ClockThứ Năm, 06/04/2017 14:51

Dân không cho nghỉ việc

TTH - Ở xã Vinh Xuân (Phú Vang) có ông Nguyễn Viết Từ, 69 tuổi, làm Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ gần 20 năm (4 khóa). Năm nay, ông xin nghỉ, nhưng dân vẫn nhất quyết bầu.

Ông Nguyễn Viết Từ

Làm những việc dân cần

Trước đây, nói đến thôn Xuân Thiên Hạ là nghĩ đến một vùng quê nghèo khó có...“thương hiệu” bên phá Tam Giang. Người dân thường sống trong cảnh nhiều “không”: không đường, không điện, không nước sạch... Nhiều năm liền, hộ nghèo trong thôn luôn ở mức cao, cảnh người dân xa quê làm ăn xa đứng đầu danh sách của xã. Gia đình ông Từ cũng nằm trong hoàn cảnh chung ấy nhưng giữ vững quan điểm “ly hương, bất ly tổ”. Ông cho biết, sau những năm đổi mới, ông làm kế toán HTX Nông nghiệp Vinh Xuân 2.

Kết thúc 2 khóa, gần 10 năm làm cán bộ HTX, ông được bà con bầu làm Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ. “Không làm thì thôi, đã nhận sự tín nhiệm của bà con, mình phải làm cho tốt”. Ông tâm sự. Hồi đó, đầu tiên, ông nghĩ đến các tuyến đường giao thông đầy cát, đi lại khó khăn là nút thắt kìm hãm kinh tế - xã hội địa phương. Khi đó, Xuân Thiên Hạ chủ yếu nhờ vào sức dân nên việc làm này chỉ có khái niệm “cứng hóa đường làng”. Khoảng vào năm 2005, chủ trương xây dựng đường bê tông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” lan tỏa, ông chủ động kết nối thông tin với lãnh đạo địa phương, tổ chức họp dân hưởng ứng. Ông nói, dù dân lúc đó chỉ chịu vốn đối ứng 30 % nhưng cũng khó, người có, người không, buộc ông trăn trở nhiều đêm để suy nghĩ viết thư ra Bắc, vào Nam, lên Tây Nguyên kêu gọi con em đang làm ăn xa. Mừng là khi nghe đến chuyện làm đường bằng bê tông, bà con nhất nhất hưởng ứng. Từ đó, trong vòng 5 năm, thôn Xuân Thiên Hạ cơ bản có hệ thống đường bê tông liên thôn, xóm gần 9 km tương đối hoàn chỉnh.

Ông Từ (trái) vui khi nhiều tuyến đường bê tông trong thôn ra đời có công đóng góp của cá nhân mình

Có những con đường khang trang, ông Từ lại nghĩ đến việc sinh kế. Hồi ấy, phần lớn người dân ở đây sống vào cây ớt, lạc, khoai, sắn... Diện tích ruộng lúa thì ít, nằm ven phá hàng năm thường bị nhiễm mặn, năng suất thấp kéo dài. Nắm bắt phong trào nuôi tôm sú phát triển nhiều nơi, ông Từ họp bàn với các tổ, đội, rà soát lập đề án chuyển đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm. “Đề án” ông đề xuất có lý, hợp tình, lãnh đạo xã duyệt. Đó là vào năm 2003, mô hình nuôi tôm tập trung của 40 hộ dân thôn Xuân Thiên Hạ do ông Từ chủ công triển khai rầm rộ. Hơn 8ha đất ruộng lúa bên phá Tam Giang trong vòng 1 tháng được quy hoạch với hệ thống đê đập, đường giao thông và 32 ao hồ nuôi tôm thịt, tôm giống, với giá trị thuê nhân công, máy móc hơn 430 triệu đồng. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, ngay vụ đầu tiên, nhiều hộ đã có vụ tôm thắng lợi, bình quân mỗi ha thu lãi 150 - 200 triệu đồng.

Thấy tôi băn khoăn trong thời điểm ấy nhiều gia đình bỏ ra nguồn vốn không nhỏ để nuôi tôm, ông Từ đáp: “Công khai trước cuộc họp, dân đã tin mình, mình đứng ra tín chấp cho bà con tiếp cận các nguồn vốn từ Hội Nông dân, Phụ nữ và đoàn thể khác. Cứ thế, theo cam kết chẳng thúc giục, bà con răm rắp hoàn trả vốn, lãi cho ngân hàng mà không ai nợ một đồng”. Sự thành công bước đầu ở thôn Xuân Thiên Hạ, sau đó các thôn khác làm theo, đưa Vinh Xuân trở thành địa chỉ nuôi tôm bên phá Tam Giang hiệu quả vào những năm đầu của thế kỷ 21.

Tạo chữ tín bằng đài truyền thanh

Về xã Vinh Xuân, hỏi bất kỳ ai cũng biết ông Từ, Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ. Chuyện là sau khi nhậm chức trưởng thôn, ngoài việc góp phần tạo sinh kế, giúp dân thoát nghèo, ông nhất quyết phải đưa ánh sáng văn hóa về làng. Vẫn biết dân trí ở đây không đều, địa bàn trải rộng, dân cư đông với 678 hộ, bằng hơn 1/3 dân số xã, nhưng muốn khá lên, bà con phải nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới áp dụng trong chăn nuôi, trồng trọt. Cuộc họp thôn của nhiệm kỳ đầu, ông Từ đề xuất với tổ chức Đảng, Ban chấp hành thôn thiết lập hệ thống đài truyền thanh với máy tăng âm, dây điện, loa... do ông đi sưu tầm, phục hồi từ các thiết bị cũ gần 3 tháng trời. Ông nói: “Khi nghe tôi trình bày đề án thành lập hệ thống đài truyền thanh thôn với vốn đầu tư 30 triệu đồng và chính tôi làm phát thanh viên, ai ai cũng cảm động, hưởng ứng. Có nhiều người nói phải bồi dưỡng “tiền nói” hàng tháng nhưng tôi từ chối”.

