ClockChủ Nhật, 25/06/2017 14:21

Danh họa Foujita & Huế

TTH - “Lấy con mắt họa sĩ, và lạy chúa, lấy con mắt một người đàn ông mà nhìn, tôi thú thật phải quyến luyến biết bao vẻ kiều diễm, thanh nhã, đài các của các thiếu nữ chốn Thần kinh…”.

Foujita - chân dung tự họa 1928, Centre Pompidou, Paris

Foujita tên đầy đủ là Tsuguharu Foujita, sau này thêm tên Thánh là Léonard Tsuguharu Foujita. Ông sinh vào 27/11/1886 tại Tokyo, trong một thành phố nhỏ tên Omagari, cạnh bờ sông Edogawa. Cha ông là một sĩ quan cấp tướng thuộc quân đội Hoàng gia Nhật Bản. Mẹ là Masa, mất năm 1891 lúc Foujita mới 5 tuổi. Ông từng theo học Trường đại học Mỹ thuật và Âm nhạc Tokyo, là một họa sĩ thành công với nhiều giải thưởng và tranh ông được Nhật hoàng sưu tập.

Khoảng sau năm 1911, họa sỹ Foujita đến định cư tại Paris, ở đây ông quen biết nhiều danh họa lớn trên thế giới nhưng vẫn giữ bản sắc hội họa Nhật Bản trong các tác phẩm của mình. Foujita được ghi nhận là người đã đem kỹ thuật vẽ mực đen Nhật Bản vào phong cách hội họa Tây phương. Nhận định về mình, ông nói: “Tôi là một người đàn ông ở Nhật và là một nghệ sĩ ở Paris”.

Mỗi họa sĩ gần như gắn bó với một vài loài vật mình yêu thích, người ta khó quên nét vẽ thần tình một con ngựa hoang cột nơi trụ cây của Hàn Cán, song nói đến vẽ ngựa thì phải nhắc đến Từ Bi Hồng; vẽ tôm, cua thì nhớ đến Tề Bạch Thạch, nhắc đến biểu tượng chim câu hòa bình là nhớ Picasso… Và khi nhắc đến mèo, người ta nghĩ ngay đến Foujita, "Con mèo của Foujita" được sử dụng như một thành ngữ…

Foujita và giới mỹ thuật Việt Nam

Năm 1941, Hội Giao lưu Văn hóa quốc tế và Viện Mỹ thuật Hoàng gia Nhật Bản tổ chức hai cuộc triển lãm tiếp nối nhau tại Nhà Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội), lần đầu triển lãm tranh lụa và tranh khắc gỗ thuyền thống Nhật Bản; lần hai là triển lãm các tác phẩm hiện đại bằng chất liệu sơn dầu. Foujita có trách nhiệm sang Việt Nam cùng một nhóm họa sĩ cách tân của Nhật (trong số đó có họa sĩ Sekiguchi – sau này có tham gia minh họa Truyện Kiều - 1951). Tại Hà Nội, ông gặp lại người bạn xưa đã từng quen biết ở Paris vào năm 1925, họa sĩ Nam Sơn (Nguyễn Văn Thọ), một trong những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam ở trường Mỹ thuật quốc gia Pháp, và là đồng sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương với Victor Tardieu, (thành lập năm 1925 tại Hà Nội). Tại cuộc triển lãm này, Foujita đã chứng tỏ là một họa sĩ bậc thầy, lấy được lòng tin của giới mỹ thuật Việt Nam lúc bấy giờ.

Trên báo Trung Bắc Chủ nhật, số 90 ra ngày 7/12/1941, họa sĩ Tô Ngọc Vân trong bài “Phê bình nghệ thuật vẽ sơn của họa sĩ Nhật”, đã viết: “… Nói cho gọn, chúng ta thấy toàn bộ tác phẩm phân hai phái sơn dầu cũ và mới. Ngoài hai phái, Foujita biệt lập. Họa phẩm “Ba con mèo” của Foujita không còn trộn lẫn vào đâu được. Người ta thoáng nhìn đã thấy Foujita rồi, với vẻ phân tách cao quý và đơn giản mà người ta thấy tương đương ở tất cả các tác phẩm khác. Foujita trên nền vải trắng toát, Fouijia trong nét sơn dầu đưa bằng bút Nhật, Foujita ở màu đều đều như tranh một màu, Foujita ở chỗ dùng sơn dầu vẽ lên nền vải như dùng mực tàu vẽ vào giấy hay lụa theo lối Nhật, nhưng có những tính cách đáng yêu, những sự nhu cầu của một óc sáng tạo tiên tiến…”. Những ngày tháng ở Hà Nội, Foujita và Sekiguchi mỗi buổi chiều đều đến xưởng họa của Nam Sơn ở 68 Nguyễn Du để vẽ, và nhờ Nam Sơn tìm giùm người mẫu. Tại đây, Foujita đã thực hiện các bức Thiếu nữ Hà Nội, Con đê Hà Nội, Ngôi nhà cũ ở Hannam…

