ClockThứ Tư, 26/06/2013 10:37

Đắm đuối mà tỉnh táo

TTH - (Đọc “Lời tự tình của một dòng sông” - Tập bút ký của Nguyễn Văn Dũng, NXB Thuận Hóa, 2013)

Sau hai cuốn du ký kể chuyện đi vòng quanh thế giới được dư luận hoan nghênh (Linh Sơn mây trắng & Đi tìm ngọn núi thiêng), lão võ sư Nguyễn Văn Dũng mới “xuất chiêu”… tỏ tình với những gì thân thiết nhất của anh ở Huế qua tập bút ký “Lời tự tình của một dòng sông” (LTTCMDS). Nói đúng ra, trong 5 chương sách (Hương Giang ơi dòng sông êm – Mưa Huế - Có một thời để nhớ - Chút kỷ niệm về Người – Sông vẫn chảy cuối trời) với 30 bài ký, Nguyễn Văn Dũng đã dành chương cuối cho 5 vùng đất đặc biệt của đất nước như Đảo Lý Sơn, Đà Lạt, Sapa, Côn Đảo, Hà Giang, nhưng đọng lại trong tâm trí người đọc sâu xa hơn cả vẫn là những bài viết về Huế.

 

Chỉ với 1 bài “Ngũ long triều tửu” kể cái “duyên” kết bạn tâm giao và phác họa chân dung 5 “quái kiệt” của Huế là Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Dương Đình Châu và Nguyễn Văn Dũng, bạn đọc đã có thể hình dung nhiều điều sâu sắc về Huế. Những bài viết về Trần Quang Long, Hoàng Phủ Ngọc Tường, về người mẹ sống thọ hơn một thế kỷ của tác giả, về ngôi Trường Quốc Học, về “người thầy đầu tiên” - một linh mục khai sinh ngôi trường bên Túy Vân cùng với chiếc “tàu thủy” đầu tiên vượt phá Tam Giang chở khách qua Cầu Hai từ hơn nửa thế kỷ trước… vừa chứa đựng những chi tiết lịch sử, đời sống chân thực trong một không-thời gian rộng lớn, vừa gợi nghĩ đến đạo làm người, đạo thầy-trò luôn phải được tôn vinh. Đọc bài “Người thầy đầu tiên”, chúng ta mới biết vì sao một giáo sư dạy văn nổi tiếng lại trở thành võ sư cao đẳng của làng Karate-Do Việt Nam. Sau khi suýt bị chém chết năm 1963, do anh bênh vực “người thầy đầu tiên” bị đánh dã man bởi chính mấy học trò vô đạo a dua thời thế, Nguyễn Văn Dũng tìm đến võ sư Choji Suzuki bái sư nhập môn Karate để… trả thù. Rút cục, qua quá trình khổ luyện, anh hiểu ra “học võ cho có sức mạnh để không bao giờ dùng đến võ”“cách trả thù tốt nhất là bao dung tha thứ cho kẻ thù”, Nguyễn Văn Dũng “như mù lòa được sáng”, năm 1972, anh đã tìm gặp, bắt tay bè bạn với những “cựu thù”… Một câu chuyện có nhiều điều thật đáng suy ngẫm.

Đã có nhiều người viết về Huế, nhưng “sống chết” với Huế hơn bảy chục năm, với vốn văn hoá phong phú, với những mối quan hệ không dễ gì ai cũng có được, tác giả lại dốc hết “gan ruột” với bạn đọc, nên cuốn sách không chỉ có “lời tự tình” của sông Hương mà mỗi trang viết đều là lời tỏ tình đắm đuối mà tỉnh táo của chính tác giả với quê hương, là sự chiêm nghiệm suốt cả cuộc đời tác giả về mọi nỗi vui buồn, thăng trầm của Huế, về số phận những con người nổi tiếng và của cả những đường phố, như chiếc xích lô… đặc sắc của đất Cố đô.

Mời bạn đọc vài dòng tôi vừa chợt mở lại cuốn sách:

“…Con đường sau lưng Đài Phát thanh ai đó đặt cho cái tên thật dễ thương: Rue d’ Amour. (“Con đường Tình yêu” - NKP chú giải). Một bên dòng Hương lai láng, bên kia Công viên Tứ tượng cây cối soi mình. Con đường ngắn thôi mà ghi dấu bao cuộc tình dài lâu. Tôi ngờ rằng, Hoàng Nguyên đã gặp “Tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong nắng vương” một chiều lang thang trên con đường này… Đầu đường, cạnh bên nỗi cầu Trường Tiền, như được tạo hóa dụng công cho hiện hữu tuyệt vời một cây phượng thắm nhất, nở sớm nhất, tàn muộn nhất, và cành của nó buông xuống như thì thầm đôi điều chi đó với dòng sông… Bốn mùa mưa nắng, đêm cũng như ngày, con đường này bao giờ cũng đẹp… Vậy mà (nay), người ta nỡ đặt cho nó cái tên cúng cơm: “Đường Nguyễn Đình Chiểu.” Thật là trớ trêu… Sao không đặt tên con đường đẹp cho người đẹp, sao không đặt tên “con đường tình yêu” cho người yêu?...” (Trích từ bài “Ôi những con đường biết ai còn nhớ”).

Nguyễn Văn Dũng“tỏ tình” với Huế thế đó, đắm đuối mà tỉnh táo! Hầu như bài nào tác giả cũng mạnh dạn nêu những nhận xét, “kiến nghị” để giữ cho Huế mãi mãi là “bài thơ đô thị tuyệt tác.” Hẳn là không phải ý kiến nào của Nguyễn Văn Dũng cũng thuận lòng nhiều người. Tác giả cũng tự xếp mình vào loại “bảo thủ”. Thực ra, đó là tác giả tự giễu mình, chứ một người đã đi khắp năm châu bốn biển như Nguyễn Văn Dũng, dù yêu quý những vẻ đẹp “xưa cũ” của quê hương mình đến mấy, cũng có cách nhìn “hiện đại” khi viết những “lời bình” về Huế hôm nay. Có điều, không biết các nhà quản lý Huế hôm nay có thì giờ để mắt đến cuốn sách này không?...

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Huế lạ và xưa

Với khoảng 25 bức ảnh chụp về Huế từ hơn 130 năm về trước, một ngày giữa tháng 3 vừa qua, nhóm Tân Đô Thành Hiếu Cổ đã phối hợp cùng không gian của Da:me coffee (đường Chu Văn An) kể chuyện về Huế xưa qua hình ảnh ngay trong lòng phố Tây, với tên gọi “Huế lạ và xưa”.

Huế lạ và xưa
Return to top