ClockThứ Ba, 28/06/2016 14:22

Đâu chỉ bằng con đường đại học

TTH - Với nhiều học sinh nông thôn ở Phú Lộc, các em không thi đại học mà chỉ chọn thi tốt nghiệp.

Chọn học nghề

Ghé Trường THPT Phú Lộc (huyện Phú Lộc), cũng là lúc nhà trường đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thi Quốc gia 2016. Năm nay, trường có 292 học sinh tham gia thi; trong đó, 145 em chọn thi đại học tại các hội đồng thi ở TP. Huế và 147 em chọn thi tốt nghiệp ngay tại nhà trường. Quyền Hiệu trưởng Trần Thị Hồng Hạnh chia sẻ, qua khảo sát ý kiến của các em ở các buổi tư vấn chọn ngành nghề, đa số chỉ muốn thi tốt nghiệp xong rồi đi học nghề. So với năm ngoái, tỷ lệ các em chọn thi tốt nghiệp tăng lên đáng kể.

Em Ngô Thị Minh Thư tích cực ôn bài cho kỳ thi

Em Nguyễn Thị Cẩm Tú, Trường THPT Phú Lộc tâm sự: “Chị gái em tốt nghiệp đại học đã 3 năm, nhưng vẫn chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn, phải làm một công việc trái nghề. Em xác định, không nhất thiết phải chọn đại học là con đường lập nghiệp. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, em sẽ học một nghề nào đó dễ có việc làm. Em nghĩ có tay nghề cộng với sự chịu khó sẽ đạt được thành công”.

Năm nay, Trường THPT Vinh Lộc (xã Vinh Hưng) có 395 em dự thi; trong đó, 211 thi đại học còn lại thi tốt nghiệp. Hiệu trưởng Phan Văn Lâu cho hay, nhà trường và các thầy cô chủ nhiệm thường xuyên tư vấn cho các em nên lựa chọn trường học đúng sức, ngành nghề dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. Thực tế, các em cũng đã chủ động hơn khi gần một nửa chọn thi tại nhà trường.

Khi được hỏi nguyên nhân các em chỉ chọn thi tốt nghiệp, nhiều học sinh Trường THPT Vinh Lộc cho biết, có hai lý do chính: sức học ngang mức vừa phải và thi tốt nghiệp xong sẽ chọn học nghề, thời gian đào tạo nhanh, đỡ tốn kém.

Trăn trở

Em Ngô Thị Minh Thư, Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc) chia sẻ: “Nhiều anh chị trong xóm học đại học ra không có việc làm. Đại học là mong ước của em, nhưng học lại sợ tốn kém, ra trường không xin được việc. Vì thế, đợi có kết quả thi xong em mới quyết định ngành học. Giá như nhà trường có tư vấn thì chúng em đỡ phân vân”.

Cô Nguyễn Trần Quý Ngọc, giáo viên Trường THPT An Lương Đông nhận định, các em không “mặn mà” với thi đại học là tình hình chung của nhiều nơi, chứ không riêng ở Trường THPT An Lương Đông. Nhiều em xác định chỉ thi tốt nghiệp nên không cố gắng vươn lên trong học tập, ngang mức vừa phải để thi.

Theo cô Trần Thị Hồng Hạnh, những năm trước, dù có học lực như thế nào, các em cũng muốn thử sức với kỳ thi đại học. Nhiều em biết sẽ khó đậu nhưng cũng muốn trải qua không khí căng thẳng của kỳ thi. Điều này, một phần thể hiện được sự chủ động của các em, nhưng cũng nói lên thực trạng là các em không muốn thi đại học, có tâm lý “sợ” học đại học.

Trong số học sinh tham gia kỳ thi Quốc gia 2016 ở Phú Lộc, gần 50% thi tốt nghiệp là con số không bất ngờ đối với nhiều trường, nhưng nói lên nhiều điều, cần được đưa ra mổ xẻ. Chủ động chọn nghề là đáng khuyến khích, nhưng “an phận” chỉ thi tốt nghiệp kéo theo nhác học, không chịu cố gắng vươn lên trong học tập là điều không nên. Có thể tạo thói quen không cố gắng trong cuộc sống sau này.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top