ClockThứ Tư, 13/03/2019 08:30
Kỷ niệm 150 năm ra đời nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam 14/3/2019

Danh nhân Đặng Huy Trứ, ông tổ của nghề ảnh

TTH - Năm nay, giới nhiếp ảnh Việt Nam và Thừa Thiên Huế kỷ niệm 150 năm ngày nghề nhiếp ảnh ra đời tại Việt Nam (14/3/1869 - 14/3/2019). Nhớ lại ngày 14/3/1869, danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ người con của quê hương Hương Xuân, Hương Trà khai trương hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” trên phố Thanh Hà (nay là phố Ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm), Hà Nội.

Tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ nhân ngày Nhiếp ảnh Việt NamĐánh giá công lao của danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ đối với nhiếp ảnhKỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành nhiếp ảnh Việt Nam

 Dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ nhân kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam . Ảnh Nông Thanh Toàn

Trong tháng 3 này, như sự ngẫu nhiên trùng hợp, ngày 19/3/1825, tại làng Thanh Lương (Hương Xuân - Hương Trà - Thừa Thiên Huế), Đặng Huy Trứ ra đời trong một gia đình nông dân hiếu học. Ở tuổi 18 vào năm 1843, Đặng Huy Trứ trúng tuyển cử nhân. Bốn năm sau, ông đỗ tiến sĩ hạng thứ 7 trong kỳ thi Hội đầu năm 1847. Năm sau, bài văn Đặng Huy Trứ bị phạm húy trong thi Đình nên bị truất cả tiến sĩ lẫn cử nhân. Tuy nhiên, khi triều đình khai ân khoa thi Hương nhân dịp mừng vua Thiệu Trị 40 tuổi, không ai khác Đặng Huy Trứ đỗ đầu kỳ thi này gọi là Giải nguyên năm 22 tuổi. Chưa được bổ nhiệm làm quan, gần chục năm ông mở trường dạy học nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Trong vòng 8 năm 1857-1864, Đặng Huy Trứ được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ. Năm 1865, Đặng Huy Trứ được triều đình phái sang Quảng Đông “Thám phỏng dương tình” (nghe ngóng thái độ của các nước phương Tây đối với ta). Một năm sau trở về nước, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ. Năm 1867, lần thứ 2 triều đình lại cử ông sang Quảng Đông, không may lần này bị bệnh nặng. Đau đáu với Tổ quốc, ông nghĩ người Việt cần phải “tự cường tự trị” như các nước tiên tiến. Đặng Huy Trứ còn tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, cách chụp, in tráng và nhờ người tìm mua dụng cụ nghề nhiếp ảnh.

Khi có kiến thức sơ đẳng nhiếp ảnh, năm 1869 về nước ông mở ngay hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Triết lý nhiếp ảnh của Đặng Huy Trứ thể hiện rõ qua 2 câu đối ở của hàng: “Nhân yên trù mật Thanh Hà phố; Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường”- tạm dịch: “Thanh Hà phố ấy dân trù mật; Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng”; và “Hiếu dĩ thân nhân sở cộng; Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền”. Nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch nghĩa là: “Hiếu thờ cha mẹ người người muốn; Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền”.

Trong hội thảo khoa học về danh nhân Đặng Huy Trứ lần thứ 2 (lần đầu năm 2009 tại Hà Nội) vào dịp tháng 3 năm ngoái 2018 tại quê hương ông, làng Thanh Lương, với tiêu đề: “Đặng Huy Trứ - người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam” thống nhất ghi nhận: Đặng Huy Trứ với tầm nhìn xa trông rộng đã nhận thức ra phát minh vĩ đại của kỹ thuật nhiếp ảnh thế giới, với tư tưởng “canh tân đất nước” đưa nghề ảnh mới lạ về Việt Nam trong bối cảnh sự hiểu biết khoa học của xã hội phong kiến Việt Nam đương thời còn rất nhiều hạn chế; đồng thời khẳng định Đặng Huy Trứ là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng, làm nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của chuyên ngành nhiếp ảnh sau Việt Nam trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta.

Tôn vinh danh nhân Đặng Huy Trứ, hàng năm đúng vào dịp kỷ niệm ngày khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, những nghệ sĩ nhiếp ảnh của Thừa Thiên Huế và nhiều tỉnh, thành lại gặp nhau tại từ đường họ Đặng làng Thanh Lương - xã Hương Xuân - huyện Hương Trà quê hương, thành kính dâng hoa, dân hương tưởng nhớ về ông Tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Ngày nay, tượng danh nhân Đặng Huy Trứ được đặt trang trọng trong khuôn viên Trường THPT Đặng Huy Trứ (Hương Trà). Đây là niềm tự hào của ngôi trường quê hương mang tên ông.

Kỷ niệm 150 năm ra đời Nhiếp ảnh Việt Nam 14/3/1869 và 66 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam 15/3, năm nay Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế và UBND phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà tổ chức các hoạt động từ ngày 10/3/2019. Đó là lễ dâng hương tưởng niệm Danh nhân văn hóa - Đặng Huy Trứ - ông Tổ nghề ảnh tại nhà thờ họ Đặng, tổ chức sáng tác ảnh nghệ thuật tại các điểm du lịch Cố đô Huế; khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Việt Nam quê hương tôi” nhằm giới thiệu, quảng bá đến với công chúng các hình ảnh về phong cảnh quê hương, đất nước Việt Nam, tôn vinh các nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều cống hiến cho phong trào nhiếp ảnh nước nhà thời gian qua.

Phan Văn Toàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ

Ngày 15/3, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam tại nhà thờ họ Đặng (Thanh Lương, Hương Xuân, Hương Trà).

Dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ
Bản quảng cáo hiệu ảnh đầu tiên

Là một văn quan tài năng, hoạn lộ gắn liền nhiều vị trí, nhiều vùng đất, nổi tiếng thanh liêm, Đặng Huy Trứ trong một đợt công cán đã sớm tiếp xúc với kỹ thuật - nghệ thuật nhiếp ảnh và đưa về Thăng Long, lập nên hiệu ảnh Cảm Hiếu đường đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam từ Đại hội III đã quyết định lấy ngày 2/2/Kỷ Tỵ (14/3/1869) làm ngày khai sinh ra ngành nhiếp ảnh ở Việt Nam.

Bản quảng cáo hiệu ảnh đầu tiên
Tưởng nhớ danh nhân Đặng Huy Trứ nhân Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam

Sáng 15/3, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm danh nhân Đặng Huy Trứ, ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam tại nhà thờ họ Đặng (làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà).

Tưởng nhớ danh nhân Đặng Huy Trứ nhân Ngày Nhiếp ảnh Việt Nam

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top