ClockThứ Năm, 23/05/2013 17:00

Dành cả cuộc đời tạc tượng Bác Hồ

TTH - Đến bây giờ, cảm xúc lần đầu tiên được gặp Bác Hồ vẫn không hề phai trong lòng nhà điêu khắc Mai Văn. Một vị lãnh tụ nhưng lại rất hiền hòa, gần gũi là những cảm nhận của chàng sinh viên Mai Văn ngày ấy. Chính tình yêu và lòng tôn kính ấy khiến nhà điêu khắc Mai Văn đã dành cả cuộc đời để tạc tượng Bác Hồ.

Chúng tôi đến gặp nhà điêu khắc (NĐK) Mai Văn vào những ngày cả nước đang hướng đến 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng bức tượng Bác Hồ trong chiến dịch biên giới sẽ được đặt trong nhà thờ Bác Hồ của đồng bào A Lưới. Quanh ông là những cát, thạch cao, xi măng… Trong bộ quần áo bạc màu, lấm lem thạch cao và sơn màu, ông cặm cụi bên bức tượng, cẩn thận chỉnh từng đường nét sao cho thể hiện được thần thái của vị lãnh tụ. Dẫu tuổi đã gần 80, từng thao tác của ông vẫn nhanh nhẹn.

 

Những bức tượng Bác Hồ do nhà điêu khắc Mai Văn tạc

 

 

Hơn 40 năm tạc tượng về Bác Hồ, NĐK Mai Văn vẹn nguyên ấn tượng về lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Năm 1961, Bác Hồ về thăm Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. NĐK Mai Văn khi đó là sinh viên của trường. Ông nhỏ con, được đứng trước nên nhìn thấy Người rất rõ. Sau khi Bác Hồ đi khỏi, nhà trường đã phát động toàn trường tạc tượng Bác Hồ. Tràn ngập cảm xúc khi lần đầu tiên được trực tiếp thấy Bác Hồ, bức tượng của chàng sinh viên Mai Văn Quấng (tên thật của NĐK Mai Văn) được mọi người tấm tắc khen giống Bác như tạc và rất có thần.

 

Nhà điêu khắc Mai Văn (sinh năm 1936), quê ở Thanh Hóa. Tốt nghiệp Khoa Điêu khắc, Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1964, ông tình nguyện đi vào tuyến lửa ở Quảng Bình. Sau giải phóng, ông vào Huế công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin. Tình yêu dành cho Bác Hồ cùng ấn tượng, cảm xúc về lần được gặp Người cộng thêm năng khiếu tạc tượng khiến NĐK Mai Văn quyết định gắn bó với công việc tạc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. NĐK Mai Văn kể, để phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước ngày đầu giải phóng, ông được cơ quan giao nhiệm vụ tạc và đúc nhân bản tượng chân dung Bác Hồ để đáp ứng nhu cầu trang trí khánh tiết ở các nơi công cộng, các cơ quan và của người dân.

 

Đến nay, ông đã tạc hơn 8.000 bức tượng Bác Hồ với nhiều chất liệu: đất, thạch cao, đá, gỗ, đồng và composit. Đó là những bức tượng Bác Hồ trong nhiều thời điểm, tư thế, hình dáng, như: Bác Hồ lúc trẻ khi tham gia chiến dịch biên giới, Bác Hồ khi đã già đến thăm nhà trẻ Vĩnh Linh, Bác Hồ giơ tay chào, Bác Hồ hôn các cháu thiếu nhi… Lúc nào Người cũng toát lên phong thái của một bậc vĩ nhân nhưng lại rất hiền hòa, gần gũi. Tạc mỗi bức tượng, NĐK Mai Văn đã gửi gắm vào đó bao tình cảm mến yêu và lòng tôn kính đối với vị cha già của dân tộc mà nếu “Không có tình cảm thì không làm được” như ông chia sẻ.

 

Để tạc tượng Bác Hồ giống và có thần như vậy, ngoài ấn tượng về lần được gặp Người, NĐK Mai Văn đã nghiên cứu rất nhiều tư liệu để nắm rõ những đặc điểm, từng đường nét trên gương mặt, kích thước, hình dáng của Người. Khi tạc tượng Bác Hồ, NĐK Mai Văn hay nhớ đến những ca khúc, bài thơ về Người. Đó là nguồn cảm hứng để ông hình dung và thể hiện được tâm trạng, phong thái của Bác. “Ví như khi tôi làm mắt Bác, tôi lại nhớ câu thơ “Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười” để mắt Bác thật vui, hiền..., NĐK Mai Văn chia sẻ. Không ít khi ông thức cả đêm suy nghĩ khi thấy mình vẫn chưa lột tả được cái thần của Bác Hồ. Nảy ra ý tưởng, ông lại bật dậy lục đục làm.

 

Sau 40 năm đi tạc tượng Bác Hồ ở khắp nơi, điều ấn tượng nhất với NĐK Mai Văn là tình cảm của bà con nhân dân dành cho Bác Hồ. Ông kể: “Có lần, một tỉnh ở Nam bộ nhờ tôi vào tạc tượng Bác Hồ. Lúc ấy mới giải phóng xong, đồng bào nhớ Bác, không có tượng để thờ. Sau đó, tôi chở mấy xe thạch cao vào. Tôi làm 400 tượng Bác Hồ nhưng làm đến đâu thì hết đến đó, người ta đua nhau chèo ghe đến chờ nhận vì sợ hết phần. Thế là tôi ở lại thêm mấy tháng nữa để làm thêm 400 tượng nữa”.

Đã gần 80, NĐK Mai Văn vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi và sẽ làm đến lúc nào không làm nổi nữa thì thôi. NĐK Mai Văn hào hứng: “Khi nào còn sức khỏe thì tôi còn tạc tượng Bác Hồ. Bây giờ, tôi mới làm Bác Hồ là lãnh tụ. Tôi còn muốn thể hiện Bác Hồ là nhà thơ, nhà văn hóa thế giới, danh nhân văn hóa thế giới…”.

 

Sau bao nhiêu năm gắn bó với công việc này, NĐK Mai Văn luôn thấy tự hào về công việc của mình: “Tôi vui và tự hào vì làm được nhiều tượng Bác Hồ. Ai nói tôi nghèo, không thành danh tôi không quan tâm. Điều quan trọng là tôi không hổ danh với sự dạy dỗ của thầy”. Ngoài tượng Bác Hồ, ông còn tạc tượng chân dung các nhà cách mang, các nhân sĩ trí thức, những người có công với nước, như: Huyền Trân Công Chúa, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nguyễn Huệ… Và dẫu nghề điêu khắc vất vả, lúc nào người cũng lấm lem đất cát nhưng đó là thú vui của NĐK Mai Văn. Niềm vui, sự thích thú khi ngắm tác phẩm khiến ông quên hết mọi nhọc nhằn.

Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Đậm chất riêng với nhà… container

Những năm gần đây, xu hướng xây dựng nhà ở, văn phòng, quán cà phê bằng container đang dần trở nên phổ biến. Mô hình này trở nên hấp dẫn, lý tưởng bởi chi phí xây dựng phải chăng và tính linh động cao.

Đậm chất riêng với nhà… container
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Return to top