ClockThứ Bảy, 24/03/2018 13:30

Đất mới hồi sinh sau ngày quê hương giải phóng

TTH - Chiến tranh khốc liệt khiến bao gia đình phải rời bỏ nơi “chôn nhau, cắt rốn”. Hòa bình, họ hồi hương và cùng với những bà con từ nhiều vùng quê khác nhau, góp phần hồi sinh và tiếp tục xây dựng cuộc sống mới trên quê hương. Nhiều tên huyện, tên xã… ra đời bắt đầu từ đó.

Phú Lộc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế biển và đầm pháTour du lịch Lộc BìnhGiáo dục Phú Lộc hướng đến phát triển toàn diện

 Làm đường bê tông ở xã Lộc Bình (Phú Lộc)

43 năm rồi, tôi vẫn không quên hôm chia tay mẹ con dì Dớ. Thời điểm sau giải phóng kinh tế khó khăn và gia đình dì thuộc diện khó nhất xóm Chùa ở phường Thủy Phương (Hương Thủy) của tôi. Tôi nhớ, vì đói quá, mạ con dì từng phải ăn ớt cay, rồi uống nước cho nhiều để lừa cái bụng. Mẹ con dì Dớ là một trong những trường hợp đầu tiên ở xóm tôi đi kinh tế mới.

Người dân phường Thủy Phương bấy giờ đi kinh tế mới ở nhiều nơi. Đi gần như mạ con dì Dớ chỉ vào khu vực ấp Năm – đội 10 cũng là địa phận của xã Thủy Phương. Xa hơn tý nữa thì vào vùng sông Cầu, vào Lụ, nay thuộc xã Phú Sơn được thành lập từ năm 1981. Còn xa hơn thì đi lên Nam Đông, A Lưới hay vào tận Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ. Ngày mới giải phóng, tôi học lớp sáu Trường cấp 2 & 3 Hương Thủy. Năm sau lên lớp bảy, cả lớp có đến gần 1/4 nghỉ học, trong đó chủ yếu có lý do cùng gia đình đi kinh tế mới. Nhìn lớp học vắng bạn mà cảm thấy chạnh lòng.

Đi kinh tế mới đã trở một phong trào cách mạng sôi động sau ngày giải phóng ở Thừa Thiên Huế. Nó được xem là một trong cuộc giãn dân lớn nhất ở miền Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, giãn dân trên phạm vi lãnh thổ quốc gia và giãn dân ngay ở từng thôn xã. Di sản để lại là những tên huyện, tên xã, tên làng mới xuất hiện trên bản đồ hành chính. Sự ra đời của hai huyện A Lưới và Nam Đông là một minh chứng. Còn ở các huyện, thị như Hương Thủy chẳng hạn có Phú Sơn, Phú Lộc có Lộc Hòa, Xuân Lộc, Lộc Bình hay Hương Trà có Bình Thành, Bình Điền… Ở phạm vi cấp xã có các thôn, xóm mới.

Mới đây về Lộc Tiến (Phú Lộc), tôi ghé thăm thôn Tam Vị, một vùng trắng với những trảng cát sa van kéo dài. Cách nay nhiều thế kỷ, có 3 vị cố đạo người Italia tìm đến đây tổ chức truyền đạo. Tên gọi “Tam Vị”, tức ba người, ra đời. Thế nhưng, cho đến năm 1975, Tam Vị chỉ có 3 hộ dân. Tháng 3/1977, thực hiện phân bổ lại dân cư, xã Lộc Tụ (nay là Lộc Tiến và Lộc Vĩnh) tiếp nhận 130 hộ gia đình từ khu III sang. Cần cù, chịu thương chịu khó và có khả năng lao động sáng tạo, những người dân khu III nhanh chóng thích nghi, ổn định sản xuất và đời sống trên vùng đất mới Tam Vị. Cũng ngay trong năm 1977, thôn mới Tam Vị hình thành.

