ClockChủ Nhật, 23/10/2022 13:15

Đam mê bảo tồn di sản phủ đệ Huế

TTH - Cầm trên tay tập sách “Ký họa kiến trúc di sản Huế - Cổng ngõ phủ đệ” của kiến trúc sư trẻ Nguyễn Xuân Lực, do Nhà xuất bản Thuận Hóa cấp phép ấn hành, vừa mới trình làng vào cuối tháng 9 năm 2022, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước các ký họa về công trình kiến trúc cổng ngõ các phủ đệ Huế của anh.

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản độc đáo triều Nguyễn

Công trình đầu tay của KTS. Nguyễn Xuân Lực “Ký họa kiến trúc di sản Huế - Cổng ngõ phủ đệ”

KTS - ThS. Nguyễn Xuân Lực còn quá trẻ, anh sinh năm 1994, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc Trường đại học Khoa học Huế (2017), sau đó tiếp tục học lên bậc cao học, lấy bằng thạc sĩ kiến trúc vào năm 2022. Từ tấm lòng yêu Huế, luôn trăn trở với di sản văn hóa kiến trúc của cha ông, Nguyễn Xuân Lực đã âm thầm tìm cho mình một lối đi riêng, nhằm tìm cách lưu giữ, bảo tồn những loại hình kiến trúc đặc sắc, riêng có của Huế trước nguy cơ ngày càng mai một trước cơn lốc đô thị hóa với một tâm niệm: ký họa lại từng đường nét, hình dáng và hồn cốt của mỗi công trình kiến trúc phủ đệ xưa cũ, nhằm để lưu dấu, bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc quý giá cho đời sau trước khi chúng bị biến mất...

Nguyễn Xuân Lực miệt mài theo đuổi đam mê và cho ra đời công trình ký họa đầu tay của mình “Ký họa kiến trúc di sản Huế - Cổng ngõ phủ đệ” với 72 bức ký họa đặc tả tỉ mẩn và chi tiết các họa tiết hoa văn trên các hàng rào, tường thành, cổng ngõ thuộc hệ thống di sản cổng ngõ phủ đệ Huế. Đặc biệt, trong đó tác giả đã kỳ công khảo sát, hệ thống hóa và đặc tả 4 kiểu dáng kiến trúc cổng ngõ phủ đệ hiện còn được phân bố trên địa bàn của 15 phường – xã thuộc thành phố Huế, gồm: Hệ thống các phủ có kiến trúc cổng tam quan (gồm 12 cổng phủ); hệ thống các phủ có kiến trúc cổng 1 cửa (cửa vòm – gồm 36 cổng phủ); hệ thống các phủ có kiến trúc cổng 2 trụ (gồm 17 cổng phủ); hệ thống các phủ có kiến trúc các cổng phủ đã mất cổng (gồm 6 phủ). Điều có thể thấy ở tập ký họa này là Nguyễn Xuân Lực luôn luôn chú ý đến các chi tiết của kiến trúc với các họa tiết hoa văn, bình phong, cổng thành, tường rào, mái cổng… và làm rõ được những yêu cầu cơ bản của mối liên hệ giữa ký họa với kiến trúc.

Một vài bức ký họa đặc tả các họa tiết hoa văn trên các hàng rào, tường thành, cổng ngõ thuộc hệ thống di sản cổng ngõ phủ đệ Huế

Trước khi giúp độc giả chiêm ngưỡng 72 bức ký họa kiến trúc cổng ngõ phủ đệ Huế, KTS. Nguyễn Xuân Lực đã dẫn dắt người đọc hiểu rõ hơn về đặc trưng kiến trúc phủ đệ, cùng thực tại biến đổi kiến trúc trong hệ thống cổng phủ mà theo tác giả: “Do tác động của thời tiết, thời gian, lịch sử và đô thị hóa mà có nhiều cổng ngõ đã dần bị thay đổi cả về vật liệu lẫn hệ thống kiến trúc, trong đó sự biến đổi hệ thống kiến trúc cổng phủ ở Huế là một điển hình”. Điều đó cho thấy trách nhiệm và tấm lòng đau đáu về số phận của loại hình kiến trúc quý hiếm, không nơi nào có được mà tác giả cần phải ký họa lại để bảo lưu, phục vụ cho công tác bảo tồn, phục dựng khi có điều kiện.

Để có được tập ký họa giá trị này, theo Trần Nguyễn Khánh Phong: Nguyễn Xuân Lực dành khá nhiều thời gian để sưu khảo các hình ảnh Huế xưa - nay trong đó có phủ đệ. Các phủ đệ xứ Huế được KTS kỳ công khảo sát, ký họa và được thể hiện thành công trong tập sách, như: Phủ Quốc Uy công, Phúc Long công, Ninh Thuận công, Kiến Tường công, Cương Quận công, Phong Quốc công, Diên Khánh vương, Tuy Lý vương, An Thường công chúa…

Ký họa phủ đệ của Nguyễn Xuân Lực dễ đi sâu vào lòng người bởi sự chân chất của đường nét đen huyền trên từng trang giấy trắng, vừa bắt mắt, vừa giản dị, dễ gần...

Bài: NGUYỄN ĐÌNH DŨNG - Ảnh: NXL

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách: Giá trị văn hóa thời Nguyễn, gồm 23 bài viết với 380 trang. Các bài viết đã nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan, mang tính chất tổng kết nghiên cứu di sản Cố đô Huế, góp phần làm rõ giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Huế.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn
Đu tiên Phú Gia trở lại

Một ngày cuối tháng Hai vừa qua, người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc đã đổ về sân Nhà văn hóa cùng tham gia lễ phục dựng trò chơi Đu Tiên và các trò chơi dân gian. Nhìn những ánh mắt rạng ngời dõi theo những vòng đu quay, mới nhận ra trong lòng họ đang ngập tràn hạnh phúc, bởi sau 25 năm, giờ trò đu tiên mới được phục dựng trên mảnh đất quê hương.

Đu tiên Phú Gia trở lại
Return to top