ClockThứ Năm, 21/04/2016 14:28

Đánh đu số phận ở các mỏ đá

TTH - Vì lợi nhuận, các mỏ đá không cắt tầng, cắt tuyến mà chỉ khai thác theo dạng ăn “xổi”, bất chấp những nguy hiểm xảy ra đối với người lao động.

Đoàn liên ngành đến kiểm tra ở các mỏ đá. Ảnh: Thu Huế

Vừa làm vừa thót tim

Vụ sập mỏ khai thác đá ở Thanh Hóa làm 8 người thiệt mạng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về đảm bảo an toàn lao động ở các mỏ đá. Nguy hiểm như vậy, song qua tìm hiểu của phóng viên, hiện các mỏ đá trên địa bàn tỉnh vẫn bất chấp nguy hiểm, khai thác đá một cách tùy tiện, không theo thiết kế và không có cắt tầng, cắt tuyến theo kỹ thuật.

Đến mỏ đá Coxano Hương Thọ ở Khe Phèn (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà). Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh công nhân làm việc bám vào từng vách đá dựng đứng, không trang phục bảo hộ. Anh P.V.L, một công nhân lo lắng, vẫn biết làm nghề khai thác đá rất nguy hiểm nhưng cũng phải làm để có tiền nuôi các con. Trong lúc khai thác anh rất lo sợ, vì đây là một nghề nguy hiểm nên không biết rủi ro xảy ra lúc nào. “Mỗi lần treo mình trên vách đá và chứng kiến cảnh từng tảng đá khổng lồ rơi từ trên cao xuống mặt đất khoảng vài chục mét là tôi thót tim. Chỉ cần một chút sơ sẩy thôi là tính mạng của người công nhân khai thác đá khó bảo toàn”.

Mỏ đó Coxano Hương Thọ được cấp phép giữa năm 2011 với diện tích khai thác 8,71 ha; thời hạn khai thác 20 năm. Đi vào hoạt động nhiều năm nay, song qua quan sát và tìm hiểu của chúng tôi mỏ đá này chủ yếu khai thác tự phát, không cắt tầng, cắt tuyến theo quy định.

Người lao động cần được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cũng như thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Khai thác đá theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Chúng tôi khuyến cáo các đơn vị không khai thác đá ở nhiều tầng trong một tuyến để tránh nguy hiểm cho công nhân. Người điều hành phải có bằng kỹ sư khai thác mỏ theo Điều 62 Luật Khoáng  sản. Các đơn vị khai thác đá phải bổ sung các biển cảnh báo đề phòng tai nạn tại các nơi nguy hiểm, đường đi lại chưa đảm bảo an  toàn và rào ngăn. Tại các khu vực ngậm nước lớn phải có các biện pháp phù hợp làm khô đất đá. Cấm người và máy móc thi công tại nơi có hàm ếch và đá treo. Các đơn vị cần xây dựng các biện pháp, phương án cải thiện điều kiện lao động, các nội quy, quy trình làm việc an toàn, đặc biệt là đối với các công việc, máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; đẩy mạnh và duy trì các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức kỷ luật lao động cho người lao động trong doanh nghiệp về việc thực hiện các quy định này. Doanh nghiệp phải thực hiện việc khám sức khoẻ định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; đo kiểm tra môi trường lao động.

Ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội

“Trên địa bàn xã Hương Thọ từng xảy ra tai nạn lao động chết người ở một số mỏ đá, nên công nhân rất lo sợ. Hầu hết, các công nhân ở mỏ đá đều làm hợp đồng thời vụ, không được mua bảo hiểm, tiền công trung bình khoảng 150 ngàn đồng/ngày, chủ yếu là người lao động có hoàn cảnh khó khăn; vì vậy họ sợ khi có sự cố sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình”- một công nhân bộc bạch.

Tương tự, ở mỏ đá Khe Bằng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà), được cấp phép vào cuối năm 2012, diện tích khai thác hơn 7,2 ha; thời hạn khai thác gần 15 năm. Có khoảng 50 công nhân trực tiếp khai thác đá nhưng mỏ đá này không được đầu tư khai thác đá theo đúng quy trình kỹ thuật; khai thác theo hướng tự phát, rủi ro xảy ra bất cứ lúc nào, không thể lường trước được.

Ông Trần Văn Trung, Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, Sở phối hợp cùng các cấp liên quan tổ chức nhiều đợt kiểm tra, tuyên truyền nhằm bảo đảm an toàn lao động tại các mỏ đá, giảm nguy cơ tai nạn lao động; nhưng vì sự chủ quan nên công tác bảo hộ lao động cho công nhân khai thác đá ở một số mỏ vẫn còn bị buông lỏng. Tới đây, chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra về an toàn lao động ở các mỏ đá. Mỏ đá nào vi phạm sẽ bị lập biên bản, xử phạt theo quy định của Nhà nước.

Khai thác đá... tự nhiên

Hiện, toàn tỉnh có 21 mỏ đá được cấp phép, diện tích trung bình mỗi mỏ từ 2 - 10 ha, sử dụng khoảng 50 lao động, chủ yếu là lao động thủ công, kỹ thuật khai thác theo phương pháp tự nhiên. Tận dụng chiều cao mỏ đá dùng khoan đục lỗ, đặt mìn nổ cắt tầng, nên độ chênh cao thường từ 30m- 60m, độ nghiêng vỉa lớn… Phương pháp khai thác đá của nhiều mỏ đá không tuân thủ đúng quy định, vi phạm về chiều cao tầng, góc nghiêng sườn tầng và trình tự khai thác, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Do không cắt tầng, độ dốc lớp khấu có xu hướng giảm nên trong quá trình khai thác, đá đọng lại trên sườn dốc và mặt tầng ngày càng tăng, gây mất an toàn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng công nhân đang làm việc.

Nhiều chủ doanh nghiệp thiếu biện pháp kiểm tra an toàn lao động, không trang cấp bằng hiện vật, thiết bị an toàn lao động, mà tính vào lương khoán, thậm chí có doanh nghiệp cắt bỏ chi phí trang thiết bị an toàn cho người lao động khai thác đá... Có khu mỏ (một ngọn núi) được cấp phép cho hai, ba đơn vị cùng khai thác, nên việc bố trí hiện trường khai thác, đường vận chuyển gặp khó khăn không thể áp dụng đầy đủ quy trình an toàn lao động.

Đại diện lãnh đạo một số mỏ đá biện minh, có những lúc phải sản xuất gấp để có sản phẩm cung cấp cho đối tác, nên thiếu quan tâm đến cắt tầng và cắt tuyến. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo an toàn kỹ thuật cho công nhân lao động.

Ông Cái Văn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên & Môi trường) khẳng định: “Nếu các mỏ đá khai thác đá nhưng không cắt tầng, cắt tuyến là vi phạm, sai thiết kế. Mỗi năm, đơn vị chỉ kiểm tra một lần và cũng không thể kiểm tra hết các mỏ đá được. Thời gian tới, sẽ đề xuất và phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường tiến hành kiểm tra, phát hiện mỏ đá nào khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, không cắt tầng, cắt tuyến sẽ bị xử phạt nặng. 

Minh Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm

Trước xu thế thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, ngày 19/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại vùng đồng bằng và TP. Huế dự báo cấp độ cháy rừng cấp 3 (cấp nguy hiểm), đặc biệt ở Nam Đông cấp 4 (cấp rất nguy hiểm).

Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Return to top