ClockThứ Tư, 11/11/2020 16:29

Đảm bảo an toàn tính mạng người dân trong mưa bão

TTH.VN - Mưa lớn cộng với các hồ xả nước đón lũ nên nhiều vùng thấp trũng đã bị ngập. Trong khi đó, vùng cao lại cảnh báo ngập cục bộ và sạt lở. Chính quyền các cấp đã chủ động di dời dân đến nơi an toàn và trực ban 24/24 với phương án mưa bão diễn biến dài ngày...

Bạn trẻ “giải cứu” dưa hấu Quảng Ngãi

Đường về Quảng Phú ngập nước, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển

Bảo vệ tính mạng người dân vùng thấp trũng

Chiều 11/11, khu vực thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú và nhiều vùng thấp trũng ở huyện Quảng Điền ngập khá sâu. Nước đã tràn vào nhiều ngôi nhà dân. 

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Phạm Văn Lợi cho hay, mùa mưa bão, chính quyền địa phương đều tính đến phương án sống chung với lũ một cách an toàn. Bảo vệ tính mạng Nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu. 

“Tự quản tại chỗ” được chính quyền địa phương lưu tâm, triển khai một cách quyết liệt, tích cực. Ngay trong sáng 11/11, nước lũ bắt đầu đổ về, dâng cao, các trường trên địa bàn xã chủ động cho học sinh nghỉ học. Cha mẹ quan tâm bảo vệ, quản lý con em, thầy cô quản ý học sinh; các trưởng, phó thôn, đoàn thể có nhiệm vụ quản lý Nhân dân trong suốt mùa lũ. Các hộ nghe thông báo của xã, tiến hành sơ tán đến nơi an toàn theo quy định…

Tại xã Quảng Thành, những hộ vùng xung yếu đều đã được chính quyền địa phương di dời đến nơi cao ráo. UBND xã cũng đã chuẩn bị lương thực thực phẩm dự trữ trong 10 ngày để kịp thời hỗ trợ cho người dân.

Cảnh báo sạt lở, lũ quét vùng cao

Đại diện UBND huyện A Lưới cho biết, do mưa lớn kéo dài liên tục, đã xảy ra điểm sạt lở tại Km 76+500, tuyến quốc lộ 49A Huế - A Lưới. UBND huyện khuyến cáo người dân hạn chế qua đoạn đường này để đảm bảo an toàn.

Hiện, các lực lượng chức năng đang tập trung nhân lực, phương tiện cơ giới để thông tuyến. Dự kiến, khoảng chiều nay sẽ thông tuyến.

Trước tình hình mưa lớn còn diễn ra, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở trên các tuyến đường, UBND huyện khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua các đoạn đường, tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn.

Tại địa bàn huyện miền núi Nam Đông có mưa to đến rất to. Mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường và nhà dân ở trung tâm huyện lỵ và các xã lân cận bị ngập nặng, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

Nhiều tuyến đường tại thị trấn Khe Tre ngập cục bộ

Theo đó, lượng mưa đo được tại Trạm thủy văn Thượng Nhật từ 1h ngày 10 đến 10h ngày 11/11 đạt hơn 320mm. Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở huyện Nam Đông, đặc biệt là thị trấn Khe Tre và xã Hương Phú bị ngập cục bộ; nhiều đoạn ngập sâu từ 30 - 50cm, gây cản trở, ách tắc giao thông cục bộ và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhiều xe bị chết máy khi lưu thông qua đây.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bố trí trực ban 24/24, sẵn sàng sơ tán người và di dời tài sản đối với các hộ ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không đi rừng, vớt củi, bắt cá trên sông suối; đôn đốc các nhà thầu kịp thời khơi thông rãnh, cống thoát nước, xử lý tình huống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản.

Lên phương án mưa lũ dài ngày

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền chia sẻ, gần một tháng qua, người dân vùng thấp trũng gần như dầm mình trong nước lũ. Giờ đây, mưa bão lại tiếp tục, dự báo kéo dài đến một tuần, thậm chí dài hơn. Ngoài phương châm “4 tại chỗ”, huyện Quảng Điền đang triển khai quyết liệt phương châm “tự quản tại chỗ”,  quyết tâm không để thiệt hại về người. Lãnh đạo huyện đến cơ sở ngày đêm túc trực, bám địa bàn, nắm bắt thông tin, tình hình mưa lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Người dân vùng trũng Hương Trà thuê thuyền để đi lại. Ảnh: Phan Thắng

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhận định, mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài, nhất là cơn bão số 13 với cấp độ cực mạnh có khả năng đổ bộ vào miền Trung,  tâm bão có thể vào Thừa Thiên Huế. Bão kết hợp lũ lớn sẽ gây hâu quả khó lường.

Ngay từ lúc này, các địa phương, ban ngành chủ động triển khai phương án ứng phó bão và sống chung với lũ. Đến 15 giờ, ngày 11/11, khoảng 12 ngàn hộ với hơn 37 ngàn nhân khẩu ở các vùng nguy hiểm, sườn núi, vùng sạt lở, thấp trũng, ven biển, đầm phá… được sơ tán đến nơi an toàn. 1.000 tấn gạo và nhiều tấn lương thực từ nguồn hỗ trợ của tỉnh đã được chuyển đến các xã, thị trấn cấp phát cho người dân  trước tình trạng mưa lũ kéo dài.

Người dân cần tổ chức giằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền cách an toàn. Các chủ công trình thủy lợi, thủy điện, công trình đang thi công tiếp tục triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công nhân, thiết bị, vật tư; điều tiết xả lũ hợp lý, theo lệnh của tỉnh, đúng quy trình vận hành…

Bài, ảnh: H. Triều - H.Phúc - M. Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top