ClockThứ Bảy, 17/02/2018 05:51

Dân vạn chài thi đậu,vua ban làng định cư

TTH - Câu chuyện tái định cư dân vạn chài hóa ra đã có từ 140 năm trước, chứ không chỉ bắt đầu từ nhiều năm sau ngày giải phóng...

Người dân Thủy Phú mong được lên bờHơn một vạn người tham dự Lễ hội Cầu ngưSẽ nhân rộng xe đẩy thuyền ở vùng ven biển đầm phá

 

Điều thú vị hiếm thấy

Ra riêng, tiền bạc còn hẻo, hai vợ chồng tôi quyết định “lên núi” mua đất. Hơi xa trung tâm thành phố, nhưng được cái vừa sức chịu đựng. Duyên phận “cắm” cho chúng tôi mảnh đất gần đồi Quảng Tế. Dân cư lúc ấy còn thưa thớt. Buồn, nhưng được cái yên tĩnh, trong lành. Mùa nắng non khô ráo, sáng sáng tôi thường dậy sớm đi bộ một vòng. Cung đường bao giờ cũng ngang qua đồi Quảng Tế. Đỉnh đồi chỉ có tôn tượng Thích Ca Mâu Ni dựng trên đài cao. Cạnh đó là “cặp đôi” nhà máy Quảng Tế I và II  ngày đêm cấp nước sạch cho dân thành phố.

Khu TĐC vạn đò Phú Hậu

Cho đến một hôm, đọc bài viết của nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, chợt bắt gặp một thông tin rất thú vị, dưới thời vua Tự Đức, ở Quảng Tế đã từng có ngôi làng định cư của dân vạn chài. Hóa ra, câu chuyện tái định cư dân vạn chài đã có từ 140 năm trước, chứ không chỉ bắt đầu từ nhiều năm sau ngày giải phóng. Chuyện gắn với cái tên Hoàng Hữu Thường - một nhân vật được xem là “rất lạ, cực kỳ hiếm thấy” trong lịch sử.

Hoàng Hữu Thường sinh năm Đinh Dậu (1837) trong một gia đình vạn chài nhiều đời theo nghề sông nước. Cuộc sống quanh năm lênh đênh “theo đuôi con cá” khiến con em dân vạn không theo được con chữ, thất học chiếm tuyệt đại đa số. Vậy mà vào khoa thi năm Ất Hợi 1875, niên hiệu Tự Đức thứ 28, cái tên Hoàng Hữu Thường - người con của xóm vạn - lại in đậm ở vị thứ cao trên bảng vàng ở Phu Văn Lâu. Khoa thi ấy triều đình lấy đỗ 11 tiến sĩ, Hoàng Hữu Thường xếp thứ 6, năm ấy ông 38 tuổi. Để có được cái vinh hạnh của ngày “bái tổ vinh quy”, Hoàng Hữu Thường đã phải miệt mài sôi kinh nấu sử, và quan trọng nữa là ông gặp được bậc song thân dù nghèo khổ vẫn bền chí cho con theo cái chữ để đổi đời. Ông làm quan trải từ triều Tự Đức cho đến Đồng Khánh, chức đến Thượng thư Bộ Binh, sung Phó Tổng tài Quốc sử quán.

Có một chi tiết rất thú vị được chép trong tập bút ký “Nhìn từ Huế” của tác giả Dương Phước Thu (NXB Hội Nhà văn-2016) như sau: “Nhớ ngày kẻ vạn Hoàng Hữu Thường mới đỗ Đệ tam giáp, vua Tự Đức rất cảm phục và mến tài năng của ông. Vốn xuất thân từ gia đình làm nghề chài lưới mà được như vậy thì rất may phúc cho nước nhà. Biết xóm vạn chài Quảng Tế không một miếng đất cắm dùi, nhà vua bèn hạ chỉ, cắt 20 mẫu đất của làng Nguyệt Biều giao cho vạn chài Quảng Tế lập làng, đưa dân lên bờ định cư, trồng cây trỉa trái, xây cất đền chùa thờ tự.... Lịch sử mở đất lập làng thì có lẽ đây là điều thú vị hiếm thấy nhất ở Việt Nam. Bằng sự học hành, kẻ vạn Hoàng Hữu Thường đã trở thành vị khoa bảng, khai khoa và khai mở ra làng Quảng Tế hôm nay. Mỗi lần có dịp lên đồi Quảng Tế, đứng nhìn dòng sông Hương óng ánh như dải lụa mềm thoải dài trôi qua thành phố cổ kính, lòng tôi lại nao nao nhớ đến câu ca dao xưa: Cha chài mẹ lưới ven sông/ Thằng con thi đậu làm ông trên bờ...”

