ClockThứ Năm, 07/05/2015 17:59

Đăng ký thi THPT Quốc gia: Học sinh thành phố “né” môn Lịch sử

TTH.VN - Theo thống kê ban đầu của một số địa phương về môn thi mà thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia 2015 lựa chọn đã có nhiều bất ngờ, thí sinh thành phố lựa chọn môn Vật lý, Hóa học chiếm tới 70% thì thí sinh miền núi lựa chọn ngược lại.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Đồng thời, để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh dự thi 4 môn quy định trên và đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển sinh do trường ĐH, CĐ quy định.

Học sinh thành phố chọn môn thi theo khối thi đại học
Học sinh thành phố chọn môn thi theo khối thi đại học truyền thống là khối A, A1

Tại Hà Nội, qua tổng hợp ban đầu hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh thi THPT Quốc gia 2015 cho thấy, thí sinh đổ xô đăng ký dự thi môn Vật lý, Hóa học để phù hợp với tổ hợp môn thi của các trường đại học khối  A,A1. 

Trường THPT Việt Đức, theo thống kê của nhà trường, học sinh chọn môn Vật lý nhiều nhất, sau đến môn Hóa học. Cụ thể: 440 học sinh đăng ký thi môn Vật lý, 235 học sinh đăng ký thi môn Hóa, 203 học sinh chọn môn Địa lý, môn Lịch sử chỉ có 27 em đăng ký.

PGS.TS Văn Như Cương trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội cho biết: Môn Vật lý được học sinh lựa chọn nhiều nhất chiếm tới 70%, sau đó là môn Hóa học và Địa lý. Chỉ có 1 học sinh đăng ký môn Lịch sử.

Tương tự, tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng, theo thầy Tùng Lâm, môn Vật lý cũng được thí sinh lựa chọn nhiều nhất chiếm tới 60%, tiếp đến môn Địa lý chiếm 20%, và môn Lịch sử lác đác có vài học sinh đăng ký dự thi.

Ngược lại với Hà Nội, tại tỉnh Điện Biên, theo thống kê ban đầu của Sở GD-ĐT Điện Biên, môn xã hội lại được học sinh lựa chọn nhiều hơn so với môn tự nhiên. Cụ thể: có tới 3.962 thí sinh đăng ký dự thi môn Địa lý (trên 63%); 3.262 thí sinh chọn thi Lịch sử (trên 52%). Trong khi đó, số đăng ký môn Vật lý chưa đầy 20% với 1.076 thí sinh; Hóa học chưa đầy 30% với 1.813 thí sinh và Sinh học là 1.632 thí sinh đăng ký (khoảng 26%).

Tại Cao Bằng, học sinh đăng ký thi môn Địa lý chiếm gần 73%; số thí sinh đăng ký thi Lịch sử cao thứ 2 với khoảng trên 52% (3.160 thí sinh). Trong khi đó, môn Vật lý chỉ có 1.151 thí sinh đăng ký (khoảng 19%); môn Hóa học: 1.532 thí sinh đăng ký (khoảng trên 25%); Sinh học: 2.093 thí sinh đăng ký (trên 34%). Thấp nhất là Ngoại ngữ, chỉ có 495 thí sinh đăng ký thi.

Được biết, năm 2015, toàn tỉnh Cao Bằng có tổng số 5.998 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia; trong đó có 2.939 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, 1.954 thí sinh dự thi với 2 mục đích và 1.105 thí sinh chỉ dự thi để tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Nhận định về tình trạng vẫn ít học sinh lựa chọn môn Lịch sử để dự thi, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, việc dạy và học môn Lịch sử cần phải thay đổi căn bản theo hướng tiếp cận, trải nghiệm nhiều hơn. Ngoài ra, để giới trẻ và đặc biệt là học sinh yêu thích môn Lịch sử, cả xã hội cũng cần có cái nhìn khách quan, nhận thức đầy đủ về môn học này; không nên coi Lịch sử chỉ là môn học phụ, phần học bổ sung cho các kiến thức xã hội khác, môn thi không bắt buộc. Vì trên thực tế, Lịch sử có tác động lớn đến cuộc sống, phẩm chất đạo đức của con người.

Ngày 1/8, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào ĐH,CĐ

Bộ GD-ĐT quy định, bắt đầu từ ngày 1 đến 20/8/2015, thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng I vào các trường ĐH, CĐ cả nước. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trúng tuyển, Bộ GD-ĐT quy định, trong thời gian 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để đăng ký trường khác.

Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng I để đăng ký vào 1 trường đại học hoặc cao đẳng, mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Sau đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh có thể dùng đồng thời 3 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường và ở mỗi trường, được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng.

Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Tuy nhiên, khác với đợt I, trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh sẽ không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển trong đợt tiếp theo. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31-10 đối với trường đại học và 20-11 đối với trường cao đẳng.

Trước mỗi đợt xét tuyển, thí sinh sẽ được các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành (gọi chung là ngành) đối với đợt xét tuyển đó.


Trong quá trình đăng ký xét tuyển từng đợt thi, thí sinh có thể theo dõi lượng hồ sơ đăng ký vào các trường trên trang web của trường để tránh phải di chuyển nhiều. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ít nhất mỗi ngày một lần phải cập nhật thông tin đăng ký xét tuyển (gồm danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển và danh sách các thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển) vào hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và nhận dữ liệu của thí sinh từ hệ thống để xét tuyển. 


Trong thời gian nhận hồ sơ của một đợt xét tuyển, ba ngày một lần, các trường công bố trên trang thông tin điện tử của mình danh sách các thí sinh đã đăng ký theo từng ngành và xếp theo kết quả thi từ cao đến thấp.

Những lưu ý quan trọng đối với thí sinh trước khi thi

Bộ GD-ĐT đã quy định rõ trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015 như sau: Có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định ghi trong Giấy báo dự thi để làm thủ tục dự thi; Xuất trình Giấy chứng minh nhân dân và nhận Thẻ dự thi.

Trong buổi làm thủ tục dự thi, nếu thấy có những sai sót về họ, đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, phải báo cáo ngay cho cán bộ của Hội đồng thi để xử lý kịp thời.

Trường hợp bị mất Giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ cần thiết khác, phải báo cáo ngay cho Trưởng điểm thi để xem xét, xử lý.

Có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của Ban Coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi (CBCT). Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Khi vào phòng thi, phải tuân thủ các quy định sau đây: Trình Thẻ dự thi cho CBCT; Chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí; các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác;

Không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xoá, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. 

Theo Dân Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Return to top