ClockThứ Tư, 03/02/2016 05:05

Đảm bảo lưu thông tiền tệ

TTH - Áp lực lớn nhất với các ngân hàng chủ yếu vẫn là những ngày cận Tết, vì thế, ngân hàng nào cũng chuẩn bị đầy đủ các phương án để đảm bảo lưu thông tiền tệ.

Các ngân hàng cho biết, mệnh giá tiền được cơ cấu đầy đủ từ thấp đến cao để phục vụ khách hàng

ATM đầy tiền

Tại các cột ATM của Vietcombank Chi nhánh Huế ở đường Hùng Vương (TP Huế), thời điểm mà tôi có mặt, lượng người đến rút tiền khá đông. Trong đó có khoảng 20 công nhân của một công ty may mặc trên địa bàn. Một trong số đó cho hay, doanh nghiệp sử dụng lao động vừa chi trả các khoản lương, thưởng Tết nên tranh thủ sau giờ làm, chị em rút tiền để đi sắm Tết.

Dù lượng người khá đông, phải xếp hàng dài để đợi nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, không có máy ATM bị sự cố lỗi mạng, hết giấy in hoặc hết tiền.

Bà Phan Thị Diệu Cầm, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Huế thông tin, nắm được thời điểm cuối năm sẽ tăng lượng giao dịch ATM và chủ yếu vẫn là rút tiền nên lãnh đạo ngân hàng đã có kế hoạch tăng lượng tiền cho các máy ATM; đồng thời có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bố trí tiền mệnh giá lớn để khách hàng thuận tiện hơn trong việc rút tiền mặt.

Agribank cam kết sẽ không để xảy ra sự cố ở các máy ATM

Qua theo dõi, nắm tình hình, lãnh đạo Vietcombank Chi nhánh Huế cho biết, tại các máy ATM, lượng khách hàng giao dịch sau ngày 20/1 đến 31/1 chưa có nhiều đột biến, chủ yếu vẫn là từ đầu tháng 2/2016, khoảng từ ngày 24 Tết trở đi, lượng giao dịch bắt đầu tăng mạnh. Để kịp thời phục vụ nhu cầu của khách hàng, Vietcombank Chi nhánh Huế đã bố trí phương tiện, nhân lực, tiền mặt kịp thời tiếp quỹ khi các máy ATM hụt tiền.

Trên địa bàn hiện có 223/225 máy ATM đang hoạt động, với khoảng 1 triệu thẻ ATM đã phát hành, trong đó lượng thẻ đang hoạt động chiếm khoảng hơn 70%. Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát hoạt động này và sẽ xử lý với lãnh đạo ngân hàng nào nếu để ATM trục trặc quá thời gian quy định. Tuy nhiên, trong những ngày trước Tết, lượng khách hàng rút tiền mặt tại các ATM khá lớn nên khó tránh khỏi tình trạng chờ đợi hoặc gặp sự cố hết tiền tạm thời.

Agribank Chi nhánh tỉnh là ngân hàng có lượng khách hàng cá nhân, sử dụng thẻ ATM thuộc diện “top” trong hệ thống các ngân hàng trên địa bàn, nên việc đảm bảo vận hành thông suốt ATM dịp Tết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Trần Đình Khoái, sau ngày 20 Tết là thời điểm các máy ATM hoạt động hết công suất, do đó, ngân hàng đã chuẩn bị lượng tiền mặt, trung bình mỗi ngày khoảng 90-100 tỷ đồng để tiếp quỹ cho khoảng 30 máy ATM trên địa bàn. “Lỗi mạng, cắt điện mới khó khắc phục chứ các vấn đề khác thì đơn giản. Chúng tôi đã thuê hai đường truyền, phòng trường hợp rủi ro khi đường truyền này gặp sự cố có thể dùng đường truyền khác thay thế, nhằm giảm thời gian ngừng hoạt động của máy ATM. Lo nhất là cắt điện ở các vùng huyện, vì việc sử dụng máy phát điện dự phòng khá khó khăn. Riêng ở hội sở, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn máy phát điện dự phòng để phát điện cho máy ATM khi đường truyền tải bị gián đoạn”, ông Trần Đình Khoái chia sẻ.

Một số ngân hàng khác, như Vietinbank, BIDV, các ngân hàng TMCP cũng chuẩn bị đầy đủ các kế hoạch để đảm bảo ATM hoạt động thông suốt trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Cơ cấu đủ mệnh giá

Ngoài đảm bảo tiếp quỹ đầy đủ cho máy ATM, nhiệm vụ quan trọng khác của các ngân hàng trong thời điểm giáp Tết là đảm bảo nguồn tiền mặt đủ các mệnh giá để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Về cơ cấu mệnh giá, lãnh đạo các ngân hàng khẳng định phải đảm bảo đầy đủ từ thấp đến cao theo sự chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước, kể cả giao dịch tiền mặt và ATM.

Những ngày Tết, nhiều người dân có nhu cầu đổi tiền mệnh giá thấp để làm quà mừng tuổi cho các em thiếu nhi… Trong đó có khá nhiều người có nhu cầu đổi tiền mới. Theo lãnh đạo một số ngân hàng TMCP trên địa bàn, năm nay, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc phát hành tiền mới, nhất là tiền mệnh giá thấp nên việc phân bổ cho các ngân hàng thương mại cũng khá hạn chế. Chỉ có một số ít mệnh giá 50.000 đồng, còn lại chủ yếu vẫn là 100 ngàn đồng. Các mệnh giá nhỏ hơn như 10.000 đồng, 20.000 đồng khá ít. Các loại mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng hạn chế tối đa nhằm tránh trường hợp người dân sử dụng vào mục đích mê tín dị đoan để cúng, thả.

Song, để duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng, các ngân hàng chuẩn bị sẵn tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng (không phải tiền mới) để đổi cho khách hàng khi có yêu cầu. Đối với loại tiền này, các ngân hàng cho hay, nguồn khá dồi dào để đảm bảo lưu thông dịp Tết.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường tiền tệ sẽ ít “sóng”

Năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp lực nhất vẫn là bám sát thị trường tiền tệ, các mục tiêu kinh tế và xử lý linh hoạt. Ví như tín dụng phải theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế; dự trữ ngoại hối phải cân đối kiểm soát lạm phát…

Thị trường tiền tệ sẽ ít “sóng”
Bảo đảm an toàn kho quỹ, tiền tệ dịp tết

Cuối năm nhất là những ngày trước và trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu giao dịch tiền mặt của người dân tăng cao. Vì vậy, bên cạnh đảm bảo đủ lượng tiền trong lưu thông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng cũng tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn kho quỹ, tiền tệ trong dịp này.

Bảo đảm an toàn kho quỹ, tiền tệ dịp tết
Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, từ 25/10 NHNN sẽ tăng thêm 1% đối với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên,…

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn
Bảo đảm ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán vốn là một trong những “hàn thử biểu”, một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, gần đây thị trường này đang có một số dấu hiệu bất ổn, cần có những giải pháp quyết liệt để ổn định và phát triển bền vững.

Bảo đảm ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán

TIN MỚI

Return to top