, trong suốt nửa thế kỷ. Thực tế chiến trường khói lửa đã rèn luyện nên phẩm chất của một chỉ huy tác chiến. Ông trưởng thành trong 9 năm kháng chiến trường kỳ cùng với quân dân Nam bộ và lần lượt đảm nhiệm các vị trí: Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Tham mưu phó rồi Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam bộ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954), ông tập kết ra Bắc và tiếp tục được giao những trọng trách mới: Cục phó Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu). Từ tháng 8/1963, ông là Phó Tổng tham mưu trưởng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cuối tháng 12/1963, trong một đêm tối mịt mù và giá rét của mùa đông miền Bắc, giữa mùa gió chướng biển động, đồng chí Lê Đức Anh bí mật lên con tàu không số, vượt biển trở lại chiến trường miền Nam với nhiệm vụ quan trọng: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Miền. Ông cùng Quân ủy Miền, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo lực lượng vũ trang chiến đấu trên chiến trường B2, đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ trong hai mùa khô các năm 1965-1966 và 1966-1967.

Trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, đồng chí Lê Đức Anh (tham gia) cùng với đồng chí Võ Văn Kiệt (phụ trách) Sở chỉ huy “Tiền phương 2” - gồm các đơn vị từ Long An, toàn bộ lực lượng biệt động và quần chúng vũ trang nội thành từ quận 1 đến quận 8 đảm trách tấn công Sài Gòn từ hướng Nam và Tây nam.

Trong nội thành, những trận đánh của các đơn vị biệt động vào các mục tiêu: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Kho xăng Nhà Bè, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ đô và một nửa sân bay Tân Sơn Nhất... đã làm rung chuyển chính trường cả ở Sài Gòn và Washington, lan rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh Quân giải phóng, Phó Tư lệnh chiến dịch, Tư lệnh Binh đoàn 232. Đây là cánh quân đã khóa chặt hướng Tây - Tây nam, không cho địch đưa quân từ miền Tây về ứng cứu Sài Gòn cũng như không cho địch di tản lực lượng về miền Tây hòng tiếp tục chống cự. Lực lượng vũ trang khu 9 đã cùng Nhân dân giải phóng hoàn toàn miền Tây Nam bộ bằng lực lượng tại chỗ.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trong Chiến dịch này, Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn (đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ảnh: Tư liệu

Những quyết định táo bạo

Địa hình Nam bộ có nhiều sông rạch, đầm lầy không thuận lợi cho tác chiến quy mô lớn nên xây dựng lực lượng vũ trang cấp trung đoàn, liên trung đoàn như ở miền Bắc là không phù hợp. Đồng chí Lê Đức Anh đề xuất xây dựng lực lượng vũ trang cấp tiểu đoàn. Các tiểu đoàn bộ đội chủ lực ở Tây Nam bộ đã hoạt động hiệu quả, đạt hiệu suất chiến đấu, công tác cao trong suốt thời gian dài từ năm 1951-1954.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Lê Đức Anh có sáng kiến tổ chức lại chiến trường, lấy vũ khí từ các kho dọc biên giới Việt Nam - Campuchia trang bị cho nhân viên các đơn vị hành chính, dân sự, tạo thế trận chiến tranh nhân dân rộng lớn và có chiều sâu. Là Tư lệnh Quân khu 9 trong bối cảnh hết sức khó khăn sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968, đồng chí Lê Đức Anh cùng đồng chí Võ Văn Kiệt (là Chính ủy) chủ trương xốc lại tinh thần đoàn kết nội bộ, đưa lực lượng vũ trang trở lại địa bàn, tiến công địch, không để địch giành quyền chủ động lấn chiếm, bình định, tạo sự chuyển biến thế trận trên chiến trường khu 9 và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 1973, sau Hiệp định Paris, tại Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh nêu quyết tâm kiên quyết giữ vững thế trận, chủ động tấn công địch vi phạm Hiệp định Paris, không để mất đất, mất dân, lập chiến công Chương Thiện đánh thắng 75 lượt tiểu đoàn địch càn quét, lấn chiếm. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ghi nhận những quyết định đúng đắn của đồng chí Lê Đức Anh và phong quân hàm vượt cấp cho ông từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974.

