ClockThứ Tư, 07/06/2017 08:30

Đau

TTH - Bị cáo cúi gục sau vành móng ngựa. Ghế bị hại bỏ trống, bởi nạn nhân thiệt mạng, đã nằm dưới đất lạnh.

Người dự khán hầu hết là dân địa phương, hàng xóm láng giềng của gia đình bị cáo (cũng là bị hại). Phòng xét xử đông nhưng im lặng. Cái im lặng thể hiện sự chia sẻ. Dù sao đi nữa, mất mát và nỗi đau mà cha mẹ bị cáo, bị hại đang phải gánh là quá khốc liệt. Từ buổi chiều định mệnh ấy.

Bị cáo khai trước tòa bằng giọng run run, ngắt quãng. “Vì sao là ruột thịt mà bị cáo đang tâm cầm dao đâm vào anh trai”- tòa hỏi. Bị cáo cúi gục, gần như chạm vành móng ngựa: “Lúc đó bị cáo bức xúc quá. Anh trai làm con mà ném cha đến bể đầu chảy máu. Bị cáo dằn lòng không được”. Một thành viên của hội đồng xét xử truy vấn, cứ cho rằng bị cáo dằn lòng không được trước hành vi sai trái của anh trai mình đối với cha, nhưng tại sao không tác động vào tay, chân mà lại nhẫn tâm dùng dao nhọn đâm vào ngực. Và hậu quả là quá đau lòng. Bị cáo cứ cúi gục đầu mà không trả lời được câu hỏi “vì sao” tòa nhắc đi nhắc lại.

Cha mẹ nạn nhân (cũng là cha mẹ bị cáo) thất thần cạnh nhau, không ai nói với ai lời nào. Bên cạnh là người phụ nữ còn rất trẻ và đứa trẻ chưa đầy ba tuổi là vợ con nạn nhân, cũng là con dâu, cháu nội của họ. Đứa bé còn quá nhỏ, bây giờ chưa biết gì về bi kịch gia đình, thơ ngây ngồi trong lòng mẹ. Người phụ nữ trẻ thỉnh thoảng cúi mặt xuống tóc con, ứa nước mắt.

Trước hội đồng xét xử, người cha bảo mình với con trai lớn không có mâu thuẫn gì. Hôm đó con trai ông về nhà, liền hung hăng xông vào tấn công ông, khiến ông uất ức. “Tui bức xúc quá. Con mình sinh ra, một tay nuôi lớn, mà giờ hắn mất dạy với cha. Cũng vì tui nóng nảy nên mới để xảy ra thảm cảnh này”. Người cha “thú nhận”. Nhưng hội đồng xét xử lại nghi vấn: “Không có lửa sao có khói, có phải ông đánh vợ khiến con trai lớn phản ứng tiêu cực không”?. Lúc này, người cha mới “khai”, trước đó mình có đánh vợ mấy tát tai, vì bà đi đánh bài, nhưng ông khuyên can không được.

Người mẹ thì cho rằng bà chẳng biết gì hết. Bà không biết giữa hai cha con có mâu thuẫn, không biết con trai vì sao lại nổi nóng, đánh cha. Tòa: “Bà làm mẹ, làm vợ, chẳng lẽ không biết chuyện gì xảy ra trong chính ngôi nhà mình?”. Người phụ nữ chỉ liên tục lắc đầu, rồi gục xuống bàn. Một khoảng im lặng. Không có lời lên án, trách móc nào của đại diện hợp pháp của bị hại dành cho bị cáo. Nhưng dường như, khoảng im lặng nặng nề đang bao trùm không khí phiên tòa chính là “lời” trách móc. Đó là, cách sống ứng xử hằng ngày của cha mẹ chưa chuẩn mực, chưa phải là tấm gương tốt khiến con cái cũng dễ sinh ra hành vi lệch lạc, sai trái, vi phạm pháp luật.

Cha mẹ nạn nhân (cũng là cha mẹ bị cáo) không yêu cầu bị cáo phải bồi thường các khoản tiền chi phí mai táng, tổn thất tinh thần (theo quy định của pháp luật). Vợ bị hại cũng không yêu cầu bị cáo bồi thường. Dù đối với chị, tổn thất này là không đo đếm. Nhưng dù sao, người đứng sau vành móng ngựa kia, người đã tước đoạt mạng sống của chồng chị, cha của con chị cũng chính là em chồng và là chú ruột đứa bé, mối quan hệ ruột thịt mãi mãi là không bao giờ thay đổi. Trong gia đình giờ đây, người đằng đẵng trong tù, người vĩnh viễn nằm dưới nấm mộ. Những người còn lại đã, đang và sẽ mãi mãi gánh chịu nỗi đau, mất mát gấp bội phần.

Văn Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đau mắt đỏ: Không cẩn trọng sẽ gây giảm thị lực

Tình hình dịch viêm kết mạc - đau mắt đỏ diễn biến phức tạp trong cộng đồng. Số ca bệnh đến khám tại Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Trung ương Huế tăng đột biến. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đến khám các cơ sở y tế để được tư vấn điều trị, đặc biệt đối với chủng đau mắt đỏ gây giảm thị lực.

Đau mắt đỏ Không cẩn trọng sẽ gây giảm thị lực
Đau rừng

Lâu lắm mới có dịp ghé thăm nhà một người quen. Ngôi nhà ven đô, đất đai rộng rãi nên thoáng mát, cây cối xanh tươi. Khu vườn rộng bao bọc ngôi nhà cơ man nào hoa.

Đau rừng
Return to top