Vào những ngày tháng đó, tờ Tràng An Báo xuất bản ở Huế đã theo rất sát các hoạt động của danh họa Foujita. Tràng An Báo số 879 (21/10/1941) đăng bài “Họa sỹ Nhật Foujita phê bình hội họa Việt Nam ca tụng nước ta rất có thiên tài”. Bài báo dẫn phát biểu của Foujita: “Hội họa Việt Nam thật là một mỹ thuật đặc sắc, không giống hội họa Tàu, cũng không giống hội họa Nhật và Âu châu. Hội họa Việt Nam thật đặc biệt Á đông. Với những màu sắc tinh tế, với những nét vẽ mềm mại, đều đặn. Mỹ thuật Việt Nam có lẽ là một mỹ thuật đặc biệt. Có lẽ hiện nay đang còn thiếu một ít sự táo bạo, nhưng rồi sự táo bạo ấy sẽ có nay mai… Tôi rất thích những bức vẽ tôi đã được xem, cả những tấm bình phong toàn là những tác phẩm rất đẹp và hiếm có. Những tác phẩm đó chứng tỏ rằng những họa sĩ Việt Nam rất có thiên tài về mỹ thuật…”.

Hai năm sau, 1943, Hội Giao lưu Văn hóa Quốc tế  Nhật Bản đã mời họa sĩ Việt Nam sang Nhật triển lãm. Họa sỹ Nam Sơn đại diện, cùng đi có hai họa sĩ Lương Xuân Nhị và Nguyễn Văn Tỵ, phái đoàn họa sĩ Việt Nam đã được Foujita và Sekiguchi đón tiếp và giới thiệu với nhiều họa sĩ Nhật.

Foujita là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn. Nguyễn Quang Sáng từng xuất bản tập truyện ngắn có tên “Con mèo của Foujita”…

Foujita: Huế là một thành phố quý nhất trong các thành phố Đông Dương

Báo Trung Bắc Chủ nhật (số 85, ngày 2/11/1941) đăng bài phỏng vấn Foujita có câu ông nói: "Tôi (tức Foujita) còn lưu lại đây đến cuối tháng Décembre. Sau các cuộc triển lãm ở Hà Nội, tôi sẽ đi Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, Nam Vang để tổ chức các cuộc triển lãm về hội họa Nhật".

Báo chí ở Huế lúc bấy giờ đặc biệt chú ý đến danh họa Foujita. Tràng An Báo dành nhiều số báo đưa tin các hoạt động của danh họa. Sau các bài báo Foujita nói về hội họa Việt Nam, bài tường thuật cuộc gặp gỡ giữa phóng viên báo và danh họa Foujita, trên số 916, ra ngày 5/12/1941 có bài rất được công chúng Huế thời bấy giờ chú ý: “Cô gái Huế và họa sỹ Foujita”. Xin trích lại một số đoạn: “Danh họa Foujita mở đầu câu chuyện: “Sau khi cuộc triển lãm của chúng tôi được công chúng nhiệt liệt hoan nghênh, nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, chúng tôi được phần đông công chúng thạo mỹ thuật và dễ cảm trước sự đẹp, nhất là công chúng kinh đô Huế, thành phố của triều đình và của các danh nho Nam Việt tiếp đãi rất ân cần, làm cho chúng tôi cảm kích khác thường. Đối với người yêu chuộng mỹ thuật ở Huế, cuộc triển lãm của chúng tôi làm cho họ ngạc nhiên vô cùng vì tuy họ  biết có một phái họa sỹ cổ điển Nhật Bản, họ thật chưa bao giờ được dịp thưởng thức những tác phẩm của chúng tôi”.

Foujita lại nói tiếp: “Trong ba hôm tôi lưu lại kinh đô Huế, tôi đã cung chiêm tôn lăng và vào xem Đại nội… Huế là một thành phố quý nhất trong các thành phố Đông Dương. Những thành quách cũ kỹ, thâm nghiêm, lại có nụ cười của các thiếu nữ làm cho tươi sang, vui vẻ” .

Và Foujita đặc biệt thích thú khi nói về con gái Huế: “Lấy con mắt họa sỹ, và lạy chúa, lấy con mắt một người đàn ông mà nhìn, tôi thú thật phải quyến luyến biết bao vẻ kiều diễm, thanh nhã, đài các của các thiếu nữ chốn Thần kinh”…

Foujita cũng cho biết khi lưu lại Huế, ông được Khâm sứ Trung Kỳ tiếp đãi rất niềm nở, đặc biệt ông cũng được vua Bảo Đại mời vào bệ kiến…

Bài, ảnh: HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
Huế yên bình

Nhiều du khách chọn Huế là địa điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm kiếm một chút chữa lành nào đó. Cảnh đẹp nên thơ, với vô vàn địa điểm hấp dẫn của vùng đất Cố đô sẽ giúp du khách tìm thấy sự yên bình thật sự.

Huế yên bình
Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Return to top