ClockThứ Tư, 10/08/2016 05:56

Đất chết hồi sinh

TTH - Từ một vùng đất chi chít hố bom và nhiễm chất độc hóa học dioxin, Đông Sơn (A Lưới) đã hồi sinh.

Đông Sơn xanh những cánh đồng ngô

Nỗi đau không gọi thành tên

Trong chiến tranh, sân bay dã chiến A So là “điểm nóng” tại huyện A Lưới khi có hàm lượng tồn dư dioxin cao trong đất, tác động đến sinh thái và con người sinh sống trong vùng.

Đến thăm gia đình bà Hồ Thị Liên ở thôn A Sam mới thấm thía nỗi cơ cực của bà mẹ mang nặng, đẻ đau nhiều lần nhưng không một lần có được một đứa con khỏe mạnh. Bà không nhớ hết nữa,7-8 lần sinh nhưng chỉ có 3 cô con gái ở lại được với bà. Cả ba đều bệnh tật, còi cọc. Đứa đầu đã ngoài 20 tuổi nhưng chỉ cao khoảng 1m, đứa thứ 2, mới 15 tuổi vừa mù, vừa liệt, đứa thứ 3 không bộc lộ dị tật bên ngoài nhưng cứ đau nhức mình mẩy không làm gì được. Ông bà nội ngoại các em đều tham gia kháng chiến và bố mẹ cùng lớn lên trên mảnh đất Đông Sơn này. Nhiều trẻ em ở Đông Sơn mang những khuyết tật do chất độc da cam gây nên, như mù bẩm sinh, chân tay co quắp không cử động được hay thiểu năng trí tuệ… Người dân ở vùng đất khắc nghiệt này đã nghèo lại càng thêm khó vì người già thì không còn sức khỏe, còn người trẻ thì nhiều người sinh ra đã mang bệnh tật.

Các tổ chức quốc tế hỗ trợ xây dựng công trình nước sách cho xã Đông Sơn

Từ khi công bố tồn lưu một lượng lớn chất độc hóa học dioxin, xã Ðông Sơn khoanh vùng nguy hiểm khoảng 5 ha đất quanh sân bay A So và tổ chức di dân cách xa khu vực này khoảng 500 m trở lên. Các ban, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên giải thích, hướng dẫn người dân sinh sống trên vùng đất này cách phòng tránh, cách sinh hoạt an toàn, hợp vệ sinh. Thời kỳ đầu, được sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên và Phát triển cộng đồng, Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, chính quyền xã vận động bà con trồng 2.000 cây bồ kết ngay trên sân bay A So. Thế nhưng, bồ kết chưa kịp bén rễ thì bị chết vì đất nhiễm độc nặng. Không chịu bỏ cuộc, địa phương vẫn kiên trì với giống cây này, mãi đến đợt trồng thứ ba, bồ kết mới bắt đầu phát triển tốt. Sau bao nhiêu năm, hàng rào bồ kết đã dần phủ xanh, giống cây này đã được người dân nhân rộng, trồng trên diện tích 10ha với 3 vạn cây để góp phần thanh lọc môi trường.

Mướt xanh những cánh rừng

Vùng đất Đông Sơn trước đây không một cây gì có thể sống nổi, thì nay, gần 100% số hộ dân của Ðông Sơn đã trồng rừng kinh tế, sản lượng lúa và số lượng gia súc, gia cầm của xã liên tục tăng, thuộc tốp đầu của huyện. Hệ thống giao thông liên thôn, bản, xã được kết nối bằng bê-tông hóa thuận tiện cho đồng bào giao thương hàng hóa giữa các vùng. các công trình thủy lợi, hệ thống điện, đường, trường, trạm lần lượt ra đời, nước sạch được đưa về tới tận các hộ gia đình.

Chính quyền xã còn cấp đất rừng cho các hộ dân, hướng dẫn bà con trồng rừng phát triển kinh tế. Anh Hồ Văn Tôi, một trong những người dân làm kinh tế giỏi ở xã Ðông Sơn tâm sự: “Từ khi có chủ trương của xã về phát triển rừng kinh tế gia đình, tôi quyết định trồng thử vài ha keo lai. Với mỗi ha rừng keo, tràm, cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/năm; trừ chi phí, lãi từ 40 đến 50 triệu đồng/năm. Tôi mạnh dạn đầu tư thêm hàng chục con trâu, bò, dê thả dưới tán rừng. Từ thu nhập trồng rừng và kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, cuộc sống gia đình tôi khá hơn trước nhiều, có của ăn của để và cho con đi học, sắm sửa tiện nghi trong gia đình...”.

Chủ tịch UBND xã Ðông Sơn A Viết Minh cho biết: “Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, bà con bỏ công lao động cho nên nhiều công trình kiên cố hoàn thiện nhanh. Từ một vùng “đất chết” nay gần 400 hộ dân sống quanh sân bay A So đã trồng được 260 ha lúa, ngô, sắn và nuôi hơn 5.000 gia súc; hơn 500 ha rừng kinh tế và chăn nuôi gần 1.000 con trâu, bò và dê. Mỗi hộ bình quân trồng 2-3 ha, có rất nhiều hộ biết tích lũy vốn từ trồng rừng để phát triển thêm chăn nuôi, sản xuất. Cùng với phát triển kinh tế hộ gia đình, địa phương đã xóa được hơn 200 căn nhà tạm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn”.

Sau bao nhiêu năm kiên trì cải tạo, lao động sản xuất, “vùng đất chết” Đông Sơn dần được hồi sinh. Đường vào Đông Sơn nay đã được bê tông hóa, những mảnh đất hoang hóa bom đạn ngày nào giờ đã được phủ xanh bởi những ruộng lúa, rẫy ngô, cùng những cánh rừng keo tràm bạt ngàn. Dẫu biết rằng, chất độc da cam đã để lại những nỗi đau dai dẳng, kéo dài đối với người dân Đông Sơn, nhưng ẩn sâu bên trong là một sức sống mãnh liệt. Không xa nữa, một tương lai mới đầy ấm no, hạnh phúc sẽ thực sự được mở ra trên mảnh đất nghèo khó này.

Bài, ảnh: AN NHIÊN 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Nghệ nhân Nhật Bản hy vọng hồi sinh nghề thủ công với F1

Ở bên kia thị trấn từ Đường đua Suzuka của Nhật Bản, nơi sẽ tổ chức Giải đua xe F1 Grand Prix vào ngày 7/4 tới đây, nghệ nhân Kenji Tanaka đang hoàn thiện mô hình giấy F1 mới nhất cùng hy vọng sẽ thu hút sự quan tâm của quốc tế đối với một nghề thủ công có tuổi đời hàng thế kỷ.

Nghệ nhân Nhật Bản hy vọng hồi sinh nghề thủ công với F1
Hồi sinh từ thận hiến

Ca ghép thận đầu tiên năm 2001 đã đưa Bệnh viện (BV) Trung ương Huế vào bản đồ ghép tạng Việt Nam. Đến nay, đơn vị đã phẫu thuật 1.500 trường hợp, đồng nghĩa thắp lên hy vọng tái sinh cho 1.500 con người đang cận kề cửa tử.

Hồi sinh từ thận hiến
Return to top