ClockThứ Năm, 15/10/2020 06:15

Đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu sau lũ

TTH - Sau lũ, nhiều mặt hàng tăng giá khiến người dân đã khó, nay càng khó khăn hơn, song lượng hàng thiết yếu ở các doanh nghiệp (DN) và cửa hàng bán lẻ vẫn dồi dào với mức giá bình ổn.

Nhiều nơi ngập sâu, hàng trăm hộ dân được di dời đến nơi an toàn

Rau xanh đắt đỏ sau lũ

Nước rút, nhiều người ra chợ mua thức ăn về lo bữa cơm cho gia đình, sau khi lượng thực phẩm dự trữ đã cạn hoặc bị hỏng do tủ lạnh bị mất điện. Tại chợ Bến Ngự, rau xanh được xem là mặt hàng “hot” nhất trong mấy ngày qua, giá tăng cao, dao động từ 10.000 - 20.000đ/kg so với thời điểm trước lũ.

Theo chị Nguyễn Thị Gái, kinh doanh tại chợ Bến Ngự, các mặt hàng củ quả từ Đà Lạt về vẫn dồi dào, chỉ có các loại rau xanh như rau má, rau khoai, rau muống, xà lách... là khan hiếm nên giá tăng lên khoảng 20% so với ngày thường.

Không chỉ rau xanh, các loại thịt heo, thịt bò cũng tăng nhẹ...

Trong khi ở các chợ truyền thống, chợ tạm nhiều mặt hàng khan hiếm do “cầu vượt cung” và giá cả leo thang thì tại các siêu thị, do chủ động từ trước nên đã tăng gấp 3 lượng hàng từ các tỉnh, thành trong cả nước về cung ứng. Vì vậy, cùng với các mặt hàng cứu trợ khẩn cấp như mì ổ, xúc xích, sữa, bánh ngọt thì các loại mì tôm, dầu ăn, đường và các loại rau củ quả, thủy hải sản khá dồi dào.

Giám đốc Siêu thị Big C Huế Võ Thị Thu Thủy thông tin, trong 2 ngày qua DN nhận nhiều đơn hàng cứu trợ nên phải vận chuyển hàng liên tục, thâu đêm từ các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt về cung ứng, đồng thời bổ sung thêm khoảng 30% lượng hàng hóa thiết yếu, rau xanh phục vụ người dân với mức giá không đổi so với trước thời điểm lũ nên bà con yên tâm.

Các loại thủy hải sản tăng giá nhẹ sau lũ

Bà Thủy cho biết, hiện DN đang liên kết với hệ thống Big C Việt Nam để tăng cường nguồn hàng, như mì tôm, sữa, gạo và các mặt hàng thiết yếu vận chuyển gấp về Huế để đóng gói quà cứu trợ cho các đơn vị, cá nhân.

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, qua kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa phòng chống lụt bão tại các đơn vị kinh doanh lớn, như Siêu thị Coop.Mart, Big C, Vinmart và các DN thương mại phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm; các DN sản xuất nước uống đóng chai và kinh doanh xăng dầu có hệ thống kho chứa, cửa hàng bán lẻ, phương tiện vận chuyển phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh, các cơ sở này bảo đảm dự trữ và cung cấp hàng hóa thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao trong mùa mưa lũ đến các địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, với hệ thống cửa hàng lương thực, thực phẩm của các hộ kinh doanh tại các thị trấn, thị tứ, vùng tập trung dân cư trên địa bàn có khả năng tham gia cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong và sau lũ.

Hiện, các DN có ký hợp đồng dự trữ hàng phục vụ bão lụt cho tỉnh, gồm 3 DN là Công ty TNHH MTV Lương thực Thừa thiên Huế, Công ty TNHH Thương mại Thái Đông Anh và Công ty TNHH DV&TM Hoàng Đạt đủ năng lực, điều kiện và đang dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn  mì ăn liền đã và đang xuất kho phục vụ công tác cứu trợ. Ngoài ra, cấp huyện và các xã phường gồm 1.400 tấn gạo, 203 tấn mì ăn liền, 445.000 lít nước, 248.000 lít xăng, dầu và 8 tấn muối; các DN còn dự trữ thêm 1.820 ngàn lít xăng dầu, 87 tấn dầu mỡ, 15 tấn gas,1 triệu lít xăng, 1,5 triệu lít dầu diezen.

Bài, ảnh: KHÁNH THƯ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

TIN MỚI

Return to top