ClockThứ Năm, 24/03/2016 20:03
HỘI THẢO “MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ”:

Đào tạo nguồn nhân lực phải sát nhu cầu thực tế

TTH - Bàn về một số giải pháp phát triển công nghiệp (CN) công nghệ thông tin (CNTT), định hướng phát triển nguồn nhân lực CNTT trong tương lai, hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế (TTH) trở thành trung tâm (TT) CN phần mềm của Việt Nam... là những nội dung quan trọng được đưa ra tại hội thảo “Một số giải pháp phát triển CN CNTT tỉnh TTH” do Hội Công nghiệp phần mềm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm CNTT tỉnh tổ chức vào sáng 24/3.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Hội thảo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn.

Thẳng thắn, cởi mở

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ bày tỏ hy vọng thông qua hội thảo lần này sẽ giúp tỉnh có định hướng và tạo tiền đề quan trọng để Huế có thể đăng cai hội nghị quốc gia về CNTT trong thời gian tới.

Ông Ken Peter Standfield đại diện công ty WorkwithAnyone – Australia trình bày tham luận về giải pháp phát triển CN CNTT tỉnh, trong đó, tập trung giải pháp về làm việc trực tuyến (online work); những thử thách của CNTT ở Huế hiện nay khi phát triển online work và việc áp dụng những bài học quốc tế tại Huế. Theo khảo sát đánh giá của WorkwithAnyone, Huế hiện “đối mặt” với 4 thách thức về CNTT, cụ thể: khó khăn trong tìm kiếm người tài (có kỹ năng thực tế); tìm kiếm nguồn nhân lực đã khó nhưng nguồn nhân lực đó làm việc tốt, có chất lượng càng khó hơn; làm sao tìm được khách hàng giao việc cho mình và hạn chế trong việc bảo mật và thanh toán trên mạng khi online work.

Toàn cảnh hội thảo

Theo đó, giải pháp mà phía công ty WorkwithAnyone đưa ra là Huế phải có hệ thống dữ liệu những kỹ năng của nguồn nhân lực để các doanh nghiệp khi có dự án “cần người” chỉ cần vào đây là có thể tìm kiếm. Bên cạnh đó, các doanh nhiệp phải có sự chia sẻ, làm việc chung với nhau, đồng thời, muốn có nguồn nhân lực chất lượng, phải đào tạo các em ngay từ trường ĐH và đào tạo sát nhu cầu thực tế... Đại diện công ty WorkwithAnyone cũng bày tỏ sẵn sàng làm việc, chia sẻ và giúp đỡ các trường ĐH cũng như các sinh viên trong lĩnh vực này.

Với mong muốn CNTT TTH ngày càng phát triển, tiến sĩ Hoàng Quang, Trưởng Khoa CNTT Trường ĐH Khoa học thẳng thắn: “Làm việc trực tuyến là ý tưởng phù hợp nhưng cũng đầy thách thức đối với Huế. Lý do, ý tưởng này liệu có thu hút người làm hay không trong khi đội ngũ lập trình cho online work đang thiếu...”. Tiến sĩ Hoàng Quang cũng đề xuất giải pháp, Hội CN phần mềm tỉnh có thể phối hợp với WorkwithAnyone và các trường để xây dựng một hệ thống, chương trình đào tạo cho sinh viên để các em có thể tự học và làm việc trực tuyến được.

Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Huế mong muốn phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường với tỉnh, với công ty để khi tiến hành thực hiện dự án có hiệu quả. Hiện sinh viên CNTT Huế (có gần 2.000 người) nhưng thiếu môi trường thực tập, làm việc do chưa có các công ty CNTT lớn cũng như phương tiện kỹ thuật hạn chế. Trước mắt, cần tổ chức những diễn đàn hoặc hội thảo về online work để sinh viên biết và tham gia. 

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng

Tại buổi hội thảo, ông Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế “nói thẳng” về hành vi, thái độ làm việc của sinh viên Huế kém, cực kỳ thiếu kỹ năng trình bày, khởi nghiệp và sáng tạo hầu như không có. Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Huế cũng đánh giá nguồn nhân lực CNTT của Huế có chuyên môn chưa sát với nhu cầu thực tế, chưa có khả năng làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài, khả năng ngoại ngữ không tốt và tâm lý ngần ngại khi khởi nghiệp là những rào cản không nhỏ với sinh viên khi ra trường. Vì vậy, các em cần được huấn luyện thêm về kỹ thuật và chuyên ngành, bản thân phải nâng cao năng lực ngoại ngữ. Với những sinh viên giỏi, khi ra trường, chúng ta phải làm sao tạo được môi trường làm việc phù hợp để thu hút và giữ chân họ. 

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần cụ thể hóa, pháp lý hóa mối quan hệ giữa WorkwithAnyone với các khoa, trường đại học trong việc triển khai dự án.

Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, để sinh viên ra trường có việc làm ngay là điều ai cũng mong muốn, vì vậy, việc đổi mới giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo là điều hết sức cấp bách, phải làm ngay. Phó Chủ tịch “nhắc nhở” các trường rằng “chê” các em thiếu kỹ năng làm việc nhóm, trong khi thực tế các trường vẫn chưa chịu “ngồi lại” với nhau. Qua đó, đề nghị các hiệp hội, các đơn vị liên quan, các trường ĐH sau hội thảo cùng nghiên cứu giải pháp tạo nền tảng pháp lý để triển khai phương thức làm việc trực tuyến này. Với việc thu hút và giữ chân nhân tài, quan trọng là tạo cơ chế làm việc, nghiên cứu; với sinh viên, cần tạo môi trường làm việc mới trên môi trường mạng để các em tiếp cận.

LIÊN MINH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai

Sáng 14/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo phổ biến hướng dẫn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định 80/2021/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai

TIN MỚI

Return to top