ClockThứ Tư, 23/06/2021 08:59

“Dẫn đường” cho nông dân

TTH - Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ngay cả khi chưa bị tác động vì đại dịch, sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn thường rơi vào việc phải giải cứu.

Nắng rát. Người lúc nào cũng thấy nóng hực và nhanh mệt nhưng cậu tôi vẫn lui hui ngoài vườn. Cậu trồng cau. Có một khoảnh đất nhỏ còn bỏ trống, và cậu muốn lấp đầy nó bằng cây. “Ba em cứ trồng đã, khi mô ăn được tính sau. Kệ, ba cứ lấy đó làm vui là được chị, chứ dạo này cau cũng không được mấy giá. Có khi chục năm nữa sẽ khác!” - em họ tôi nói và cười xòa.

Ngoại trừ lúa được mùa, không bị rớt giá, năm nay cậu mợ “mất mùa” rau trái. Bí đao, bí ngô chất đầy một khoảng nhà. Thi thoảng, cậu mang ra chợ làng gửi bán nhưng cũng được chăng hay chớ. “Nhìn rầu lắm con” - hôm nọ cậu nói.

Bước vào năm 2021, nông nghiệp được mùa. Tuy nhiên, bà con cũng không mấy vui vì giao dịch thị trường quá thấp, rau trái ở mức giá rẻ như cho. Tôi nhớ các đồng nghiệp đã không ít lần lên mạng xã hội kêu gọi giải cứu rau, dưa cho bà con nông dân. Nhớ những lần chợ rau ê hề, những bao tải ớt cao sản, ớt đỏ đầy cả một góc chợ. Nhưng so với nhiều địa phương khác, vụ mùa năm nay, Huế vẫn còn may khi chưa bị “ngăn sông, cấm chợ” để phòng ngừa COVID-19. Hơn nữa, sản phẩm nông nghiệp ở Huế cũng ở một chừng mực nhất định. Vì chưa phải là vùng nguyên liệu rộng lớn nên cũng chưa chịu tác động lớn về mặt thị trường.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ngay cả khi chưa bị tác động vì đại dịch, sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn thường rơi vào việc phải giải cứu. Chẳng hạn như đã từng xảy ra với khoai tây Đà Lạt, hành tím Sóc Trăng, dưa hấu Quảng Ngãi, cam Tuyên Quang, Hà Giang; su hào, cà chua, bắp cải, cải bẹ xanh, cà rốt, củ cải trắng… ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Chưa “đọc” được nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến việc không xây dựng được kế hoạch thị trường đang được xem là vấn đề mấu chốt hiện nay trong sản xuất nông nghiệp. Đó là cách nói dễ hiểu nhất với nhà nông, bên cạnh những thuật ngữ khác như việc tạo chuỗi sản xuất, cung ứng và kết nối với các doanh nghiệp chế biến để cung ứng đúng và đủ nhu cầu và cùng nhau phát triển.

 “Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu” là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại hội nghị trực tuyến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, do Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức tại Hà Nội, vào cuối tuần qua. Sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất khiến cung cầu bị ngắt quãng là hệ quả mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ. Đây cũng là vấn đề được nhìn nhận qua cả một quá trình, để tiến tới việc dẫn đường, chỉ lối cho người nông dân, rộng hơn là cho sản xuất nông nghiệp bằng cách định vị, minh bạch dữ liệu thông tin thông qua chuyển đổi số. Đó cũng là cách xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân mà “tư lệnh” ngành nông nghiệp đã khẳng định, với mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (big data).

Đó cũng là điều đang được mong mỏi. Chí ít thì trong một góc nhìn rất hẹp, cậu tôi và những người như cậu sẽ biết mình cần canh tác như thế nào trên nương rẫy, đồng ruộng của mình mà không phải lo âu.

Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
Return to top