ClockThứ Tư, 09/03/2022 15:13

“Dấu ấn” của người trưởng thôn

TTH - Những con đường khang trang, rộng rãi, hệ thống điện chiếu sáng và nhiều đổi thay ở thôn Vọng Trì Đông, xã Phú Mậu (TP. Huế) có “dấu ấn” của ông Lê Phước, người trưởng thôn tâm huyết.

Chăm chỉ lao động sản xuất cũng là cách ông Lê Phước làm gương cho người khác

Dẫn khách dọc theo những con đường trong thôn rộng 4 mét, thẳng tắp, sạch sẽ tinh tươm, ông Lê Phước chậm rãi kể: “Trước đây, những con đường này hẹp tầm 1,2 mét, chặng này phình ra, khúc kia tóp lại, bởi tự phát, mạnh nhà ai nhà nấy làm. Từ khi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, đường thôn 4 mét, bê tông hóa (Nhà nước và Nhân dân cùng làm), người dân đã dời hàng rào, hiến đất để mở rộng và nắn con đường cho thẳng, đồng thời đóng góp tiền trải bê tông. Để làm được điều này, chúng tôi thực hiện vận động. Đã rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cuối cùng người dân hiểu, cùng chung sức, chung tay”.

Trên gương mặt sạm nắng gió của ông Phước là nụ cười mộc mạc, khi nhớ lại có nhiều gia đình, ban đầu không đồng ý và phản ứng gay gắt việc dời hàng rào, hiến đất. Nhưng người trưởng thôn từng có thời gian hơn mười năm giữ cương vị Trưởng ban công tác mặt trận thôn, dày dặn kinh nghiệm, đồng thời đã “tích lũy” được sự tín nhiệm của người dân, vững tin sẽ vận động thành công.

Ông Lê Phước phân tích sự thuận lợi về giao thông dẫn dến lợi ích thiết thực đối với bản thân, gia đình mỗi người và cả cộng đồng trong phát triển kinh tế, đời sống. Phối hợp với cán bộ các đoàn thể đến tận nhà những trường hợp còn “dùng dằng” để tỉ tê, đồng thời ông Lê Phước nhờ những người tâm huyết với quê hương, có uy tín trong cộng đồng, cùng lan tỏa sự vận động.

Theo ông Lê Phước, lời nói phải đi đôi với hành động. Những người đứng đầu thôn và cán bộ các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn nêu gương, tiên phong trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng; đóng góp khoản tiền đã định mức trong các cuộc họp. Đó là một trong những cách tuyên truyền hữu hiệu, để người dân trong thôn “tâm phục khẩu phục” mà đồng thuận. “Một số hộ ban đầu hơi “khó”, nhưng sau khi đã “thấm”, không chỉ chấp hành, mà còn tự nguyện hỗ trợ thêm. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Phương, dù điều kiện kinh tế không mấy khá giả, nhưng đã hỗ trợ 6 triệu đồng. Trước việc hầu hết người dân trong thôn hưởng ứng, các hộ trước kia phản ứng gay gắt, thậm chí ngăn cản việc thi công, cũng “mở lòng” tự nguyện chấp hành” - ông Phước kể.

Linh động, linh hoạt cũng là cách mà người trưởng thôn nhiều kinh nghiệm vận dụng trong quá trình vận động. Theo đó, những hộ nghèo, khó khăn hay già cả neo đơn, có thể được miễn giảm hoặc đóng góp một phần nhỏ để thể hiện trách nhiệm. Khoản tiền còn thiếu, người trưởng thôn “lặn lội” vận động những người con quê hương, hiện sinh sống làm ăn khá giả ở địa phương khác.

Với những cách làm đó, ông Lê Phước cùng lực lượng cán bộ các đoàn thể trên địa bàn đã tuyên truyền, vận động thành công, để người dân thôn Vọng Trì Đông đồng lòng hiến đất, đóng góp, cùng Nhà nước mở rộng và bê tông hóa toàn bộ tuyến đường trong thôn. Sau đó, người dân tiếp tục hưởng ứng đóng góp 50 triệu đồng, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đến từng ngõ ngách trên toàn bộ 9 xóm trong thôn. Đồng thời góp công cùng mạnh thường quân xây dựng hệ thống chiếu sáng trên tuyến đường liên xã từ đập La Ỷ về cống Thạch Căn giáp xã Phú Dương.

Khi đã “thông”, đã “thấm” ý nghĩa, lợi ích của việc chung tay xây dựng những công trình công cộng, xây dựng thôn xóm, quê hương ngày càng khang trang phát triển, cũng chính là nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt của bản thân và con cháu sau này, người dân thôn Vọng Trì Đông đã “tiếp sức” cùng người trưởng thôn và mạnh thường quân, đóng góp xây dựng sân bóng đá trên địa bàn, trị giá 22 triệu đồng.  

Trên tường nhà ông Lê Phước “dày đặc” bằng khen, giấy khen của UBMTTQVN tỉnh; UBND xã Phú Mậu vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham gia xây dựng nông thôn mới; công tác mặt trận, công tác tuyển quân, công tác Hội chữ thập đỏ xã… Một trong những “chìa khóa” để người trưởng thôn “mở ra” sự hưởng ứng, chính là làm cho người dân tín nhiệm bằng các hành động tiên phong của bản thân, gia đình. Bằng cách này, ông Lê Phước còn vận động được lực lượng nông dân trong thôn hăng hái tham gia hiến máu nhân đạo.

Bài, ảnh: Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
“Dấu ấn” và đóng góp trong sự phát triển vững chắc của địa phương

Cán bộ, đảng viên, người dân Phú Vang luôn nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhiệm vụ quân sự quốc phòng, từ đó chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương phát triển vững chắc. Để đạt được kết quả đó, có “dấu ấn” và đóng góp không nhỏ của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện.

“Dấu ấn” và đóng góp trong sự phát triển vững chắc của địa phương
Tạo dấu ấn sâu sắc về con người và văn hóa Huế

Nhiều năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị (CTCHN) đã phát huy vai trò tiên phong của công tác đối ngoại Nhân dân (ĐNND) trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển địa phương, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Thừa Thiên Huế.

Tạo dấu ấn sâu sắc về con người và văn hóa Huế
Tạo dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch

Thu hút và giữ chân du khách, đặc biệt là khách Tây hiện nay không chỉ nằm ở tài nguyên, sản phẩm du lịch hay cảnh quan văn hóa - lịch sử mà ở vẻ đẹp chân phương của con người, tính chuyên nghiệp trong cách làm du lịch và tạo được dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch, trải nghiệm của du khách.

Tạo dấu ấn địa phương trong sản phẩm du lịch
Dấu ấn công tác hội và phong trào nông dân

Năm 2023, thông qua các hoạt động trên các lĩnh vực, công tác hội và phong trào nông dân có nhiều chuyển biến tích cực, tổ chức hội nông dân (HND) cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh và phát triển.

Dấu ấn công tác hội và phong trào nông dân
Return to top