ClockThứ Sáu, 01/02/2019 13:15

Dấu ấn cơ sở 2

TTH - Vậy là đã 3 năm kể từ ngày Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở xã Phong An, Phong Điền và xây dựng nơi đây thành cơ sở 2, công năng của đơn vị y tế này đã phát huy một cách hết sức ấn tượng.

Triển khai nhiều kỹ thuật mớiCơ sở 2, Bệnh viện Trung ương Huế: Nhiều kỹ thuật mới được ứng dụngCơ sở 2, Bệnh viện Trung ương Huế: Khai trương đơn vị chạy thận nhân tạo và Hồi sức tích cực - chống độc

Triển khai phẫu thuật nội soi 3D điều trị đại trực tràng tại Cơ sở 2, BV Trung ương Huế

Đi vào hoạt động từ năm 2009, một thời gian dài BV Đa khoa tỉnh ở  Phong An, Phong Điền nằm trong cảnh thưa vắng bệnh nhân. Hồi đó, nhiều người tiếc cho một BV xây dựng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc đẹp, khang trang hiện đại nhất miền Trung nhưng chỉ không phát huy hiệu quả.

Một làn gió mới làm bao người vui mừng khi BV này chuyển giao về BV Trung ương Huế quản lý vào cuối năm 2016. Tôi rất tâm đắc câu nói của GS. Phạm Như Hiệp khi tiếp nhận cơ sở mới là phải dồn tâm, dồn lực để Cơ sở 2, BV Trung ương Huế thực sự địa chỉ khám điều trị dân tin. Hơn nữa, phải làm hài lòng phía đối tác Hàn Quốc vì họ đã hỗ trợ đầu tư công trình BV khang trang, hiện đại...

Lời nói thể hiện bằng quyết sách. Sau khi tiếp nhận, vẫn trên “nền cũ” đó, lãnh đạo BV Trung ương Huế tổ chức, sắp xếp lại phòng, ban và đào tạo, nâng cấp chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ cán bộ hiện có; đồng thời, xây dựng quy trình giao tiếp phục vụ làm hài lòng, tôn trọng bệnh nhân từ khi tiếp đón đến lúc rời viện. Không chỉ thế, nắm bắt điểm yếu tồn tại, lãnh đạo đơn vị điều chuyển và cử một số cán bộ, chuyên gia giỏi từ BV Trung ương Huế hỗ trợ cho cơ sở 2 theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.

Khám mắt tại Cơ sở 2, BV Trung ương Huế

Dõi theo một thời gian, nhiều người cảm nhận Cơ sở 2, BV Trung ương Huế đã thay “áo mới”. Từ một không gian lặng lẽ, nhiều khoa phòng “cửa đóng then cài” thì sau đó đã khai trương thêm Khoa Hồi sức tích cực và Thận nhân tạo, cũng như tạo điều kiện cho các Khoa Nội tiết-Thần kinh- Hô hấp - Tiêu hóa, Giải phẫu bệnh, Da liễu... luôn sáng đèn về đêm. Nhà xe ngày nào cũng kín chỗ, ô tô biển số ngoại tỉnh mỗi ngày vào ra nơi đây hàng trăm lượt.

Nói theo mô thức của ngành y mà người bạn của tôi làm việc ở Cơ sở 2 này chia sẻ là lãnh đạo đơn vị đã lấy bệnh nhân làm trọng để tồn tại phát triển. Hầu hết các kỹ thuật cao và mới ở BV Trung ương Huế lần lượt được triển khai thường quy ở đây, như phẫu thuật nội soi 3D, 4D cắt túi mật, cắt đại trực tràng, dạ dày, phẫu thuật sọ não, phẫu thuật thay khớp háng, điều trị bệnh nhân ung thư đa mô thức...

Trong lần thăm người thân điều trị chạy thận nhân tạo tại cơ sở này cuối năm 2017, tôi gặp ông Lê Y. (64 tuổi, huyện Phong Điền), là 1 trong những bệnh nhân được phẫu thuật sỏi thận bằng phương pháp không đau do gây tê ngoài màng cứng tại Khoa Gây mê hồi sức. Hỏi chuyện, ông chia sẻ: “Tôi đau ở thắt lưng, hễ mỗi lần đi tiểu là đau buốt chịu không nổi. Khi vào Cơ sở 2, BV Trung ương Huế, các bác sĩ đã mổ cho tôi bằng kỹ thuật không đau. Chỉ một ngày sau khi mổ, tôi đi lại bình thường, không hề thấy đau nhức”.

Khám bệnh cho trẻ tại Cơ sở 2, BV Trung ương Huế (Phong An, Phong Điền)

Cùng kỹ thuật trên, tại Cơ sở 2 đã triển khai kỹ thuật cắt đốt tiền liệt tuyến (TLT) cho nhiều bệnh nhân. Đây là một trong những phẫu thuật cao cấp của niệu khoa và là lựa chọn tối ưu trong điều trị tăng sinh TLT cho đến thời điểm hiện tại. Trong trường hợp bệnh nhân không được điều trị theo kỹ thuật này thì phải mổ hở. Khi mổ hở sẽ có biến chứng như chảy máu, có sẹo mổ, thời gian nằm viện dài, tốn kém... Các bác sĩ còn triển khai mang tính đột phá công nghệ trong phẫu thuật ngoại khoa điều trị sỏi tiết niệu; phương pháp phẫu thuật nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser để điều trị sỏi niệu quản làm cho bệnh ít đau và chỉ sau vài ngày sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Tiếng lành đồn xa, người dân không chỉ ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và các tỉnh lân cận trước đây ốm đau đều tập trung vào BV Trung ương Huế thì nay họ đến Cơ sở 2 khám điều trị. Hiệu quả khám điều trị bệnh không thua kém ở BV Trung ương Huế mà còn giảm nhiều chi phí, tiền bạc vì phải vượt đoạn đường xa vào trung tâm TP. Huế. Đến thời điểm này, tuy chỉ tiêu ở Cơ sở 2 chỉ 500 giường bệnh theo kế hoạch, nhưng số lượng bệnh nhân nội trú vượt 650 bệnh/ngày và số lượng bệnh nhân ngoại trú dao động từ 300-400 lượt/ngày.

Kết quả trên do đâu? Nhiều người đánh giá, điều này chỉ có BV Trung ương Huế mới làm được, nhờ quyết sách hợp lý của lãnh đạo BV trong cách vận hành phù hợp thực tế. BV Trung ương Huế không hô hào, chiến dịch này nọ rầm rộ mà chỉ làm hài lòng người bệnh từ việc chú trọng hai yếu tố con người và trang bị y tế gắn với phương pháp khám chữa bệnh chất lượng.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Return to top