ClockThứ Tư, 17/01/2018 09:20

Đâu là lực cản tăng trưởng kinh tế năm 2018?

Bên cạnh năng suất lao động thấp thì thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao được coi là những cản trở lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018.

Số hóa, mở rộng thị trường thúc đẩy tăng trưởng tiền lương năm 2018Thị trường bảo hiểm tăng trưởng mạnh trong năm 2017ANZ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,7%Khu vực đồng Euro tăng trưởng nhanh nhất trong một thập niênNỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), kinh tế vĩ mô ổn định cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm thực hiện được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018.

Dù triển vọng tươi sáng nhưng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 vẫn còn phải đối mặt với nhiều rào cản, trong đó có việc chuyển đổi cơ cấu chậm, năng suất lao động thấp, nợ công tăng cao... (Ảnh minh họa: KT)

Báo cáo về kinh tế vĩ mô năm 2017 vừa công bố của VEPR cho thấy, 2017 là năm thành công của kinh tế Việt Nam bởi đây là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra, dù các chuyên gia cũng như các tổ chức không đưa ra nhiều triển vọng lạc quan.

Phụ thuộc ngày càng lớn vào FDI

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, sự tăng trưởng của năm 2017 có một điểm tương đối tiến bộ so với năm 2016, đó là về cơ cấu nội ngành của các ngành kinh tế bắt đầu có sự chuyển dịch. Ví dụ như ngành công nghiệp, khai khoáng giảm xuống về tỉ trọng và tăng tỉ trọng của ngành chế biến, chế tạo.

Bà Lan cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu vô cùng quan trọng, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu của nội ngành. Nhiều năm nay việc "tắc nghẽn" về năng suất lao động là do không chuyển dịch được cơ cấu nội ngành, trong khi chuyển dịch cơ cấu giữa ngành năng suất thấp như nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ không còn nhiều cơ hội.

Năm 2017, xuất siêu lớn của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) góp phần quan trọng mang lại thặng dư thương mại, nhưng cũng đặt ra những lo ngại về tính bền vững của nền kinh tế khi phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng năm 2018, Việt Nam cần sử dụng nhiều hơn nội lực làm động lực cho tăng trưởng. Chính phủ cũng cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi tiêu thường xuyên như các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước.

Việc phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng tạo ra nhiều bất trắc, tiềm ẩn cho nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học và công nghệ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, sự đóng góp của kinh tế nội địa rất thấp và tăng trưởng kinh tế dựa vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quá nhiều. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến vấn đề nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp còn rất thấp.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, năm 2018 là một năm hội nhập, năm bản lề, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do sẽ được thực hiện nghiêm túc và hệ quả là thuế suất hàng nhập khẩu vào Việt Nam sẽ xuống đến mức 0%, gây sức ép rất lớn cho nguồn thu ngân sách.

Ngoài ra, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư đạt 3,4% GDP đã giúp Ngân hàng Nhà nước bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn. Dự trữ ngoại hối cao giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ thúc đấy trăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, điều này đặt ra thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát và trung hòa lượng ngoại tệ này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Năng suất lao động thấp

Nhóm nghiên cứu VEPR cũng chỉ ra nhiều vấn đề nội tại, cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ là lực cản đối với nền kinh tế.  Đó là động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động.

Theo nhóm nghiên của VEPR, những mục tiêu cho năm 2018 có thể đạt được, với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì. VEPR cũng đưa ra dự báo, GDP năm 2018 sẽ đạt mức 6,65%; trong đó quý I/2018 tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 6,02% và lạm phát ở mức 4,41%.

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR chỉ rõ: Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan. Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Lợi thế về lao động giá rẻ sẽ càng ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn, TS. Thành lưu ý.

Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước...

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế ASEAN+3

Thị trường trái phiếu bền vững của các nền kinh tế thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mở rộng 29,3% trong năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và khu vực đồng euro, báo cáo mới vừa công bố ngày 21/3 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết.

Thị trường trái phiếu bền vững tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế ASEAN+3
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Các nước ngoài OPEC+ sẽ dẫn đầu tăng trưởng sản lượng dầu năm 2024

Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tăng trưởng sản lượng dầu và chất lỏng toàn cầu trong thời gian tới chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi các nước ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), dẫn đầu là Mỹ, Guyana, Canada và Brazil, bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+.

Các nước ngoài OPEC+ sẽ dẫn đầu tăng trưởng sản lượng dầu năm 2024
Return to top