“Anh Sáu Nam” thân thuộc

Khi thì ở chiến trường Đông Nam bộ, khi thì về miền Tây, đồng chí Lê Đức Anh “đồng cam cộng khổ” cùng bộ đội, cùng đồng bào, đồng chí trong cuộc chiến đấu và sống trong ký ức của quân dân khu 9, khu 7 với bí danh “anh Sáu Nam” thân thuộc. Ông nhiều lần đối diện hiểm nguy nhưng vẫn kiên cường bám trụ, lạc quan vượt qua để chiến thắng.

Trong một trận đấu ác liệt, một quả đạn cối nổ gần làm ông bất tỉnh. Được đồng đội đưa về đội phẫu thuật tiền phương, ông tỉnh lại đúng lúc anh em trao đổi với nhau về quyết định chuẩn bị cưa tay, chân. Ông nghe được và lệnh: “Không cưa” - chỉ đơn giản vì nếu bị cưa thì sẽ thành thương binh, được đưa về hậu phương và không thể tiếp tục chiến đấu. Lần “chết hụt” khác của Đại tướng Lê Đức Anh là sáng 29/4/1975. Khi ông chuẩn bị ra hầm Sở chỉ huy như thường lệ thì Chính ủy Lê Văn Tưởng bảo ông nằm võng của mình nghỉ thêm vài phút. Đồng chí vừa ngả lưng thì một quả bom nổ đúng hầm Sở chỉ huy. Đại tướng Lê Đức Anh toàn vẹn một cách hi hữu.

Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh (người chỉ tay) và Phó Chính ủy miền Lê Văn Tưởng (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh miền tại căn cứ Tà Thiết, năm 1971. Ảnh: Tư liệu

Nguyện trung thành bảo vệ Tổ quốc

Sau ngày chiến thắng, ông vẫn chăm lo việc quân đội, vẫn lo củng cố tiềm lực của đất nước để bảo đảm bảo vệ vững chắc chủ quyền của quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ông cùng chỉ huy bộ đội tình nguyện Việt Nam giải thoát Nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng tháng 1/1979. Năm 1984, ông được phong hàm Đại tướng và tiếp tục lãnh đạo quân đội, lãnh đạo đất nước trong những năm tháng ở giữa tình thế khó khăn, phải vượt qua bao vây cấm vận và bước vào hành trình hội nhập, đổi mới.

Tháng 5/1988, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh đi thị sát Trường Sa ngay sau sự kiện Gạc Ma (14/3/1988). Ông dự lễ kỷ niệm 33 năm Ngày Truyền thống Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/1988) tổ chức tại đảo Trường Sa lớn và đã trang trọng tuyên bố: “Xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”. Hình ảnh và bài phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh đang được lưu giữ trang trọng tại phòng truyền thống của tất cả các đảo trên quần đảo Trường Sa. Hôm nay chúng ta vẫn kiên định thực hiện lời thề đó.

Sáng nay, lễ viếng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ; Lễ truy điệu được tổ chức từ 11 giờ cùng ngày tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh và  trụ sở HĐND - UBND tỉnh (16 Lê Lợi, TP. Huế). Lễ an táng từ 17 giờ ngày 3/5/2019 tại Nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh.

Ấn phẩm mà bạn đọc đang cầm trên tay là số báo đặc biệt có nhiều bài viết tưởng nhớ Đại tướng Lê Đức Anh – người con ưu tú của quê hương với nhiều thông tin về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp; những ký ức, hình ảnh vị lãnh đạo cao quý mà giản dị, tình nghĩa với đồng chí, đồng đội, bà con nhân dân và tình cảm sâu nặng của nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng  Lê Đức Anh dành cho Thừa Thiên Huế.

Báo Thừa Thiên Huế Online hôm nay sẽ thực hiện các thông tin cập nhật về lễ truy điệu, lễ viếng Đại tướng tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh. Kính mời bạn đọc theo dõi trên giao diện chính: www.baothuathienhue.vn.

BÁO THỪA THIÊN HUẾ

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyện về người Pa Cô thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967) là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của Đảng. Suốt cuộc đời, ông đã cống hiến cho cách mạng với một lòng yêu nước nồng nàn, ý chí mãnh liệt, niềm tin bất diệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chuyện về người Pa Cô thờ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Return to top