ClockThứ Hai, 22/09/2014 06:59

Đặt mình vào vị trí người dân

TTH - Phải đặt mình vào vị trí của người dân đi khiếu nại, tố cáo để tích cực, chủ động tìm các biện pháp xử lý dứt điểm, mạnh dạn sửa sai, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên… đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với cán bộ tiếp dân tại Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ của Bộ Chính trị, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa được tổ chức cuối tuần trước.

“Vô phúc đáo tụng đình” là đúc kết từ bao đời của ông cha ta. Điều này chứng tỏ chẳng ai muốn vướng vào vòng kiện tụng chốn công đường. Tuy không muốn, nhưng khi quyền lợi bị xâm phạm, người dân buộc phải dùng đến giải pháp khiếu nại tố cáo (KNTC) để tìm công lý. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp hơn 370.000 lượt công dân đến KNTC; tiếp nhận 234.281 đơn thư các loại (tăng 2,68%), trong đó 101.156 đơn KNTC (giảm 3,39%), với 44.426 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền (giảm 9,5%). Riêng tại Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2014, con số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến UBND tỉnh và các cấp, các ngành là 1.282 đơn.

Một con số khác cũng khiến ta phải suy nghĩ, qua giải quyết KNTC, có khoảng 59% trường hợp khiếu nại sai và 63,2% tố cáo sai. Điều này cho thấy, nhận thức và hiểu biết pháp luật của công dân còn hạn chế nhất định. Nhưng ở góc độ khác, việc người dân hạn chế về nhận thức và hiểu biết pháp luật nhưng vẫn đeo đuổi vụ kiện qua nhiều cấp, một phần có trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân không giải đáp thấu đáo. Điều này một phần do trình độ cán bộ tiếp công dân hạn chế, thiếu chữ “tâm” trong giải quyết công việc, đùn đẩy trách nhiệm; chưa kể có những trường hợp lợi dụng để trục lợi. Sai sót của một số cá nhân, nhưng gây mất lòng tin của dân với chính quyền và luôn tiềm ẩn nguy cơ tạo thành những “điểm nóng”, gây bất ổn xã hội. 
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC là một yêu cầu cấp bách trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để đáp ứng yêu cầu này, trước hết, người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước phải đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực, kết quả công tác của cán bộ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, gắn việc tiếp dân với giải thích pháp luật để dân hiểu và chấm dứt khiếu kiện; giải quyết đơn thư đúng thời gian quy định; hướng dẫn đơn, chuyển đơn đúng thẩm quyền. Đồng thời, cần phải có tinh thần cầu thị, nghiêm túc sửa sai.
Việc chọn lựa cán bộ tiếp công dân không chỉ phải có đủ năng lực, trình độ chuyên môn mà phải có tâm với công việc và người dân. Người đi khiếu kiện thường trong tình trạng bức xúc, nếu cán bộ tiếp dân “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”, thì những bức xúc sẽ được giải tỏa. Nếu được giải thích thấu đáo, có lý có tình, người dân sẽ tự nguyện rút đơn. Cần tránh tình trạng cán bộ năng lực yếu, vi phạm kỷ luật thì đẩy sang bộ phận tiếp công dân như một hình thức kỷ luật.
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top