ClockThứ Sáu, 14/12/2018 05:45
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908-2018)

Dấu ấn sâu đậm trong phong trào cách mạng

TTH - Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Diểu - người con của Huế đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng tỉnh nhà, đặc biệt là phong trào cách mạng dân chủ (1936 - 1939).

Nhà hoạt động chính trị một lòng vì dân, vì Đảng“Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”

Tập hợp lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng

Tháng 6/1936, Nguyễn Chí Diểu được phân công về Huế chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong bối cảnh tình hình mới, đồng chí đã sớm tiếp cận thực tiễn, tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện những chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 7/1936).

Bìa nội dung Hội thảo khoa học "Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế" . Ảnh: Anh Phong

Trở về Huế, cùng với các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Bùi San, Nguyễn Chí Diểu nhanh chóng móc nối với cơ sở, xây dựng phong trào quần chúng, truyền đạt cho các đảng viên cộng sản Thừa Thiên Huế tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Trong thời gian ngắn, trên địa bàn TP. Huế có các tổ chức cộng sản hoạt động dưới hai hình thức công khai và bí mật. Nhóm hoạt động bí mật gồm các đồng chí: Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, Lê Tự Nhiên, Tô Thuyên.

Trong thời gian này, Bộ trưởng Thuộc địa của Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp là Moutet gửi điện thông báo cho phép Nhân dân Đông Dương được tự do đề đạt nguyện vọng trong vòng trật tự và pháp luật. Đảng nắm lấy cơ hội này, chủ trương tiến hành Đại hội Đông Dương nhằm thu thập nguyện vọng của Nhân dân đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa cùng bè lũ tay sai.

Ngày 24/8/1936, đồng chí Nguyễn Chí Diểu chủ trì cuộc họp của những người cộng sản và trí thức yêu nước ở Thừa Thiên Huế tại khách sạn Hương Giang để bàn biện pháp tổ chức Đông Dương Đại hội tại Trung Kỳ. Ngày 20/9/1936, Đại hội toàn kỳ được tổ chức tại trụ sở Viện Dân biểu ở Huế, nhưng đã vượt ra khỏi dự kiến ban đầu của những kẻ khởi xướng âm mưu hướng cuộc vận động vào những mục tiêu cải lương. Trên 500 người ở Huế và các tỉnh đã tới đại hội. Lần đầu tiên trên diễn đàn Viện Dân biểu Trung Kỳ, tiếng nói của giai cấp công - nông - trí thức và những người tha thiết yêu tự do đã vang lên, tố cáo, vạch trần chính sách bóc lột, đàn áp dã man của chế độ thực dân, phong kiến, đòi chính quyền thực dân phải thi hành những quyền tự do dân chủ, cải cách chế độ kinh tế, xã hội. Đại hội đã bầu Ủy ban lâm thời chi nhánh Trung Kỳ của Đông Dương Đại hội gồm 26 người. Trong đó, Huế có 4 đại biểu: Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh.

Sau hội nghị, Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí đảng viên cộng sản tỏa về các địa phương tuyên truyền chủ trương, đường lối, mục tiêu trước mắt của Đảng Cộng sản trong quần chúng nhân dân. Nhờ đó, phong trào đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ ở Trung Kỳ ngày càng mạnh.

Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào, thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã ra lệnh giải tán các Ủy ban hành động, cấm các cuộc hội họp. Đông Dương Đại hội không thành, nhưng những khẩu hiệu “tự do, cơm áo, hòa bình, dân chủ” được đồng chí Nguyễn Chí Diểu và các chiến sĩ cộng sản phát động đã tập hợp được lực lượng đông đảo dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Biểu dương sức mạnh quần chúng

Trước áp lực của dư luận tiến bộ, đầu năm 1937, Chính phủ Pháp cử Justin Godart cầm đầu phái bộ sang Đông Dương điều tra tình hình về quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam và Đông Dương.

Trung ương chủ trương phát động một phong trào đón Godart bằng khí thế của một cuộc động viên quần chúng rầm rộ, rộng rãi khắp ba kỳ, thông qua đó tập hợp mọi tầng lớp xã hội vào một mặt trận thống nhất, chĩa mũi nhọn vào bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai.

Ở Huế, đồng chí Nguyễn Chí Diểu cùng đồng chí Hải Triều và các đồng chí hoạt động công khai, hợp pháp tích cực chuẩn bị kế hoạch đón Godart.

Đúng 10 giờ ngày 26/2/1937, đoàn xe chở Godart tới Huế, hàng ngàn lá đơn được đưa tới, nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ với nội dung: “Hoan nghênh Mặt trận Bình dân”, “Tự do báo chí”, “Tự do nghiệp đoàn”, “Bỏ thuế thân”… được căng lên. Quần chúng diễu hành qua Tòa Khâm với khí thế hào hùng.

Ngày 27/2/1937, 15 đoàn đại biểu các giới do Ban Tổ chức dẫn đầu đến gặp Godart trao các bản Dân nguyện. Bản Dân nguyện với lời lẽ kiên quyết và đanh thép đã nêu rõ tình trạng bi đát của nhân dân Trung Kỳ dưới sự đàn áp, bóc lột của bọn phản động thuộc địa, đồng thời đề nghị Chính phủ Pháp giải quyết 33 vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của nhân dân.

Đợt biểu dương lực lượng đón Godart ở Huế là cao trào oanh liệt trong cuộc vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), đánh dấu bước tiến mới đầy khích lệ về vai trò lãnh đạo của các chiến sĩ cộng sản ở Huế, trong đó, vai trò quan trọng và nổi bật là công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo, điều hành của các chiến sĩ cộng sản như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Thanh, Tôn Quang Phiệt, Lâm Mộng Quang…

Ngày 20/3/1937, các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Lê Duẩn và Phan Đăng Lưu quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ một số tỉnh Trung Kỳ để thành lập Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ do đồng chí Nguyễn Chí Diểu làm Bí thư. Đồng chí Lê Duẩn và Phan Đăng Lưu là Ủy viên Thường vụ. Từ đây, tổ chức đảng ở Thừa Thiên Huế được kiện toàn, là yếu tố quyết định đưa phong trào cách mạng phát triển cao hơn nữa.

Cuối năm 1938, đầu năm 1939, tình hình thế giới chuyển biến phức tạp, nguy cơ chiến tranh phát xít đến gần. Tại Pháp, đảng cấp tiến và đảng xã hội bị phái hữu lấn át, giai cấp tư sản phản động chuẩn bị tấn công vào Đảng Cộng sản và nhân dân lao động, các tổ chức phát xít trỗi dậy. Nhân cơ hội này, bọn thực dân phản động thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Phong trào cách mạng cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng bước vào giai đoạn khó khăn.

Chính vào thời điểm này thì đồng chí Nguyễn Chí Diểu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ lâm bệnh nặng rồi qua đời vào ngày 15/9/1939. Đám tang của đồng chí được tổ chức trọng thể bất chấp sự khủng bố, đàn áp của thực dân Pháp. Thi hài của đồng chí được mai táng tại vườn nhà cụ Phan Bội Châu ở Huế.

TS. Nguyễn Thái Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty cổ phần Bến xe Huế

Sáng 14/4, Công y cổ phần (CP) Bến xe Huế tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập (14/4/1994-14/4/2024). Đến dự có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Hoàng Hải Minh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đơn vị liên quan; các nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Việt Nam và Công ty Bến xe khách các tỉnh, thành.

Kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty cổ phần Bến xe Huế
Lễ Phát động thi đua kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, ngay sau Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2026).

Lễ Phát động thi đua kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Return to top