ClockThứ Sáu, 15/04/2016 06:16

Dấu ấn 135

TTH - Đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, thay đổi diện mạo đời sống nông thôn của 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là dấu ấn từ Chương trình 135. Tuy nhiên, vẫn còn lắm nỗi lo.

Diện mạo mới

Bà Hồ Thị Nô (xã A Roàng, huyện A Lưới) phấn khởi: “Nhờ các chương trình hỗ trợ mà mình có con giống, kinh phí đầu tư gia trại chăn nuôi tổng hợp lợn, gà và cá nước ngọt. Mỗi năm, trừ chi phí, hộ gia đình mình lãi trên dưới 100 triệu đồng, đó là thu nhập mơ ước của đồng bào miền núi”.

 Hạ tầng nông thôn được đầu tư ở xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông)

A Lưới được Chương trình 135 (giai đoạn 2011-2015) hỗ trợ, đầu tư trên địa bàn huyện tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng, xây dựng 104 công trình điện, đường, trường, đập thủy lợi và đầu tư hỗ trợ, phát triển sản xuất với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới đánh giá: “Việc chú trọng đầu tư các công trình thiết yếu, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế, xã hội. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; lĩnh vực giáo dục có nhiều tiến triển, sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển theo xu hướng kinh tế hàng hóa”.

Điểm nhấn của Chương trình 135 tại A Lưới là diện mạo nông thôn miền núi, nhất là các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã có nhiều chuyển biến tích cực. So với năm 2011, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của A Lưới còn 11,28%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi ong của đồng bào miền núi Nam Đông giúp giảm xung đột với rừng

Tại huyện Nam Đông, có 4 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Đến nay, xã Thượng Long ra khỏi diện đầu tư của chương trình. Bà Hồ Thị Tôi (xã Thượng Long) phấn khởi: “Nhờ địa phương tạo điều kiện vay vốn ưu đãi mà gia đình có điều kiện phát triển mô hình sản xuất tổng hợp trồng rừng, ngô lai và chăn nuôi bò. Tuy quy mô sản xuất chưa lớn nhưng nguồn thu từ gia trại cơ bản đảm bảo cuộc sống gia đình mình”.

Huyện Nam Đông có trên 80% hệ thống đường giao thông đã được bê tông hóa đến tận thôn, bản. Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định: “Kết quả triển khai, thực hiện chương trình, chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, việc hỗ trợ sản xuất đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, nhất là hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi chuyển giao kỹ thuật. Nhờ đó, chất lượng hàng nông sản nâng lên đáng kể, đời sống người dân được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm”.

Ông Hồ Đính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh đánh giá: “BQL dự án 135 các huyện, xã đã chủ động phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn, chỉ đạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đến từng hộ dân hưởng lợi. Hợp đồng với các đơn vị cung ứng giống, vật tư phân bón kịp thời vụ cho nông dân sản xuất”. Người dân đã thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lạc hậu, tự cung tự cấp, du canh du cư; biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, cải thiện và nâng cao đời sống. Sản phẩm người nông dân làm ra đã có tính hàng hóa, có nơi tiêu thụ ổn định.

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Tại một số huyện, thị, nguồn lực đầu tư cho Chương trình 135 còn nhiều bất cập. Quá trình vận dụng lồng ghép với các chương trình, dự án khác chưa đồng bộ. Một bộ phận đồng bào còn có tư tương ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”. Ông Lê Thanh Hồ, cho rằng, hộ nghèo trên địa bàn Nam Đông tuy giảm nhưng chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao do việc làm không ổn định. Điều kiện sinh hoạt ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa còn gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo.

Nuôi heo công nghệ mới của người dân xã Sơn Thủy (huyện A Lưới)

Từ thực tiễn cơ sở, ông Pờ loong Phương, Chủ tịch UBND xã A Roàng (huyện A Lưới), cho rằng: “Hiện, hộ nghèo tại địa phương vẫn còn 48,78%. Các hộ thoát nghèo thiếu bền vững. Số lao động nhiều mà thiếu tay nghề, phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn nặng nề. Địa hình khó khăn nên việc đi lại, đầu tư cho những thôn bản không phải dễ dàng. Đó là những trở lại lớn cho phát triển vùng nông thôn”.

Khi thực hiện Chương trình 135 ở một số địa phương còn bộc lộ một số tồn tại như các công trình, dự án do nhiều cơ quan thực hiện nhưng công tác phối hợp chưa chặt chẽ nên việc lồng ghép vốn vẫn còn chưa hợp lý và chưa hiệu quả; thanh, kiểm tra chưa thường xuyên; các sai phạm chủ yếu được phát hiện từ sự phản ánh của người dân.

Theo ông Hồ Đính, hoạt động khuyến nông mới tập trung vào xây dựng mô hình để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chưa có nhiều mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổ chức quản lý sản xuất, xúc tiến thị trường. Kế hoạch sử dụng lao động tại chỗ sau đào tạo nghề vẫn là vấn đề nan giải của nhiều địa phương. Chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều là những thách thức không nhỏ đối với các cấp chính quyền địa phương miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS tăng từ 12,66% lên 21,77%; hộ cận nghèo từ 5,33% lên 5,49%.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính, nhấn mạnh: Các địa phương thực hiện đầu tư Chương trình 135, tiến hành rà soát các đối tượng thụ hưởng một cách công khai, dân chủ và công bằng; quan tâm tập huấn bồi dưỡng kiến thức và kiện toàn ban chỉ đạo Chương trình 135 các cấp và tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và vai trò các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở”.

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 và các chương trình lồng ghép trong 5 năm (2011-2015) gần 285 tỷ đồng. Riêng Chương trình 135 hơn 117 tỷ đồng, trong đó, bao gồm các dự án hợp phần phát triển sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng. Nhờ chương trình đầu tư đúng hướng, đã chuyển đổi có cấu kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân trên đầu người khu vực nông thôn đạt trên 23 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc miền núi giảm xuống 11,8% (chuẩn cũ).

Bài, ảnh: Hà Nguyên

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Chiều tối 6/4, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tham quan cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế; thăm, tặng quà hai ca ghép tạng xuyên Việt mới đây đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Return to top