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Hóa ra ngọn đồi Quảng Tế mà tôi vẫn thể dục ngang qua mỗi sáng là nơi có ngôi làng định cư vạn chài đầu tiên của Huế. Điều làm tôi hơi thắc mắc là dấu tích ngôi làng này chính xác là ở đâu, lớp hậu duệ của làng bây giờ còn ai ở đó? Và đồi Quảng Tế ngày trước thuộc làng Nguyệt Biều? Đem thông tin dọ hỏi thì ai cũng lắc đầu, bảo mới nghe lần đầu tiên. Vào UBND phường Thủy Xuân- nơi đồi Quảng Tế tọa lạc, gặp ông Chủ tịch Nguyễn Văn Hòa, ông Hòa bảo ông là dân “thổ địa” sinh ra lớn lên ở đây, nhưng cũng chưa từng nghe ở Quảng Tế có làng chài. Đồi Quảng Tế thực ra bao gồm 3 mỏm đồi Quảng Tế I, Quảng Tế II và Quảng Tế III; nguyên thủy không hề có dân sinh sống, chỉ có tượng Phật đứng, nhà máy nước Quảng Tế I (có từ thời Pháp thuộc) và một ít đất màu. Về mặt địa giới thì Quảng Tế từ xưa đến nay không liên quan gì đến Nguyệt Biều mà vẫn thuộc làng Hạ I- Thủy Xuân.

Vạn đò trên sông Gia Hội một thời

Tôi cũng hỏi thăm nhiều người lớn tuổi ở Nguyệt Biều (nay thuộc phường Thủy Biều- TP. Huế), họ bảo, Thủy Biều có làng ngụ cư Lương Quán, nhưng làng này có tên tuổi vị khai canh gắn với truyền thuyết hòn đá “7 vọt”, không thấy nhắc gì đến khoa bảng với cái tên Hoàng Hữu Thường cả.

Giữa lúc đang băn khoăn như thế thì bất chợt gặp thêm thông tin từ sách “Cao sơn lưu thủy ngộ tri âm” của Trần Đình Sơn. Viết về các nhà khoa bảng Thừa Thiên Huế triều Nguyễn, sách có nhắc: Hoàng Hữu Thường (1837), đỗ tiến sĩ khoa Ất Hợi (1875) là người làng Quảng Tế, tổng Võng Nhi, huyện Hương Thủy (thôn Quảng Tế, xã Thủy An, TP. Huế). Theo chúng tôi biết, xã Thủy An trước đây thuộc huyện Hương Phú, rồi Hương Thủy. Sau đó, Thủy An tách một phần để về phường An Cựu (TP. Huế). Bây giờ, Thủy An lại tiếp tục tách thành 2 phường An Đông và An Tây chứ không dính dáng gì với Thủy Xuân. Vậy là tưởng có thêm thông tin giúp định vị, không ngờ lại càng thêm... rắc rối.

Tôi về giở bản đồ, rồi chạy lên chạy về đồi Quảng Tế nhiều lần cố gắng thử tìm dấu vết ngôi làng độc đáo được ghi trong sách sử, chợt thấy hơi ngờ ngợ. Lẽ thường định cư thì phải xem xét nghề nghiệp, tập quán dân cư. Cách đây một thế kỷ rưỡi, ngành nghề kinh tế chưa phát triển nhiều, dân chài lưới chắc chắn dù có định cư thì bước đầu cũng phải sinh hoạt, làm ăn không thể xa sông nước, đất định cư vua ban cho vạn chài vì vậy hẳn phải được chọn gần sông. Mà đồi Quảng Tế thì không hề gần sông Hương tẹo nào. Đất đồi nhiều sỏi đá, ít màu mỡ, nông dân còn khó trồng trỉa huống gì dân kẻ vạn chưa quen với cuốc cày, vua lẽ nào nỡ cấp?

