ClockThứ Ba, 30/03/2021 06:15

Đánh thức vùng đầm phá

TTH - Tỷ lệ hộ nghèo vùng đầm phá của tỉnh còn dưới 5%; thu nhập đầu người trên 35 triệu đồng/năm. Hầu hết các xã đều đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhiều xã đang xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Ngắm hoàng hôn trên phá Tam GiangDu lịch Quảng Điền: Cần sự đầu tư thỏa đángQuảng Công thúc đẩy du lịch, dịch vụ

Diện mạo Quảng Công đã đổi thay

Cuộc sống cư dân ổn định

Chừng 10 năm trở lại đây, đời sống của người dân đầm phá dần đi vào ổn định. Đảng, Nhà nước định hướng, hỗ trợ Nhân dân từng bước khai thác tiềm năng đánh bắt, NTTS. Từ nuôi cá rô phi, trắm, mè, chép có giá trị thấp, người dân được hỗ trợ, hướng dẫn chuyển sang nuôi cá chình, dìa, hồng, mú, nâu, cua, tôm... có giá trị kinh tế cao. Khai thác, kết hợp nuôi trồng, chế biến thủy sản, cư dân đầm phá có thu nhập ổn định, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá, giàu.

Nhân dân có điều kiện đóng góp vật chất xây dựng hạ tầng, nhất là giao thông với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đường làng, ngõ xóm, kể cả đường liên xã cũng có sự đóng góp của người dân. Vài năm trở lại đây, hệ thống điện lưới Quốc gia, đường giao thông cơ bản hoàn thiện, “phủ sóng” khắp vùng đầm phá, đến tận từng hộ dân.

Từ hộ thuộc diện nghèo của địa phương, nhiều năm qua, ông Trần Hùng ở thôn Hiền An 1, xã Vinh Hiền (Phú Lộc) được vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư nuôi hơn 30 lồng cá mú, dìa, nâu... Trừ một số vụ ảnh hưởng thiên tai, còn lại hầu như năm nào cũng có nguồn thu từ trên dưới 1 tỷ đồng, lãi ròng 400 - 450 triệu đồng...

“Ở vùng đầm phá Vinh Hiền, chuyện các hộ NTTS, chế biến thủy, hải  sản hải thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng rất phổ biến. Riêng ở thôn Hiền An 1 có gần 300 hộ đã có đến hơn 210 hộ đánh bắt, NTTS vươn lên khá, giàu, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn”, ông Hùng nói.

Lãnh đạo xã Vinh Hiền khẳng định, chính vùng đầm phá là tiềm năng, mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chỉ tính riêng năm 2020, giá trị khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 190 tỷ đồng, chiếm gần 60% GDP của xã. Cũng như bao địa phương vùng đầm phá, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân xã Vinh Hiền.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, ông Phạm Văn Tần đánh giá, vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai có hơn 4.000 ha NTTS, phần lớn các loại cua, tôm, cá đặc sản có giá trị kinh tế với tổng sản lượng năm 2020 đạt 24 ngàn tấn, bình quân mỗi ha cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hàng vạn hộ dân vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh có nguồn thu nhập bình quân mỗi tháng từ 6-10 triệu đồng nhờ khai thác nguồn thủy sản đầm phá đang ngày càng sinh sôi, dồi dào nhờ thành lập các khu bảo vệ gắn với tái tạo.

Kết hợp du lịch-dịch vụ

Từ một ngư dân, ông Trần Tuấn ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) trở thành một “hướng dẫn viên du lịch” đầm phá Tam Giang. Chỉ một chiếc thuyền công suất 15CV, ông Tuấn đưa du khách dạo quanh khắp vùng đầm phá, tham quan tràm chim, đập cửa Lác huyền thoại, rừng ngập mặn rộng hàng chục ha. Du khách được ông Tuấn chỉ cách trải nghiệm quăng chài, nơm cá, tự chế biến các món thủy sản dân dã vùng sông nước... Chỉ tính riêng chở khách du thuyền trên đầm phá, mỗi ngày ông Tuấn có nguồn thu nhập bình quân 300-500 ngàn đồng.

Du lịch Ngư Mỹ Thạnh đang được khai thác

Từ một vài hộ ban đầu khi “manh nha” làm du lịch, đến nay tại thôn Ngư Mỹ Thạnh có hàng chục hộ tham gia các hoạt động chở khách tham quan, hướng dẫn khách trải nghiệm các nghề sông nước. Ngày ngày đánh bắt thủy sản kết hợp làm du lịch, ngư dân có nguồn thu nhập khá, ổn định cuộc sống. Một số hộ như ông Tuấn còn có cơ hội khá giả nhờ chuyên nghề đưa khách du thuyền trên đầm phá Tam Giang.

Dọc vùng đầm phá Quảng Điền, hệ thống nhà hàng, quán ăn mọc lên ngày càng nhiều. Tại khu vực Cồn Tộc, dịch vụ lưu trú, nhà nghỉ, nhà hàng khá sang trọng, phục vụ các món ăn thủy hải sản mọc lên ngày càng nhiều, từng bước đáp ứng nhu cầu du khách. Bà Nguyễn Thị Bằng, chủ nhà hàng Bằng ở Cồn Tộc chia sẻ: “Một thời, các quán ăn uống tại bến đò Cồn Tộc lụp xụp, phục vụ cho khách đợi đò ngang. Gần 10 năm nay, du lịch đầm phá Quảng Điền bắt đầu hình thành, các hộ mạnh dạn nâng cấp các nhà hàng phục vụ du khách, có nguồn thu nhập ổn định, có ngày lãi vài triệu đồng”.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Trần Quốc Thắng thông tin, du lịch đầm phá ra đời kéo theo nhiều dịch vụ kinh doanh khác, nhiều hộ dân có thêm nguồn thu nhập ổn định. Hướng đến chuyên nghiệp hóa mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trên vùng đầm phá Tam Giang, Quảng Điền đã và đang đầu tư một số tuyến đường, bến thuyền phục vụ du khách đi lại. Người dân được hỗ trợ mua sắm, trang trí thuyền du lịch và các phương tiện phục vụ du khách tham quan vùng đầm phá, rừng ngập mặn.

Người dân làng An Truyền, xã Phú An (Phú Vang), xã Hương Phong (TX. Hương Trà)... cũng đã tận dụng, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, tổ chức hệ thống nhà hàng nổi trên đầm Chuồn, dịch vụ ăn uống ở Cồn Tè, Rú Chá... không chỉ tạo không gian mới lạ cho du khách mà còn phục vụ các món ăn thủy hải sản tươi ngon của các vùng đầm phá. Các dịch vụ nhà hàng, chở khách tham quan vùng đầm phá..., nhiều hộ có nguồn thu nhập khá, ổn định cuộc sống.

 

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trải dài 68 km thuộc địa bàn 4 huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và TX. Hương Trà (dân số chiếm 33% toàn tỉnh). Với vùng sông nước trải dài, bên cạnh Vườn Quốc gia Bạch Mã, sông Hương, tạo nên phong cảnh thiên nhiên hữu tình, là tiềm năng của tuyến du lịch liên hoàn (sông - đầm phá - biển - núi) đang được tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư khai thác, phát triển du lịch, cùng dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, các dịch vụ đi kèm, tạo cơ hội cho người dân vùng đầm phá phát triển kinh tế.

 

Bài, ảnh: Hoàng THẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Return to top