 “Ông Nguyễn Viết Từ là một trưởng thôn có thâm niên. Vừa rồi ông xin nghỉ nhưng bà con ở thôn Xuân Thiên Hạ không chịu, nhất quyết bầu lại vì họ quá tín nhiệm. Ông là con người hết lòng với việc “vác tù và hàng tổng”, sống có nghĩa tình với bà con thôn Xuân Thiên Hạ”- ông Trần Văn Đê, Bí thư Đảng uỷ xã Vinh Xuân.

Ông nhớ rõ, ngày đầu tiên cách đây hơn 15 năm, một bản tin đưa về cơ sở do ông Từ nói trên hệ thống đài thôn được mọi người reo hò vỗ tay. Và cũng kể từ ngày đó đến nay, cứ thường lệ trong 15 -20 phút mỗi sáng, hoặc chiều, ông Từ bật máy, cầm micro phổ biến các thông tin, chính sách, chủ trương mới do xã, huyện đưa về, tạo hiệu ứng tốt cho mỗi gia đình, người dân. Và sau sự kiện ấy, đài truyền thanh thôn Xuân Thiên Hạ ra đời, cái tên Nguyễn Viết Từ trở thành niềm tin không chỉ riêng đối bà con ở địa phương mà còn lan ra huyện, tỉnh. Nhiều cán bộ tỉnh huyện về công tác tại địa bàn cho đó là một sáng kiến khoa học làm lợi cho dân lần đầu tiên được nghe, được thấy ở thôn nghèo bên phá Tam Giang.

Ông Lê Hữu Vẽ, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Thiên Hạ xác nhận, thông qua hệ thống phát thanh, các công trình dân sinh, hoạt động của thôn, xã kịp thời thông tin công khai dân chủ, tạo lòng tin cho bà con hưởng ứng. Bằng chứng là lắng nghe những thông tin trên đài truyền thanh thôn, bà con có cơ hội tham gia các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nắm bắt khung lịch xuống giống đúng thời vụ mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Mừng hơn, nhờ đài truyền thanh thôn, mọi chuyện vui, buồn bà con được chia sẻ, người dân trong thôn không còn tư tưởng đèn nhà ai nấy rạng như xưa, mà ai sẵn lòng chung tay vì cộng đồng.

Dẫn trường hợp cụ thể, ông Từ nói thêm, nhờ đài truyền thanh thôn mà giúp nhiều người dân trong khu vực chủ động né thiên tai, bão lũ. Hay trường hợp mới đây, người dân hai bên QL 49B tránh được vụ trâu điên quật ngã nhiều người ở xã Vinh Thanh lên hướng xã Vinh Xuân. Hay, năm vừa qua, cô bé T., con chị Thủy, người ở thôn đi chơi ở núi Linh Thái (Vinh Hiền) bị ngã chấn thương sọ não nằm bất động nhiều tháng liền ở BV Trung ương Huế. Cảm thương hoàn cảnh nghèo của chị Thủy, ông Từ kêu gọi tấm lòng hảo tâm gần xa trên đài phát thanh thôn. Kết quả, đã thu hơn 32 triệu đồng hỗ trợ cứu bé T. qua cơn nguy kịch... Kể đến đây, ôngTừ khẳng định: “Thôn Xuân Thiên Hạ của chúng tôi không kể lương hay giáo, một lòng xây dựng quê hương, vui buồn gì đều có mặt...”.

Minh Văn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Còn sức còn làm cho dân

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Học theo lời Bác, những người cán bộ “nhỏ nhất” như tui, là người gần dân nhất, phải hiểu điều đó để làm tốt những điều dân mong muốn - ông Nguyễn Ánh, Thôn trưởng thôn 6, xã Vinh Thanh (Phú Vang) trải lòng.

Còn sức còn làm cho dân
TP. Huế: Gặp mặt hơn 1.200 đại biểu là bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn

Chiều 11/1, Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQVN TP. Huế tổ chức gặp mặt, chúc tết các bí thư chi bộ; tổ trưởng, trưởng thôn; trưởng ban công tác mặt trận 36 phường, xã. Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo TP. Huế và các phòng, ban.

TP Huế Gặp mặt hơn 1 200 đại biểu là bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn
Cán bộ thôn, tổ là “cánh tay nối dài” của Đảng bộ, chính quyền

Ngày 10/1, Thị uỷ Hương Trà tổ chức hội nghị gặp mặt các Bí thư chi bộ, Tổ trưởng, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố (TDP) để chúc mừng năm mới Quý Mão 2023 và thông tin tình hình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xây dựng Đảng năm 2022; những định hướng lớn của thị xã trong năm 2023.

Cán bộ thôn, tổ là “cánh tay nối dài” của Đảng bộ, chính quyền
Trưởng thôn mùa lũ

Trong những ngày mưa lũ nặng nề giữa tháng 10 vừa qua, việc cứu trợ lũ lụt trở nên vô cùng cấp thiết. Tâm lý của các đoàn cứu trợ là tự tay đưa hàng cứu trợ đến với người dân bị ngập lụt. Những lúc đó, nhiều người đã nhờ cậy trưởng thôn bởi họ có tri thức bản địa, nắm hết tình trạng các nóc nhà trong thôn, chỗ nào ngập sâu chỗ nào ngập cạn, nhà nào thiệt hại nhiều nhất… Không có họ, việc cứu trợ khó trọn vẹn.

Trưởng thôn mùa lũ
Return to top