ClockThứ Hai, 20/02/2012 13:35

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động ở Nam Đông

TTH - Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ lao động trên địa bàn huyện Nam Đông đã qua đào tạo nghề vẫn còn rất thấp.

Thực trạng

Những năm gần đây, trên địa bàn Nam Đông hình thành hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh, như sản xuất đũa, tăm tre, mộc mỹ nghệ, thêu, cơ khí, sửa chữa xe máy, may mặc, mộc dân dụng, sản xuất chổi đót... thu hút trên 750 lao động tham gia, có thu nhập khá từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Riêng nghề thêu, huyện đã đầu tư xây dựng cơ sở thêu tạo việc làm khá ổn định cho khoảng 200 con em ở các xã định canh, định cư. Hằng năm, huyện còn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Chế biến đũa, tăm tre

Theo ông Lê Thanh Hồ, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Nam Đông, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ và chất lượng lao động đã qua đào tạo nghề vẫn còn rất thấp. Đến nay, toàn huyện có khoảng 86% dân số trong độ tuổi lao động trong tổng số trên 24 ngàn người; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ chiếm 16,04%, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện và cung ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Cũng do số lao động chưa qua đào tạo nghề còn cao nên tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trên địa bàn khá lớn. Nhiều lao động đã qua đào tạo nghề, song chất lượng còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nên mặc dù xin được việc làm nhưng thu nhập rất thấp... Ông Lê Thanh Hồ cho rằng, những hạn chế trên là do công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là thiếu một trung tâm dạy nghề mang tính chuyên nghiệp. 

Đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm

Ông Lê Thanh Hồ, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Nam Đông cho biết, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là vấn đề được các cấp uỷ Đảng, chính quyền trên địa bàn quan tâm. Trong đó, huyện ưu tiên đào tạo cho các đối tượng chính sách, đồng bào thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật... Kế hoạch năm 2012, huyện phối hợp với các trường nghề, trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh, tổ chức đào tạo các lớp trung cấp, sơ cấp nghề cho khoảng 310 lao động và đào tạo các ngành nghề khác khoảng 600 người. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là công nghệ cắt may, cơ khí, du lịch, xây dựng dân dụng và công nghiệp, may công nghiệp, kỹ thuật dân dụng, thủ công mỹ nghệ, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, thú y...

Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Đông được xây dựng trên diện tích 15.000m2, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Quy mô và cơ cấu trung tâm, gồm: nhà hành chính, hiệu bộ; 2 xưởng thực hành; nhà bảo vệ; nhà ở nội trú và nhà ở giáo viên...

Điều đáng mừng đối với huyện Nam Đông là được tỉnh đầu tư xây dựng một Trung tâm Dạy nghề trên địa bàn. Hiện, trung tâm đang được thi công xây dựng và dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động vào cuối năm 2012. Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn. Cùng với công tác dạy nghề, trung tâm còn chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp; tạo điều kiện cho học viên có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm, hoặc tiếp tục nâng cao trình độ văn hoá, tay nghề nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trước khi xây dựng trung tâm, các ban ngành đã tổ chức tìm hiểu nhu cầu sử dụng lao động trên thị trường để có hướng đào tạo nghề hợp lý. Theo đó, các ngành nghề sẽ được đào tạo rất đa dạng, đa lĩnh vực như dệt thổ cẩm, thêu, may công nghiệp, sửa chữa máy nổ, cơ khí gò hàn, mộc dân dụng, chăn nuôi trồng trọt... Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, đến năm 2015 trung tâm sẽ đào tạo nghề cho khoảng 3.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 32%.

Theo ông Lê Thanh Hồ, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và Trung tâm Dạy nghề huyện sẽ phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, trong và ngoài tỉnh để giải quyết việc làm ngay sau khi hoàn thành khoá đào tạo. UBND huyện Nam Đông còn có chính sách ưu tiên, khuyến khích một cách thoả đáng trong giải quyết việc làm cho người lao động. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất trên địa bàn sẽ được huyện tạo điều kiện về mặt bằng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho lao động của địa phương từ 10 người trở lên được thưởng 5 triệu đồng; tạo việc làm cho con em đồng bào thiểu số được thưởng 6 triệu đồng; thu hút số lượng lao động lớn từ 100 người trở lên được thưởng 10 triệu đồng. Vừa qua UBND huyện cũng đã thưởng cho các cơ sở thêu, Công ty TNHH Nhân Lộc… vì đã tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top