Hay là có một Quảng Tế khác ở Huế? Đem chuyện hỏi ông Phan Văn Thông, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, ông Thông cũng nguyên là Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy- đơn vị từng quản xã Thủy An mà sách của Trần Đình Sơn có nhắc. Nhưng ông Thông bảo ông cũng chưa từng nghe có làng Quảng Tế ở Thủy An, còn xa xưa về trước thì không chắc. Trao đổi lại với tác giả Trần Đình Sơn, bằng sở học, ông Sơn khẳng định “không có địa danh Quảng tế thứ 2 ở đất Thừa Thiên”.

Vậy là băn khoăn hoàn băn khoăn. Sử sách còn, bia đá ghi danh còn, ngôi làng tái định cư vua ban cho làng chài của Hoàng Hữu Thường chắc chắn là có thật. Vấn đề là dấu tích của ngôi làng đặc biệt này ở đâu? Có đúng nó từng tọa lạc ở đồi Quảng Tế; hay có sự nhầm lẫn trong ghi chép của người xưa? Ngày xuân chắp nhặt đôi dòng, biết đâu sẽ nhận được thông tin và kiến giải từ các bậc cao minh đồng cảm

Hơn 100 năm sau ngày vạn chài của tiến sĩ họ Hoàng được vua ban đất tái định cư, quần cư dân vạn trên các con sông Huế không ngừng sinh sôi và suốt cả thời gian dài từng là vấn nạn của xứ Thần kinh. Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất, với quyết tâm và sự nỗ lực đầu rất tư lớn, chính quyền cách mạng mới tổ chức tái định cư thành công cho toàn thể dân vạn chài với số nhân khẩu ước tính lên đến 2 vạn.

Riêng đồi Quảng Tế  giờ đây đã có nhiều hộ dân tìm lên tậu đất làm nhà, hầu hết là nhà biệt thự, đẹp và sang trọng. Nhà máy nước Quảng Tế cũng được đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đẹp như một công viên. Và dẫu chưa tìm được dấu tích, Quảng Tế vẫn cho tôi một cảm giác thật dễ chịu mỗi khi ngang qua. Có khát vọng và chịu khó học hành, cuộc sống tất sẽ vươn đến những chân trời đẹp đẽ...

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải mã nơi tọa lạc làng định cư vạn chài Quảng Tế

Việc vua Tự Đức ban đất cho làng chài Quảng Tế là có thật, nhưng đích xác ngôi làng ấy tọa lạc tại đâu thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Chuẩn bị đón tết Giáp Thìn 2024, bỗng nhiên chúng tôi nhận được email từ ông Hoàng Hữu Đệ, những thông tin trong bức email thật quý bởi đã giúp giải mã cho câu hỏi còn để ngỏ này.

Giải mã nơi tọa lạc làng định cư vạn chài Quảng Tế
Giúp dân thoát nghèo & làm giàu

Tính riêng ba năm qua, nhờ thi đua thực hiện phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hội viên nông dân tiếp tục đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, mở thêm ngành nghề mới... mang lại hiệu quả kinh tế.

Giúp dân thoát nghèo  làm giàu
Sức khỏe của dân cũng quý như vàng

Hơn 710 mã số vùng trồng bị Cục Bảo vệ thực vật thu hồi. Điều này cũng đồng nghĩa những sản phẩm nông nghiệp ở các vùng này bị “mất định danh nguồn gốc xuất xứ”.

Sức khỏe của dân cũng quý như vàng
Bám cơ sở, gần dân, dân trân quý

Họ là những bí thư chi bộ, trưởng thôn ở cơ sở có những việc làm cụ thể, thiết thực trong cuộc sống đời thường được cán bộ, đảng viên đánh giá cao, người dân trân quý.

Bám cơ sở, gần dân, dân trân quý
Công khai kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022

Tin từ Thanh tra tỉnh sáng 1/8 cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa giao Thanh tra tỉnh là cơ quan thường trực phối hợp với một số cơ quan xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của người có nghĩa vụ kê khai tại các sở, ban, ngành.

Công khai kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top