ClockThứ Năm, 17/07/2014 06:11

Đáp ứng nhu cầu phát triển

TTH - Năm 2008, UBND tỉnh có Quyết định số 230 về Quy hoạch phát triển GTVT Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Theo đó, hạ tầng GTVT trên địa bàn trong thời gian qua đã không ngừng được cải thiện. Quy hoạch đó đang tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng với nhu cầu phát triển mới.
Cầu đường bộ Bạch Hổ - dấu ấn của đô thị Huế

Kết quả đạt được

Dải đất bên kia phá Tam Giang không còn bị cách trở đò giang như trước. Nhiều cây cầu vượt phá Tam Giang được hoàn thành đưa vào sử dụng đã làm thay đổi lớn diện mạo của các làng quê. Anh Võ Đức Phú, xã Vinh An (Phú Vang) tâm sự: Trước đây, mỗi lần lên Huế hay từ Huế về quê, lo nhất là sự trễ đò. Giờ đây đã có cầu Trường Hà, người dân đã rất chủ động trong thời gian… Điều kiện giao thông thuận lợi, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế ở địa phương mình. Đô thị hóa nông thôn đã hình thành rõ rệt.

Những năm qua, mạng lưới GTVT trên địa bàn đã không ngừng phát triển. Hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện. Hệ thống cầu qua sông Hương, sông An Cựu và nhiều dòng sông khác trên địa bàn đã được chỉnh trang, xây mới. Hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị đã không ngừng được mở rộng, nâng cấp. Nhiều trục đường mới xuất hiện... đã góp phần thay đổi diện mạo thành thị, nông thôn, rút ngắn khoảng cách về thời gian, không gian trong đi lại, lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Đặc biệt, mạng lưới giao thông còn kết nối với các tỉnh thành trong nước, quốc tế qua QL1A, Cảng Chân Mây và Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Nhiều chương trình dự án trọng điểm còn hoàn thành trước thời gian, với quy mô lớn hơn so với dự định. Chẳng hạn như QL1A theo quy hoạch chỉ 2 làn xe thì nay được nâng lên 4 làn xe và thời gian hoàn thành sẽ trước năm 2016. Sân bay Phú Bài được mở rộng nâng cấp thành sân bay quốc tế sớm hơn 10 năm so với Quyết định 230…

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện quy hoạch theo Quyết định 230 vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại. Chẳng hạn như dự án cao tốc Cam Lộ - Túy Loan dự kiến hoàn thành vào năm 2010 nhưng nay mới chọn được nhà đầu tư đoạn La Sơn-Túy Loan. QL49A dự kiến mở rộng đoạn từ Huế đến Bốt Đỏ (A Lưới) dài 78km thành đường cấp III vào trước năm 2010 nhưng hiện chỉ mới mở rộng được 13km từ Bốt Đỏ đến dốc Mạ Ơi. Tương tự QL49B dự kiến sẽ nâng cấp toàn tuyến dài 89km đạt đường cấp IV vào năm 2010 nhưng nay mới khởi công được 10km qua Vinh Thanh. Cảng Chân Mây theo Quyết định 230 thì đến năm 2010 sẽ xây dựng bổ sung đưa vào hoạt động 3 bến nhưng nay vẫn chỉ 1 bến....

Nguyên nhân chính là do công tác dự báo còn thấp, không phù hợp với thực tiễn đặt ra; xác định thứ tự ưu tiên còn chung chung, thiếu cơ sở. Bên cạnh đó, năng lực tư vấn chưa chính xác trong việc tính toán nhu cầu thị trường, lưu lượng phương tiện, tốc độ phát triển... Chẳng hạn như tính toán nhu cầu đi xe buýt, đến năm 2010 hành khách đi xe buýt đạt 30% nhưng đến nay chỉ đạt hơn 6%. Một trong những nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; khả năng thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng GTVT còn nhiều khiêm tốn, khiến nhiều mục tiêu của Quyết định 230 chưa đạt được.

Đáp ứng nhu cầu mới

Mặc dầu Quyết định 230 đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển GTVT của tỉnh nhưng nhiều nội dụng đến thời điểm này đã không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh cho sát thực với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng. Mặt khác, hầu hết các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các ngành hiện nay đều được điều chỉnh định hướng đến năm 2030; trong lúc Quyết định 230 chỉ giới hạn đến năm 2020, nên GTVT cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, để có tính liên kết với các quy hoạch khác.

Một trong những nguy cơ lớn mà đô thị Thừa Thiên Huế phải đối mặt trong thời gian đến là nạn tắc đường và thiếu bãi dừng đỗ xe, bởi sự gia tăng phương tiện cá nhân; trong lúc, nhiều tuyến đường trong đô thị đang nhỏ hẹp. Mặt khác, hệ thống giao thông nối liền giữa các vùng đất tuy đã được cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Chiến lược phát triển hạ tầng giao thông hiện đại đang được đặt ra. Được sự đồng ý của UBND tỉnh, cuối năm 2013, Viện Chiến lược GTVT Bộ GTVT đã tiến hành các phương pháp nghiên cứu, đi đến điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển GTVT Thừa Thiên Huế đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho biết: Quy hoạch mới hiện nay chưa được hoàn chỉnh, nhưng tinh thần là kế thừa phát huy những kết quả đạt được, bổ sung thêm nhiều yếu tố mới cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung. Một số công trình dự án trước đây vẫn được bảo lưu như: Hệ thống đường vành đai và cầu qua sông Hương tại vị trí đường Nguyễn Hoàng; cầu Hà Trung, cầu Vĩnh Tu vượt phá Tam Giang và nhiều công trình dự án mang tính chiến lược khác sẽ được điều chỉnh thời gian để khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng thêm nhiều công trình cầu vượt chống ùn tắc giao thông trong đô thị; xây dựng hệ thống xe buýt nhanh, quy hoạch các điểm đậu đỗ xe hợp lý...

Thực tế cho thấy, một số dự báo trước đây đã không còn phù hợp. Điều kiện kinh tế xã hội đang phát triển, tốc độ đô thị hóa cao, phương tiện giao thông tăng nhanh, có dấu hiệu tắc đường. Bên cạnh đó, môi trường công nghệ GTVT của thế giới có nhiều phát triển, cần thiết phải có một quy hoạch tốt hơn, tầm nhìn xa hơn để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của Thừa Thiên Huế mà không để lại những trở ngại cho sự phát triển trong tương lai.

Bài, ảnh: Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top