ClockThứ Bảy, 15/12/2012 19:00

Dân kêu vì giặt là gây ô nhiễm tại Thủy Xuân

TTH - Chỉ mới chuyển đến hoạt động tại số 90b đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, T.P Huế trong vòng 4 tháng, nhưng cơ sở dịch vụ giặt là của Công ty TNHH Hương Xuân khiến nhiều hộ dân ở tổ 10, khu vực 2, phường Thủy Xuân bức xúc vì đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt chung.

Theo phản ảnh của người dân sống ở tổ 10, khu vực 2 phường Thủy Xuân, trong quá trình hoạt động, công ty đã đốt lò và chạy máy làm khói bụi tỏa ra bốc mùi rất khó chịu, liên tục cả ngày lẫn đêm và suốt 7 ngày trong tuần. Hơn nữa, nước thải có chứa hóa chất tẩy rửa độc hại chưa qua xử lý được xả thẳng ra khe cầu Từ Hiếu đến khe cầu Bối. Điều này gây ô nhiễm đất, các mạch nước ngầm và nguồn nước dọc đoạn khe này, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong vùng, gây thiệt hại đến sản xuất hoa màu. Người dân cũng có ý kiến nên đưa nhà máy vào khu công nghiệp để hoạt động và quản lý.

 

Nhiên liệu được chất đống nhếch nhác ngay cạnh lò đốt

 

Trước đây, cơ sở này hoạt động dịch vụ tại đường Nguyễn Thái Học, rồi chuyển đến đường Phan Đình Phùng và nay thuê đất kinh doanh dịch vụ tại phường Thủy Xuân trong khuôn viên rộng chừng 700m2. Theo thông tin từ phía công ty, hoạt động này mỗi ngày phục vụ giặt là cho khoảng 40 khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn T.P Huế. Lượng nước sử dụng mỗi ngày khoảng 10m3. Với chừng đó khối lượng nước sử dụng sẽ có lượng nước tương đương thải ra mỗi ngày. Một nhân viên quản lý phụ trách bộ phận sản xuất tại cơ sở cho biết, một số người dân địa phương thắc mắc hai vấn đề, đó là công ty sử dụng than đá để đốt gây ô nhiễm, bốc khói gây mùi khó chịu. Nhưng thực tế, đơn vị không hề sử dụng than đá mà sử dụng củi và trấu ép để đốt lò khói bốc lên theo phản ánh của người dân thực chất là khí do sức nén của hơi nước bốc lên.

 

Tại hiện trường sân bãi, mặc dù lúc này hệ thống lò đốt đang ngưng hoạt động, nhưng theo quan sát của chúng tôi, bên cạnh những đống củi chất ngổn ngang còn có cả một đống than đá và muội than lổm nhổm. Còn về hệ thống xử lý nước thải, mặc dù công ty có đầu tư xây bể lắng than, cát 3 ngăn với diện tích rộng chưa tới 4m2 được đậy kín nắp bê tông, nhưng việc xử lý vẫn chưa đảm bảo, bởi đến nay chưa có cơ quan chức năng nào công nhận đạt tiêu chuẩn.

 

Bình quân mỗi ngày, lượng nước thải ra môi trường từ hoạt động giặt là khoảng 10m3

 

Ngoài ra, qua tìm hiểu của chúng tôi tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) T.P Huế được biết, Công ty TNHH Hương Xuân chỉ vừa mới gửi đề án bảo vệ môi trường cho Phòng Tài nguyên và Môi trường T.P Huế thẩm định vào đầu tháng 12/2012. Phía Phòng TNMT T.P Huế cũng nêu rõ quan điểm là đến lúc nào (theo yêu cầu là trong vòng 1 tháng- PV) cơ sở giặt là tại số 90b Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân xử lý đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường và không còn sự phản ánh từ phía người dân thì Phòng TNMT T.P Huế mới tiến hành phê duyệt đề án.

 

Ông Đồng Sĩ Toàn, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân cho biết, mặc dù phía chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của công ty, nhất là về công tác bảo vệ môi trường, nhưng xem ra phía đơn vị thiếu hợp tác. Đáng lẽ ra, việc không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường như đối với cơ sở trên là buộc phải ngưng hoạt động. Nhưng chính vì vai trò của phường không có chức năng và dụng cụ để đánh giá mức độ ô nhiễm nên vẫn chưa có chế tài và xử lý mạnh tay với cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Việc cấp giấy phép kinh doanh cũng nên đồng thời với việc cấp giấy phép về bảo vệ môi trường.

 

Ông Đồng Sĩ Toàn cũng rất thẳng thắn cho biết, chính quyền địa phương không khuyến khích đối với hoạt động giặt là trên địa bàn, bởi vị trí địa hình của phường và nhất là cơ sở giặt là này nằm ở vùng đồi cao, đầu nguồn nước, hơn nữa đây là hoạt động có sử dụng nhiều hóa chất, có độc tố cao nên chắc chắn ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động sản xuất của người dân trong vùng. Sắp tới, khi cơ sở đã được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường thì cần phải thực hiện nghiêm túc, theo đúng cam kết để đảm bảo vệ sinh môi trường, làm an lòng dân.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso

Ngày 22/3, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso đỏ tại Phong Điền". Dự án do PGS.TS Nguyễn Văn Toản, giảng viên Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây Atiso
Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

Tắt sóng 2G Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

TIN MỚI

Return to top