ClockChủ Nhật, 10/09/2017 10:38

Đạo diễn Mai Lộc - người góp phần đặt nền móng cho điện ảnh cách mạng Việt Nam

TTH - Một người con của quê hương xứ Huế trong hơn 60 năm đã làm nên những thước phim mẫu mực cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam: Những bộ phim tài liệu cực hiếm về chiến tranh, đặc biệt là tham gia nhiều thước phim trong bộ phim tài liệu màu đầu tiên nổi tiếng “Việt Nam trên đường thắng lợi”…

Chân dung đạo diễn Mai Lộc

Đạo diễn của những thước phim vàng

Đạo diễn Mai Lộc quê ở thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ông sinh năm 1923 và mất ngày 17/12/ 2011 tại TP. Hồ Chí Minh. Trong hơn 60 năm cống hiến cho điện ảnh nước nhà, ông đã thực hiện hơn 60 bộ phim tài liệu và phim truyện. Điều đáng nói, nhiều phim của ông đã đặt nền móng cho điện ảnh cách mạng Việt Nam. Các tác phẩm của ông phải kể đến: Trận Mộc Hóa (1947), Chiến thắng Tây Bắc (Bông Sen vàng LHPVN), Giữ làng giữ nước (Bông sen vàng LHPVN), Quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược (Giải vàng LHP Leipzig). Các phim truyện: Vợ chồng A Phủ - Mai Lộc và Tô Hoài (Bông sen Bạc LHPVN), Tình đất Củ Chi - Mai Lộc và Lê Văn Duy…

Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, ông gia nhập Vệ quốc đoàn và theo ngành điện ảnh lúc bấy giờ còn non trẻ. Ngay trong những ngày đầu kháng chiến, ông cùng với nhà quay phim Khương Mễ thực hiện bộ phim tài liệu đầu tiên có tên “Trận Mộc Hóa”. Đây được xem là tác phẩm điện ảnh mẫu mực về chiến tranh, hiếm có trong lịch sử điện ảnh. Nó là một trong những phim đặt nền móng cho điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Vợ chồng A Phủ - bộ phim được khán giả yêu thích một thời

Năm 1952, ông được điều động ra chiến khu Việt Bắc phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến. Giữa chiến khu, ông bắt tay vào đạo diễn bộ phim tài liệu nhựa 35 ly có thời lượng dài đến 75 phút về “Chiến thắng Tây Bắc”. Bộ phim đã xác định một bước tiến dài của phim tài liệu Việt Nam. Tiếp đó, ông về Hải Phòng thực hiện bộ phim tài liệu “Giữ làng giữ nước”. Phim này có hình ảnh đoàn tàu chở xăng của Pháp bị du kích bắn cháy trên đường 5, là những thước phim tư liệu hết sức quý.

Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đạo diễn nổi tiếng của Liên Xô  Karmen thực hiện bộ phim tài liệu màu đầu tiên: “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Bộ phim không chỉ phản ánh những giây phút huy hoàng của dân tộc sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, mà còn là những thước phim tài liệu màu vô giá về con người và cuộc sống ở Việt Nam trong thập kỷ 1950. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam đã mua lại bản quyền phim màu để phát sóng trên truyền hình, trước đó khán giả trong nước chỉ biết đến bản phim đen trắng. Trong phim, khán giả có thể nhìn thấy cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới hầm chỉ huy, cảnh bộ đội xông lên tấn công hầm De Castries, đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản thủ đô Hà Nội trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân… Trong bộ phim đó, có nhiều thước phim do đạo diễn Mai Lộc thực hiện.

Phim Trận Mộc Hóa năm 1946

Kháng chiến chống Mỹ, ông lại xách ba lô lên đường vào chiến trường thực hiện phim “Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. Bộ phim này được trao giải vàng Liên hoan phim Lepzig (Đông Đức cũ).

Ngoài phim tài liệu, Mai Lộc còn đạo diễn 2 bộ phim truyện, trong đó “Vợ chồng A Phủ” (1961) được xem là một trong 4 phim truyện nổi bật nhất của điện ảnh miền Bắc bấy giờ, sánh ngang với “Chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Hai người lính”. "Vợ chồng A Phủ" được chính tay nhà văn Tô Hoài chuyển thể thành kịch bản và được Mai Lộc đạo diễn. Với cốt truyện hấp dẫn, cảm động, bộ phim lôi cuốn người xem bằng hình ảnh đẹp của miền Tây Bắc và phần âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ người Huế khác - Nguyễn Văn Thương…

