ClockThứ Năm, 25/02/2016 05:59

Đánh thức kho báu

TTH - Mới ra Tết đã nghe xôn xao ngành du lịch sẽ có nhiều sản phẩm mới. Một trong số đó là tour du lịch khám phá về thời kỳ Chúa Nguyễn. Nghĩ nó không lạ nhưng vui và đáng mừng. Như tựa đề của một chương trình giải trí truyền hình khá hấp dẫn “Ơn giời, cậu đây rồi”, có nghĩa là cuối cùng thì sự hy vọng và chờ đợi cũng đến và được đền đáp. Ngành du lịch đã nhìn ra kho báu này trong quá trình phát triển ngành kinh tế “không khói” của địa phương.

Kể từ năm 1558 khi Chúa Nguyễn Hoàng được phép vào trấn thủ ở Thuận Hóa cho đến năm 1777, Đàng Trong bị nhà Tây Sơn tiêu diệt, đó là một quãng dài trên 200 năm của lịch sử với bao biến động và thay đổi. Đất Thừa Thiên Huế với các địa danh Phước Yên qua Bác Vọng đến Kim Long, rồi Phú Xuân đóng vai trò thủ phủ (1626 -1777), là nơi ghi lại bao dấu ấn lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của xứ Đàng Trong.

So với kinh thành Huế thời Vương triều Nguyễn, Huế xưa dưới thời Chúa Nguyễn không nguyên vẹn và hoành tráng bằng nhưng vẫn còn đó nhiều dấu tích để khám phá và chiêm nghiệm. Đó là khu lăng mộ đầy đủ cả “Chín chúa” ở vùng núi thuộc các làng La Khê và Hải Cát thuộc thị xã Hương Trà. Đó cũng là những dấu tích tuy chỉ là những mảnh vỡ nhưng cũng khiến bàng bạc lòng người khi về với các làng quê “thủ phủ” Phước Yên, Bác Vọng bên dòng sông Bồ hay Kim Long (TP Huế), nơi ngược dòng Hương Giang.

Một lần đến thăm các lăng Chúa, một lộ trình không quá xa hay quá gần, với nhiều trải nghiệm đi xe, qua đò, rồi đi bộ ven theo những con đường mòn ẩn mình dưới những tán cây cao sẽ là một cảm giác khó quên dành cho bất kỳ ai. Lăng Chúa không cầu kỳ và hoành tráng như lăng Vua Nguyễn cách đó không xa nhưng lại hấp dẫn người thăm bởi cảnh quan bí hiểm, sự gần gũi trong kiến trúc xây dựng và cả không gian với cự ly không cách xa nhau của mỗi công trình.

Dấu tích xưa về thời Chúa Nguyễn còn lại ở Thừa Thiên là những địa danh như phố Thanh Hà xưa từng là một thương cảng lớn vào các thế kỷ XVII và XVIII, sánh tầm với Hội An. Còn nữa là những đến thờ, lăng mộ của các nhân vật lịch sử thời Chúa Nguyễn, như miếu thờ danh tướng Nguyễn Hữu Dật ở xã Quảng Thọ hay khu lăng mộ của bậc danh thần Nguyễn Cư Trinh ở xã Lộc Hòa ( Phú Lộc) mà mới đây thôi vào đầu năm 2016, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội thảo nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông. 

Ngôi chùa lâu đời nhất và huyền thoại Thiên Mụ của xứ Huế ra đời dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Miếu thờ Bà Tơ ở làng Bác Vọng ( Quảng Phú, Quảng Điền) hay miếu thờ Bà Trà ở làng Diêm Trường (Phú Lộc) là những nhân vật lịch sử có công giữ nước, nhuốm màu huyền thoại gắn với thời kỳ Chúa Nguyễn. Miếu thờ Bà Tơ ở làng Bác Vọng gắn liền với lễ tế dân gian hàng năm hình thức hát bả trạo và lễ hội Sóng nước Tam Giang trong những năm gần đây.

Hành trình khám phá du lịch về thời kỳ Chúa Nguyễn ở Thừa Thiên Huế ẩn chứa nhiều bất ngờ và thú vị. Nó cần được đánh thức dậy trước hết bằng những hiểu biết về các dấu tích còn lại. Đó thật sự là kho báu một thời gian dài bị lãng quên.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức quân đội và việc thực thi chủ quyền biển đảo dưới thời các chúa Nguyễn

Cùng với công cuộc Nam tiến, các chúa Nguyễn đã từng bước xây dựng quân đội hùng hậu, một mặt bảo vệ biên giới phía Bắc, chống vua Lê - chúa Trịnh. Để tiến hành được cuộc Nam tiến, lực lượng quân đội này phải đủ mạnh để bảo vệ người dân, gây ảnh hưởng đến các vùng mới vừa thuộc về xứ Đàng Trong. Ngoài ra, còn đủ sức răn đe sự khiêu khích của tàu thuyền nước ngoài trên mặt biển.

Tổ chức quân đội và việc thực thi chủ quyền biển đảo dưới thời các chúa Nguyễn
Chúa Nguyễn Hoàng, người có công lớn mở rộng bờ cõi về phía Nam

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là một nhân vật đặc biệt của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Ông được đánh giá là vị “Anh hùng mở cõi vĩ đại”, người đặt nền móng cho cơ nghiệp của dòng họ Nguyễn ở đất phương Nam và cho sự hình thành của vùng đất Đàng Trong trong các thế kỷ XVI-XVIII.

Chúa Nguyễn Hoàng, người có công lớn mở rộng bờ cõi về phía Nam
Thăm cố hương Văn hàn ty Nguyễn Đình Huy

Từ bối cảnh lịch sử đặc thù gắn liền xu hướng về Nam của dân tộc, xứ Thanh, xứ Nghệ rồi xứ Huế, xứ Quảng dần đảm trách vai trò tiền đồn, trở thành đất trung chuyển cho các thế hệ tiền nhân mở cõi. Đến thời Nguyễn, chính sức hút của Kinh đô Huế đã hội tụ nhiều nhân tài trở lại, như trường hợp Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, Thượng thư Lê Quang Định, Tả quân Văn hàn ty Nguyễn Đình Huy - thân phụ của cụ Đồ Chiểu...

Thăm cố hương Văn hàn ty Nguyễn Đình Huy
Dâng hương nhân húy kỵ các vị chúa Nguyễn

Sáng 29/6 (nhằm ngày 20/5 Âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc tổ chức lễ dâng hương nhân húy kỵ 476 năm ngày băng hà của đức Triệu tổ Tĩnh hoàng đế (húy Nguyễn Kim) và 256 năm ngày băng hà của đức Thế tông Hiếu Vũ hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Khoát).

Dâng hương nhân húy kỵ các vị chúa Nguyễn
Return to top