Tôi thích viếng thăm những vùng đất kinh tế mới. Nó thường mang lại một cảm giác lạ, đầy bất ngờ và khám phá. Tôi nghĩ, đó không phải là đất mới mà phải được xem là vùng đất hồi sinh sau chiến tranh. Ví như xã Phú Sơn, nơi đang có không ít bà con của tôi ở Thủy Phương đang sinh sống. Dù hoang vắng nhưng trong nhiều thế kỷ trước, nơi đây đã từng có bao dòng tộc hay gia đình sinh sống. Chiến tranh ác liệt, Phú Sơn là vùng chiến sự, nơi xảy ra trận đánh Mỏ Tàu tàn khốc vào năm 1974, khiến họ phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn. Ngay cả vùng ấp Năm (tức đội 10) của Thủy Phương, nơi dì tôi và các con lập nghiệp, cũng nổi tiếng là một căn cứ quân sự của địch trước năm 1975. Hòa bình là cơ hội để các gia đình trở về, chung tay góp phần hồi sinh quê hương. 

Dọc theo đường 49B, từ đèo Phước Tượng đến cầu Tư Hiền là Lộc Bình, được xem là một xã kinh tế mới ra đời sau ngày giải phóng. Trước đó, trong những năm tháng chiến tranh, vùng đất này được biết với cái tên vùng Rẫm, nơi trú ẩn và tập kết của các lực lượng cách mạng và cũng là nơi diễn ra rất nhiều trận đánh ác liệt. Ít người biết rằng, trước Cách mạng Tháng 8/1945, đã có nhiều ấp, làng như Tân An, Hòa An, Mai Gia Phường ra đời nơi đây. Cũng bởi chiến tranh, năm 1963 bà con buộc phải rời làng ra đi và sau chiến thắng 1975, cùng với họ quay trở lại Rẫm còn có nhiều người dân ở Lộc Trì và khu III. Không chỉ là đơn vị kinh tế mới, xã Lộc Bình được thành lập từ năm 1986 còn là sự hồi sinh và tiếp nối công cuộc xây dựng quê hương bị dang dở và tàn phá do bom đạn chiến tranh.

Giáp Tết Mậu Tuất, lên Nam Đông, tôi có dịp gặp ông Dương Thanh Sinh và ông Nguyễn Câu, Nguyễn Văn Thủy quê ở xã Vinh Giang thuộc khu III huyện Phú Lộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, họ là những cán bộ cách mạng chủ chốt của huyện Phú Lộc. Ngay sau ngày giải phóng, ông Dương Thanh Sinh và các đồng chí của mình được phân công lên Nam Đông làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mới tại đây. Hơn 40 năm đi qua, giờ tất cả đều ở tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy”. Thế nhưng, trong câu chuyện ngắn ngủi, các ông đã say sưa kể lại những tháng ngày đã qua. Dù phải trải qua bao gian khổ, song tất cả đều khẳng định, họ đã tìm thấy hạnh phúc khi chọn Nam Đông, một vùng đất mới hồi sinh sau chiến tranh, làm điểm dừng chân và xây dựng hạnh phúc gia đình sau chiến tranh.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Hồi sinh từ thận hiến

Ca ghép thận đầu tiên năm 2001 đã đưa Bệnh viện (BV) Trung ương Huế vào bản đồ ghép tạng Việt Nam. Đến nay, đơn vị đã phẫu thuật 1.500 trường hợp, đồng nghĩa thắp lên hy vọng tái sinh cho 1.500 con người đang cận kề cửa tử.

Hồi sinh từ thận hiến
Khẩn trương bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng cầu vượt sông Hương

Chiều 2/2, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế (Trung tâm) thông tin, hiện nay các ban, ngành địa phương đẩy nhanh việc bồi thường, tái định cư (TĐC) cho các gia đình để hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng xây dựng DA cầu vượt sông Hương trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Khẩn trương bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng cầu vượt sông Hương
Return to top