ClockThứ Năm, 28/09/2017 05:46

Dân khó vì dự án treo

TTH - Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở phường Thủy Dương (T.X Hương Thủy) vướng quy hoạch, dự án “treo”, gây khó cho nguồn thu từ trồng trọt cũng như việc xét cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất.

Dù dính quy hoạch, nhưng để có nguồn thu, gia đình ông Nguyện và một số hộ dân vẫn bám vườn, bám đất để trồng cây

Thấp thỏm

Sau nhiều lần bị thu hồi để phục vụ xây dựng các công trình dân sinh, kinh tế, khoảnh đất sản xuất nông nghiệp rộng hơn 1,6ha của gia đình ông Lê Viết Nguyện ở tổ 8, phường Thủy Dương giảm còn gần 1ha.

Diện tích này cũng dính quy hoạch xây dựng sân bóng đá của phường kéo dài từ hơn 10 năm nay, nên trong lúc chờ thu hồi, gia đình ông vẫn bám vườn, bám đất trồng tiêu, chanh, mít và một số cây hoa màu ngắn ngày khác.

Theo ông Nguyện, khu đất này do tổ tiên đời trước khai phá, canh tác và có giấy tờ đầy đủ (trước năm 1975) để lại. Trong trích lục, khu đất này ngày xưa có tên gọi là rẫy chân Độn Đá, thuộc vùng đất Thanh Lê. Ngày trước, những người làm nông lên đây khai canh, trồng các loại cây để mưu sinh. Qua nhiều lần bị thu hồi, diện tích cũng như số hộ tham gia sản xuất ở khu vực này giảm dần.

Bà Nguyễn Thị Vy, khai canh từ trước năm 1980, hiện còn 2.400m2 giờ chỉ trồng lưa thưa vài cây bạch đàn, sả, mè với mục đích để “giữ đất” là chính. Bà Vy trò chuyện: “Không nhớ cụ thể thời gian, nhưng từ khi xã (nay là phường) Thủy Dương công bố dự án (DA) xây dựng sân bóng đá, hoạt động sản xuất của nhiều hộ dân bị gián đoạn, nhất là giai đoạn từ khoảng 10 năm trở lại. Phần vì địa phương không cho trồng, nên nhiều hộ bỏ đất hoang hóa hoặc trồng theo kiểu “gặp chăng hay chớ”, không dám đầu tư, vì sợ đến khi bị thu hồi, giải tỏa không được đền bù, vừa tốn công, mất của”.

Vì vướng quy hoạch DA xây dựng công trình thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng, nên dù những chủ sử dụng đất nhiều lần đề nghị xin cấp GCN nhưng mãi vẫn không được. Rất nhiều hộ dân như bà Vy, ông Quánh, ông Kính đã canh tác, sử dụng đất từ hơn 30 năm mong muốn có được GCN để thế chấp vay vốn, chuyển nhượng cho con cháu, nhưng cũng đành “bó tay”.

Hiện nay,  ngoài vướng DA sân bóng đá trên địa bàn phường Thủy Dương còn có một số DA dính đến đất sản xuất nông nghiệp của người dân như: DA Trường cao đẳng Nghề du lịch cơ sở 3, quy hoạch tại tổ 11, giáp phường Thủy Phương; DA quy hoạch Khu quần thể sân golf- Làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt Nam. Vì vướng quy hoạch, nên diện tích đất nông nghiệp không hoặc chưa thể cấp GCN đã được phường tổ chức đăng ký vào sổ mục kê để quản lý, làm cơ sở để thực hiện quyền của người sử dụng đất nếu có quy hoạch, giải tỏa.

Tập trung tháo gỡ

Theo ông Lê Quý Tư, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Dương, đã qua hơn 2 nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đảng bộ của phường, nhưng DA xây dựng sân bóng đá được quy hoạch trên diện tích khoảng 2ha ở tổ 8 vẫn chưa thực hiện được. Nhận thấy vị trí quy hoạch không còn phù hợp, ảnh hưởng đến nhiều hộ sản xuất, mới đây,  phường đã đề xuất và được UBND thị xã đồng ý quy hoạch vị trí mới, gần cầu Lợi Nông, thuộc quỹ đất công ích 5% của UBND phường quản lý. Vị trí đề xuất này không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân, cũng như bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Ngô Quốc Dũng, cán bộ địa chính phường cho biết thêm, vừa qua, phường đã đề xuất lên UBND thị xã xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp sang đất ở. Việc chuyển đổi này vừa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, vừa giúp địa phương có thêm nguồn thu và giải quyết nhu cầu về đất ở cho người dân trong quá trình đô thị hoá. Đề xuất này sẽ được HĐND thị xã xem xét vào cuối năm nay.

Phó Chủ tịch UBND phường, ông Lê Quý Tư đề xuất, để đảm bảo công tác quản lý cũng như cấp GCN và ổn định đời sống sản xuất cho bà con, đối với quy hoạch Khu quần thể sân golf- Làng du lịch sinh thái phong cảnh Việt Nam dính đến 139,5ha đất của phường Thủy Dương, Sở Xây dựng cần sớm điều chỉnh về mặt quy hoạch để đáp ứng nhu cầu của người dân.  UBND tỉnh cần đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai DA xây dựng Trường cao đẳng Nghề du lịch cơ sở 3. Nếu không thực hiện được thì nên sớm công bố để cấp GCN cho dân. Đối với sân bóng đá, đề nghị UBND thị xã Hương Thủy sớm có chủ trương điều chỉnh quy hoạch để chuyển DA sân bóng đá đến vị trí mới theo đề xuất của phường để sớm cấp GCN theo nguyện vọng của người dân.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top