ClockChủ Nhật, 10/07/2022 07:53

Đang chờ mùa thu…

TTH - Ngay sau đêm gala “Chào Huế” như lời “giã bạn” của tuần lễ Festival Huế 2022, trời nắng gắt bỗng heo may và Huế có những đêm mưa. Chợt như cảm nhận gió thu sang cũng là lúc kết thúc lễ hội mùa hạ để chuyển sang lễ hội mùa thu, lần đầu tiên Festival Huế được tổ chức theo mô hình 4 mùa lễ hội.

Ấn tượng từ “Chợ quê ngày hội”Hơn 70 ngàn lượt khách tham dự Hội chợ thương mại Festival Huế 2022"Gieo" và "gặt" từ lễ hộiDiện mạo mới, sức sống mới từ vị thế thành phố Festival đặc trưng

Người Huế đặt tên cho lễ hội mùa thu là “Thu quyến rũ” đầy xao xuyến. Huế không có tiết thu, phải để ý kỹ mới thấy được hình bóng mùa thu về với những tán cây ngả vàng, lá rụng nhiều trên hè phố. Không đặc trưng như mùa thu Hà Nội có cây bàng lá đỏ, hoa sữa thơm hương, thu để lại trên mảnh đất thương nhớ này những trận mưa dầm tưới ướt cỏ cây, phải đến ngày nắng ít ỏi mới thấy được lá vàng khẽ rơi trong gió. Ai yêu nét trầm mặc, mộc mạc của Huế sẽ càng yêu Huế lúc vào thu, yêu cả những cơn mưa rả rích suốt tuần.

Đọc lịch trình lễ hội mùa thu quyến rũ, thấy bàng bạc sắc thu với các lễ hội: “Hương xưa làng cổ, Điện Huệ Nam, Truyền lô, Đua thuyền trên sông Hương, Đèn lồng Cố đô, Ngày hội lân”… Ví như, với Festival Huế đổi mới theo hướng quanh năm bốn mùa, Hương xưa làng cổ dịch chuyển từ đầu tháng 5 sang cuối tháng 7 để trở thành một trong những điểm nhấn của lễ hội mùa thu. Tôi thích thú với sự dịch chuyển này. Đó là quãng thời gian nhiều lắng đọng để ai đó hoài niệm có thể cảm nhận và thấm thía hơn nét xưa sâu lắng qua nếp nhà xưa cổ, trò chơi một thời thơ ấu, món ăn ngon mẹ nấu hay hình bóng con sông quê dùng dằng.

Còn nhớ trong một chia sẻ dành cho báo giới, ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế đã “bật mí” về kế hoạch lễ hội bốn mùa sẽ lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, vừa thể hiện nét văn hóa riêng, vừa có tính đại chúng, cộng đồng cao. Các chuỗi hoạt động của 4 mùa lễ hội trong năm được sắp xếp hợp lý, trải dài quanh năm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Ông Đạt là nhà tổ chức và quản lý, bài toán về hiệu quả kinh tế - xã hội luôn được tính đến và trong trường hợp này đã cho thấy, đó là sự tính toán hợp lý.

Gợi lại trong ký ức và hoài niệm của bao người khi mùa thu tới cũng là lúc các làng quê Huế vào hội tế thu. Đặc sắc và nhiều gợi nhớ không chỉ ở cách  biểu thị lòng biết ơn của các dân làng đối với các vị thần và tiền nhân đã có công gây dựng nên làng mạc an khang thịnh vượng hay ở những nghi lễ và hội làng mà còn thời điểm diễn ra gần như đồng loạt vào đầu tháng 7 âm lịch. Sẽ là một bổ sung cho lễ hội mùa thu nếu có thêm một lễ hội tế thu ở một ngôi làng cổ như một sản phẩm du lịch đặc thù để du khách cùng trải nghiệm. 

Lễ hội mùa xuân, mùa hạ đi qua và rồi mùa thu đang tới cho thấy về sự đổi thay kịp thời, một hướng đi đúng, một tư duy mới trong điều hành, tổ chức thực hiện công nghệ festival. Gắn liền với Festival Huế bốn mùa lễ hội sáng tạo, Huế đã thực sự là điểm đến hấp dẫn, nhiều sắc màu. Nó lung linh, sống động và khiến ta bâng khuâng trước những lựa chọn. “… Biết gọi tên gì/Cho cái “màu xa vắng”/Chỗ xanh, chỗ tím, chỗ vàng mơ…”. Giữa bao bài thơ kinh điển về mùa thu, tôi bất chợt nhớ tới “Mùa thu Huế” của nhà thơ Ngô Cang, nơi miệt quê sông Bồ với những câu thơ tươi tắn kia khi đang chờ mùa thu tới cùng lễ hội.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Return to top