ClockThứ Năm, 06/06/2019 15:26

Đảm bảo an toàn cho nhóm trẻ độc lập

TTH - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Huế có 113 cơ sở độc lập tư thục, trong đó mới cấp phép được cho 55 cơ sở, số còn lại chưa đủ cơ sở để cấp phép.

Để trẻ chủ động lĩnh hội kiến thứcThêm đối tượng trẻ em mẫu giáo được miễn học phí

Một nhóm trẻ tư thục độc lập ở phường An Hòa, TP. Huế

Sự ra đời của nhóm trẻ độc lập tư thục là nhu cầu tất yếu của xã hội khi mà hệ thống mầm non công lập kể cả ngoài công lập chưa thể đáp ứng trong việc nhận tất cả các cháu đủ độ tuổi đến chăm sóc nuôi dưỡng. Hiện nay, các trường mầm non (kể cả ngoài công lập) đang thực hiện việc nhận trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, đây chính là vấn đề trở ngại đối với các gia đình có các cháu nhỏ nhưng cha mẹ phải đi làm, nhất là đối với cha mẹ là công nhân, buôn bán nhỏ để mưu sinh.

Chị Hồng Ny, ở kiệt 33, đường An Dương Vương, TP. Huế, bán hàng ăn tại đường Hải Triều cho biết: “Chồng em đi làm công nhân, em bán bún nuôi 3 đứa con. Đứa nào, sinh dậy khoảng 2 - 3 tháng là em phải buôn bán rồi, nên phải gửi các cháu đến các nhóm trẻ tư thục độc lập. Biết rằng, gửi ở đó mình chưa yên tâm lắm, nhưng biết gửi ở đâu khi các trường mầm non với độ tuổi ấy người ta không nhận”. Chị Kiều Thúy, ở Phú Hồ (huyện Phú Vang) cho hay: “Em làm công nhân ở công ty may tại KCN Phú Bài, sắp tới em sinh không biết gửi con cho ai để đi làm, nếu nghỉ lâu người ta cho thôi việc thì biết sống bằng gì, trong khi bố mẹ cả hai bên đều già không thể trông cháu”.

Sự lo lắng của chị Ny, chị Thúy là lo lắng chung của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ khi đang đi làm. Họ chỉ trông chờ vào tình yêu thương của người giữ trẻ và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước đối với các cơ sở này.

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non An Hòa, Huế cho biết: “Chúng tôi cũng rất xót xa khi các cháu phải gửi đến các nhóm trẻ độc lập, nhưng biết làm sao khi trường, lớp và đội ngũ giáo viên của trường có hạn, không thể tiếp nhận được tất cả các cháu. Ngay tại cơ sở chúng tôi, muốn nhận tất cả các cháu từ 24 tháng tuổi trở lên cũng không thể nhận được vì trường quá tải, buộc phụ huynh phải tìm đến các nhóm trẻ độc lập".

Ông Nguyễn Huy Khiên, Phó Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ nói rằng: “Sự ra đời của các nhóm trẻ tư thục độc lập là tất yếu khi cơ sở giáo dục mầm non công lập chưa đáp ứng đầy đủ trong công tác tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dạy các cháu. Vấn đề ở đây là việc giám sát, quản lý của chúng ta như thế nào để các nhóm trẻ độc lập ấy hoạt động đảm bảo, an toàn. Phường chúng tôi rất quyết liệt trong vấn đề này, đầu năm 2019, qua kiểm tra phát hiện thấy cơ sở tư nhân nhận chăm sóc trẻ nhưng không đảm bảo đủ điều kiện, chúng tôi lập biên bản và yêu cầu ngừng hoạt động”.

Qua tìm hiểu, hầu hết các nhóm trẻ độc lập trên địa bàn TP. Huế đều tuân thủ các điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn cho trẻ, nhất là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Lâu nay, chưa xảy ra sự cố nào liên quan đến sự an toàn hay bạo hành trẻ, song cũng không thể chủ quan mà đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các nhóm trẻ tư thục độc lập hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, hướng đến sự an toàn cho trẻ, để các nhóm trẻ độc lập hoạt động ngày một tốt hơn, chia sẻ cùng với Nhà nước trong công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ.

Bài, ảnh: Hoàng Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
LHQ: Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

Trong một báo cáo mới vừa được công bố ngày 12/3, Liên Hiệp Quốc cho biết số trẻ em trên toàn thế giới tử vong trước 5 tuổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, và đây là năm đầu tiên số trẻ nhỏ tử vong giảm xuống dưới 5 triệu.

LHQ Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ giảm xuống mức thấp kỷ lục

TIN MỚI

Return to top