ClockThứ Ba, 23/08/2016 04:26
CÔNG BỐ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG BIỂN 4 TỈNH MIỀN TRUNG:

Đạt quy chuẩn để tắm biển, nuôi trồng thủy sản

TTH - Nước biển tại 4 tỉnh miền Trung được xác định đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động du lịch biển, tắm biển và nuôi trồng thủy sản. Đối với hải sản có đảm bảo an toàn hay không, các nhà khoa học cần thêm thời gian nghiên cứu. Đó là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đầu ngành được đưa ra tại hội nghị công bố hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, diễn ra tại TP. Đông Hà (Quảng Trị) ngày 22/8.

UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung; Thừa Thiên Huế có ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

PGS. TS Trịnh Văn Tuyên – Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường. Ảnh: Võ Nhân

Cần thêm thời gian nghiên cứu đối với hải sản

Giáo sư Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu môi trường biển 4 tỉnh miền Trung công bố, các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform đều trong giới hạn cho phép. Giá trị các thông số sắt, phenol và xyanua (nguyên nhân chính gây sự cố môi trường biển) có chiều hướng ngày càng giảm đáng kể. Hàm lượng xyanua trong tháng 8 dao động từ 0,002-0,1mg/l, nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam.

Đến thời điểm này, qua quan trắc cho thấy hàm lượng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép. Giáo sư Mai Trọng Nhuận lưu ý, tại một số khu vực biển có vài thông số cao hơn so với các khu vực khác vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng cần được giám sát và quan trắc thường xuyên. Đó là các khu vực cách bờ biển 1,5 km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên Huế (160 km2).

Về chất lượng nước biển tại 19 bãi tắm của 4 tỉnh được quan trắc cho thấy tất cả các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Qua nghiên cứu của các chuyên gia, đối sánh với các thông số về môi trường nguồn nước biển, tôi khẳng định rằng, nước biển tại 4 tỉnh miền Trung hiện nay đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động du lịch biển, tắm biển và nuôi trồng thủy sản. Đối với hải sản có đảm bảo an toàn hay không, cần thêm thời gian nghiên cứu mới đưa ra kết luận”.

GS. Mai Trọng Nhuận trình bày những nghiên cứu của mình và các cộng sự tại Hội nghị. Ảnh: Võ Nhân  

Các thông số phải tiếp tục điều tra, làm rõ

Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, Viện Công nghệ Môi trường cho rằng, hầu hết các chất nguy hiểm đến nay đã giảm đáng kể, nên bước nghiên cứu giai đoạn tiếp theo không nhất thiết phải quan trắc nhiều điểm, nhiều mẫu, nhiều chỉ tiêu, mà cần tập trung quan trắc mức độ ô nhiễm. Các hố vẫn còn tích tụ phenol, chưa hết hẳn, cần phải tiếp tục giám sát, kiểm tra các điểm này, xem đã an toàn chưa? Mong muốn cuối cùng là làm thế nào để môi trường trở lại bình thường, đời sống, sinh kế của ngư dân trở lại như trước. Điều mà Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên quan tâm là Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương cần giám sát hoạt động xử lý môi trường tại khu Formosa, không để tái diễn sự cố tương tự. Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần yêu cầu Formosa nghiêm túc thực hiện cam kết, nhất là quy trình xả thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường biển.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Cục Biển và Hải đảo, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả công bố hôm nay mới chỉ là nghiên cứu giai đoạn đầu, chủ yếu tập trung việc nhận dạng yếu tố và thực trạng môi trường hiện nay. Ngay sau hội nghị này, các nhà khoa học cần nghiên cứu, kiểm tra và khoanh vùng “điểm nóng và chưa nóng” về môi trường biển nhằm giúp các địa phương có cơ sở ứng phó. Chúng ta cần phải giải quyết rốt ráo những vấn đề mà Nhân dân quan tâm, như tắm biển được chưa, tắm ở đâu; đánh cá được chưa, đánh khu vực nào, ở nơi nào đánh bắt trước, nơi nào ưu tiên bảo vệ; ăn cá an toàn hay chưa…?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị, các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, đưa ra các dự báo, ứng phó trước mắt và cả lâu dài. Trên vùng biển 4 tỉnh vẫn còn một số tồn dư chất độc hại, sắp đến phải ứng phó, đánh giá tác động như thế nào?. Theo dự báo, các chất trong môi trường biển có “cơ chế” tự phục hồi, bay hơi, hòa tan, phát tán… nhưng về đâu? Các giá trị thông số phenol, xyanua… trong giới hạn cho phép, nhưng ở giới hạn nào?... Tất cả cần sự đánh giá, báo cáo kết quả một cách cụ thể, rõ ràng.