Một con người tiên phong, trung thực

Ông kể lại với đạo diễn Lê Văn Duy, người cùng ông làm phim “Tình đất Củ Chi”: “Lý do chủ yếu dắt mình vào điện ảnh là nhờ ông anh bà con, có tiệm chụp ảnh. Mình học nghề chụp ảnh ở đó. Thế là mình quen, kết bạn với Khương Mễ, Văn Sỹ, Amtonine Giàu, những nhà điện ảnh tiên phong của Sài Gòn. Toàn quốc kháng chiến, mình thoát ra bưng biền tham gia Vệ quốc đoàn. Anh em trong tiểu đoàn biết mình có nghề chụp ảnh, khuyên mình viết thư về Sài Gòn xin máy in phim. Sau đó, Khương Mễ cũng thoát ra bưng biền. Mình với Khương Mễ đã làm bộ phim đầu tiên của cách mạng Nam Bộ: Trận Mộc Hóa...”

Trong ký ức của nhiều bạn bè, đạo diễn Mai Lộc luôn là một người tiên phong. Đạo diễn Minh Trí, nguyên Phó Bí thư Đoàn ủy Ban Tuyên huấn TƯ Cục miền Nam kể lại trên báo Thế giới điện ảnh: Tháng 2/1964, Mỹ mở trận càn với 45 ngàn quân, hàng trăm máy bay, xe tăng, xe quân sự ồ ạt tấn công căn cứ kháng chiến, nhằm tìm diệt cơ quan đầu não TƯ Cục miền Nam. Trong đó, có cánh quân khoảng 50 chiếc xe tăng cắt đánh thẳng vào Xưởng phim Giải Phóng. Khi đó, xưởng phim ở mé rừng, ngoài Trảng cách khoảng 50m. Ông Mai Lộc tổ chức chỉ huy một tiểu đội gồm 13 người chiến đấu chống trả quyết liệt hàng chục xe tăng địch.

Năm 1966 và 1967, ông tiếp tục chỉ huy các trận chống càn và cử luôn một số quay phim vừa đánh vừa quay những trận càn quyết liệt này. Sau đó, toàn bộ tư liệu đã được xây dựng thành bộ phim tài liệu lịch sử “Chiến thắng Tây Ninh”. Đạo diễn Minh Trí trân trọng phác thảo chân dung vị chỉ huy Mai Lộc: "Bản lĩnh, luôn có tầm nhìn, có năng lực, có uy tín, có trách nhiệm, rất gan lì, luôn xung phong ở những nơi ác liệt, rất tình cảm và hết sức quyết đoán".

Đạo diễn Mai Lộc, nguyên là Giám đốc Xưởng phim Giải phóng, Giám đốc Hãng phim Tổng hợp và Hãng phim Giải phóng, Tổng thư ký Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Ông nói: “Việc của người quản lý nghệ thuật là phải luôn suy nghĩ, phát hiện tài năng. Khi người quản lý đã phát hiện ra tài năng thì việc chính của anh ta là phải biết phát triển tài năng ấy vào hướng nào, phải biết chắt chiu, gìn giữ. Người quản lý phải có tầm nhìn chiến lược, biết tha thứ những sai lạc, lỗi lầm của từng nghệ sỹ, biết giải đáp thắc mắc của anh em, phải đến tâm tình với họ như bạn bè, đồng chí thân quen”. Ông cũng nói với đồng nghiệp: “Trong đời, tôi ghét những ai không chịu làm, ghét những ai nói nhiều, nói những lời sáo rỗng”.

Đạo diễn Lê Văn Duy nhận xét: “Tính quyết đoán nhưng khi anh Mai Lộc đồng tình thuận ý với anh em sáng tác, anh lại xem đó là ý kiến, tác phẩm mà chính anh và cùng tác giả đấu tranh, bảo vệ tác phẩm đến cùng. Trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam, người như anh Mai Lộc thật hiếm”…

Bài, ảnh: VÕ TRIỀU SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp

Những ngày qua, hai bộ phim điện ảnh “Mai” do Trấn Thành làm đạo diễn và “Đào, phở và Piano” là chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trên các diễn đàn mạng xã hội. Một bên là phim do tư nhân sản xuất, bên khác là do Nhà nước đặt hàng. Điểm chung là hai phim này đều nhận được sự quan tâm của công chúng, khán giả cả nước.

Mai, Đào và cách quản lý khán giả chưa đủ tuổi đến rạp
Tìm lại mình trong chiếc áo dài

Tuổi thơ tôi in đậm hình bóng mạ khi người vuốt lại áo dài cho phẳng phiu để đi ra ngoài. Thời ấy, với các loại vải nội hóa vừa với túi tiền, mạ tôi may mấy cái áo dài màu khói hương, da chai, mỡ gà, tím sim, phin vải trắng… Hễ ra khỏi nhà là mạ lại mặc áo dài tùy vào công việc.

Tìm lại mình trong chiếc áo dài

TIN MỚI

Return to top