ClockThứ Tư, 12/12/2012 18:08

Đào rãnh, nghề mưu sinh ở đầm phá

TTH - Trên những bãi nước mênh mông và trù phú của hệ thống đầm phá Thừa Thiên Huế, có một nghề từng là phương kế để những cư dân vùng sông nước mưu sinh, đó là nghề đào rãnh. Sống quen trên sông nước, người dân nơi đây nhận biết và thấu hiểu cả những đặc tính khó phát hiện nhất của các loài thủy sản, chẳng hạn như: chu kỳ sống và sinh hoạt của chúng theo con nước. Khi thủy triều bắt đầu lên cũng là lúc các giống tôm cá đi kiếm ăn. Thủy triều lên mạnh đem theo hằng hà sa số những sinh vật phù du và rong tảo, khi nước bắt đầu rút cũng chính là lúc chúng ẩn nấp và bám mình trong các đám rong rêu và bùn đất. Căn cứ vào những đặc điểm trên, những cư dân vùng sông nước khai sinh ra nghề đào rãnh.

Nghề đào rãnh thực chất tương tự như nghề mò cua bắt ốc vậy. Chỉ khác và khá thú vị ở một điều là, nếu như nghề mò cua bắt ốc bắt buộc người ta phải lần tìm đến tận các hang hốc, ngách nghẽ, nơi cư trú của các loài sinh vật để bắt, thì ở đây, người làm nghề với sự thấu hiểu cặn kẽ những đặc tính của các loài thủy sản, họ chỉ việc tạo sẵn nơi cư trú cho chúng rồi sau đó khai thác và thu hoạch mà thôi.

Nghề đào rãnh phải tiến hành khi con nước bắt đầu lên và thu hoạch sau khi con nước rút mạnh. Khi nước lên, người làm nghề dầm mình trong nước, trên tay họ cầm một vật dụng để đào đường rãnh. Vật dùng để đào rãnh có thể là con dao, vỏ ốc, vỏ nghêu, vỏ trìa... Đường rãnh được đào với chiều rộng khoảng từ 8 đến 10cm, tương đương với kích cỡ một bàn chân của người làm nghề, độ sâu của rãnh khoảng từ 5 đến 10cm, chiều dài thì không giới hạn. Đường rãnh được đào thẳng, cứ cách một đoạn, người ta lại cắm một vật làm mốc để xác định vị trí của rãnh. Cứ như vậy, rất nhiều rãnh được đào tùy theo nhu cầu và sức lực của người làm nghề. Đào xong rãnh xem như đã hoàn thành một nửa công việc, còn lại chỉ là chờ cho nước rút xuống để tiến hành thu hoạch.
 
Khi thủy triều bắt đầu xuống, người làm nghề lại một lần nữa dầm mình trong nước; theo sau họ là những chiếc oi, rọ, bọc…vật dụng dùng để chứa những gì mà họ bắt được ở dưới rãnh. Thủy triều xuống cũng là lúc các loài thủy sinh bắt đầu tìm nơi an toàn để ẩn trú, và những con rãnh được người ngư dân đào sẵn là nơi cư trú “không thể an toàn và tuyệt vời hơn”. Cứ như thế, người làm nghề chỉ việc dùng tay chặn ở hai đầu từng đoạn ngắn của con rãnh, thế là những tôm cá trú nấp dưới rãnh đã nằm gọn trong lòng bàn tay. Rất đơn giản, cứ như thế, những cư dân vùng sông nước và đầm phá Thừa Thiên Huế đã một thời lặng lẽ, bươn chải, lần mò trong con nước, dùng phương thức khai thác giản đơn của cái nghề đào rãnh này để làm kế mưu sinh.
 
Giờ đây, dải hệ đầm phá trù phú của Thừa Thiên Huế trở thành một mớ hỗn độn, với thực trạng rất nhiều hệ thống ô hộc và nò lưới bủa vây. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển như hiện nay, việc kiếm sống của người dân vùng sông nước trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Họ làm tất cả để tồn tại, điều đó đồng nghĩa với việc, càng ngày họ càng làm cạn kiệt các giống loài thủy sản của hệ đầm phá. Quan trọng hơn, một ngành nghề từng là phương kế nuôi sống những cư dân nơi đây qua nhiều thế hệ đành chấp nhận suy vong.
Đắc Hát
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương sắc Cố đô

Từ ngày bén duyên với công nghệ ướp hoa tươi thành hoa tươi bất tử, tình yêu hoa của chị Nguyễn Thị Thanh Lân (Phong Thu, Phong Điền) càng được chắp cánh. Ngày đêm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, cô gái trẻ đã sáng tạo ra những sản phẩm hoa tươi bất tử xinh xắn, độc bản từ những cánh đồng hoa.

Hương sắc Cố đô
Huế & hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu hoàng mai rực vàng khu vực vườn mai trước Đại Nội. Cái đẹp rực rỡ biểu trưng của mùa xuân, cho sự đoàn tụ gia đình, sự hòa hợp đất trời, dân tộc. Hoàng mai đã vượt lên trên giá trị một loài hoa để trở thành biểu tượng của đất Cố đô.

Huế  hoàng mai
Khói thơm

Khói - thứ quà đẹp đẽ trong ký ức của tôi xuất phát từ gian bếp củi nhà ngoại.

Khói thơm
Huế yên bình

Nhiều du khách chọn Huế là địa điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm kiếm một chút chữa lành nào đó. Cảnh đẹp nên thơ, với vô vàn địa điểm hấp dẫn của vùng đất Cố đô sẽ giúp du khách tìm thấy sự yên bình thật sự.

Huế yên bình
Hào hứng với Cuộc thi HueIC Robocon

Chiều 23/3, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức Cuộc thi HueIC Robocon năm 2024 hướng đến kỷ niệm 125 năm ngày thành lập trường (12/9/1899 - 12/9/2024).

Hào hứng với Cuộc thi HueIC Robocon
Return to top