ClockThứ Tư, 14/07/2021 14:25

Đảm bảo an sinh xã hội

TTH - Xác định công tác an sinh xã hội là một chủ trương lớn, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã tăng cường lãnh, chỉ đạo để triển khai thực hiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân.

Ổn định tổ chức, góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Công nhân làm việc tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Đảm bảo công bằng cho người có công

Cuối năm 2018, bà Lê Thị Hài, trú thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc (Phong Điền) được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Kết quả đó là sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành liên quan trong việc tập trung lãnh, chỉ đạo, xác minh hồ sơ để bà Hài sớm được Nhà nước phong tặng danh hiệu.

Ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền cho biết, xác định vướng mắc hồ sơ để Nhà nước công nhận danh hiệu cho bà Hài là khó khăn, nhưng không phải thế mà không làm. Từ quá trình lãnh, chỉ đạo đến sự tích cực điều tra, xác minh, làm rõ của cơ quan chức năng. Kết quả, Chủ tịch nước đã có quyết định phong tặng bà Hài là “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Dịch bệnh COVID - 19 liên tục xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân, nhất là đối với những đối tượng yếu thế trong tỉnh. Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở, cùng với các ngành chức năng tập trung quan tâm, chia sẻ khó khăn với người dân.“Trên địa bàn huyện có 3.970 người nằm trong 4 nhóm đối tượng yếu thế được hưởng tiền hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Trong đó, 697 người có công với cách mạng, 624 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và 2.650 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo”, ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông chia sẻ.

Minh chứng rõ nét nhất trong công cuộc thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong toàn tỉnh chính là tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh sau 5 năm từ 8,36% xuống còn 3,43% vào cuối năm 2020. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2021-2025 đã và đang được triển khai. Các gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được quan tâm; việc đào tạo, giải quyết việc làm, vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng được triển khai thường xuyên. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều bình quân toàn tỉnh giảm còn 2-2,2%.

Xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Tạo việc làm, tăng thu nhập bằng những cơ chế, chính sách đặc thù là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở quan tâm đặc biệt. Ngoài đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 70-75%, trung bình hàng năm giải quyết việc làm mới trên 16.600 lao động.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền phải xác định nhiệm vụ quan tâm toàn diện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội là một trong các mục tiêu của sự phát triển. Đồng thời, là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, xuyên suốt của các cấp ủy, chính quyền; kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với công tác đảm bảo toàn diện về an sinh xã hội.

Muốn vậy, cần quan tâm hơn nữa chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm người có công và gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững tiếp cận với chuẩn nghèo đa chiều; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế, xã hội; chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế toàn dân; huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội.

"Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư và thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững và phát triển kinh tế - xã hội chống tái nghèo; mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các xã nghèo vùng dân tộc thiểu số, xã biên giới gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng", UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội
Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn

Nắm bắt xu hướng nhu cầu về dinh dưỡng trong đời sống ngày càng cao, năm 2024, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế bắt đầu mở khóa đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng đầu tiên.

Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn
Return to top