Tiến sĩ Friedhelm Schroeder-Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường Đức đề xuất, đối với hải sản, Bộ Y tế, các ban ngành tiếp tục giám sát các mẻ cá vừa khai thác, bán tại các chợ, xem đã an toàn chưa? Đánh giá lại trên các vùng biển ô nhiễm có các loại cá nào, lớn, nhỏ đã trở lại chưa? Về lâu dài cần phải kiểm soát tốt hoạt động môi trường biển, không chỉ ở Fomosa mà nhiều tỉnh khác. Tiến sĩ Friedhelm Schroeder kiến nghị, các phân tích tiếp theo cần có sự hỗ trợ, đối chứng từ các cơ quan khoa học các nước như Australia, Nhật Bản...

Cần tuyên truyền mạnh mẽ về mức độ an toàn của cá

Ngư dân Hồ Công Luận, thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền cho hay, từ khi gặp sự cố môi trường biển, ngư dân vùng bãi ngang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi vươn khơi chủ yếu bằng thuyền nan công suất dưới 20CV, đánh bắt gần bờ. Mong các cơ quan chức năng xác định rõ vùng nào an toàn, vùng nào không an toàn để yên tâm đánh bắt. Sáng 22/8, tôi có theo dõi đài, báo về cuộc họp tại Quảng Trị, tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được khu vực biển an toàn. Thuyền nằm bờ, ngư lưới cụ bị hư hỏng vì nắng gió nên chúng tôi mong muốn các ban ngành hỗ trợ để khôi phục sản xuất - ông Luận kiến nghị.

Anh Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB ngư dân trẻ vươn khơi bám biển thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) nói: “CLB tập hợp những ngư dân đam mê nghề biển, trong đó có nhiều thuyền trưởng trong độ tuổi đôi mươi điều khiển những con tàu có công suất 400CV trở lên. Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả quan trắc môi trường biển sáng 22/8, chúng tôi cùng chung mong muốn các cơ quan chức năng có những chính sách ưu đãi, cụ thể để hỗ trợ cho ngư dân trẻ vươn khơi. Đánh bắt xa bờ nên cá chắc chắn ở vùng biển an toàn, tuy nhiên sản lượng đánh bắt thấp hơn mọi năm và người tiêu dùng vẫn chưa thực sự an tâm về hải sản. Cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên tuyền mạnh mẽ về mức độ an toàn của cá”.

Ông Trần Cát, thôn Tân Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc chia sẻ, gia đình nuôi hơn 10 lồng cá. Cá ở một số lồng nuôi bị chết do ô nhiễm môi trường. Sáng 22/8, cơ quan chức năng thông báo chất lượng nước đạt yêu cầu để nuôi trồng thủy sản, chúng tôi an tâm phần nào. Tuy nhiên, đa số các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh gặp khó về thị trường tiêu thụ. Nhà nước cần có những chính sách để “gở nút thắt” ở khâu này. Thông qua báo, đài, tôi được biết hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần đưa ra những biện pháp để cải tạo, có như vậy du lịch biển ở Lộc Bình nói riêng và toàn tỉnh nói chung mới được phục hồi.

Hoàng Triều - Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn

Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, TX. Hương Thủy) do Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB đầu tư xây dựng, với kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhà máy đã chính thức đi vào hoạt động cuối tháng 1/2024, góp phần rất quan trọng giải bài toán đầu ra cho việc xử lý rác thải hiệu quả và đảm bảo môi trường ở Thừa Thiên Huế - vấn đề nhức nhối của địa phương khi các bãi chôn lấp rác ở Thủy Phương đã đầy và cuộc sống người dân bị đảo lộn bởi mùi hôi thối từ các hố chôn lấp.

Thăm nhà máy xử lý rác Phú Sơn
Return to top