ClockThứ Năm, 03/03/2016 15:17

Đầu năm tăng tốc

TTH - Ngay từ đầu năm mới 2016, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp như dệt may, sản xuất đồ gỗ, men Frít, dăm gỗ… huy động nguồn lực mở rộng quy mô sản xuất để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất tại Cty CP Chế biến gỗ. Ảnh: Võ Nhân

Ổn định sản xuất

Khu công nghiệp (KCN) La Sơn trong những ngày đầu năm mới không khí sản xuất khá sôi động và khẩn trương. Sau khi ra quân sản xuất đầu năm vào ngày 15/2, 130 lao động ở Nhà máy sản xuất men Frít của Công ty TNHH Vitto bắt tay ngay vào công việc, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất 30 ngàn tấn sản phẩm, doanh thu 265 tỷ đồng trong năm 2016. “Năm nay, công ty cho nghỉ Tết dài ngày để tổng vệ sinh nhà máy và tạo điều kiện để anh em đón Tết bên gia đình nên bước vào năm mới, chúng tôi bắt tay sản xuất ngay để thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch của công ty đề ra”, chị Dương Thị Lan, công nhân nhà máy nói.

Tại KCN Phong Điền, 2 nhà máy may của Công ty Scavi Huế đang hoạt động hết công suất để thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên 75 triệu USD, tăng 30% so với năm 2015. Ngay từ đầu năm, DN khẩn trương khâu tuyển dụng lao động để đưa vào hoạt động nhà máy may 3 với tổng mức đầu tư 5 triệu USD; đồng thời, xúc tiến đầu tư nhà máy may xuất khẩu tại cụm công nghiệp Hương Sơ, nâng tổng số chuyền may toàn công ty lên 200 chuyền và số lượng lao động sẽ tăng lên khoảng 7 ngàn người.

Nhà máy sản xuất men Frít của Công ty TNHH Vitto ở KCN La Sơn mở rộng quy mô sản xuất ngay từ đầu năm 2016

Giám đốc Công ty Scavi Huế, ông Trần Văn Mỹ cho biết: “Năm 2016 này, DN triển khai nhiều dự án mới nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao giá trị xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm các đối tác sản xuất hàng phụ trợ để liên kết sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu tại chỗ”.

Tại các DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, bia, đan sợi nhựa, chế biến dăm gỗ đóng trên địa bàn tỉnh những ngày này không khí lao động sản xuất cũng hết sức khẩn trương. “Với mục tiêu đề ra trong năm 2016 đạt kim ngạch xuất khẩu 2,2 triệu USD, ngay từ đầu năm DN đầu tư trên 5 tỷ đồng để trang bị một số máy móc hiện đại và thay thế các thiết bị lạc hậu nhằm nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm. Hiện, DN đã ký hợp đồng với đối tác xuất khẩu sản phẩm bàn ghế sân vườn sang châu Âu, châu Úc, châu Mỹ La tinh đến hết quý I/2016”, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế, ông Lê Dương Huy chia sẻ.

Sản xuất tại Cty CP chế biến gỗ tại KCN Phú Bài 2. Ảnh: Võ Nhân

Thêm nhiều nguồn lực mới

Khu công nghiệp Phú Đa những ngày đầu năm 2016 nhiều công trình, dự án xây dựng nhà máy sản xuất đang khẩn trương khởi động. Trong đó, nhà máy may Thiên An Phú sẽ mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm chuyền may để hoàn thành chỉ tiêu doanh thu 100 tỷ đồng; Nhà máy may 4 của Công ty CP Dệt may Huế sẽ khởi công trong quý I và đi vào hoạt động trong tháng 10/2016; nhà máy may Sơn Hà của Công ty TNHH MTV Linh Ngọc sẽ khởi động vào quý I và hoàn thành trong năm 2016.

Năm 2016 này, KCN La Sơn sẽ đón thêm nhà máy mới có tổng vốn đầu tư lên đến 560 tỷ đồng của Công ty TNHH Vitto. Đây là một trong những dự án quy mô lớn, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động. “Tận dụng nguồn nguyên liệu men Frít sẵn có và trữ lượng cát dồi dào của các địa phương trong tỉnh, DN đang đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất gạch ốp lát công suất 12 triệu m2/năm trên diện tích 21ha. Hiện, nhà máy đang xây dựng phần móng, chuẩn bị lắp đặt dầy chuyền và sẽ đi vào hoạt động vào tháng 8/2016”, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH Vitto, ông Trần Hữu Thuận cho biết.

Công ty Scavi Huế chuẩn bị đưa vào hoạt động nhà máy may 3 ở KCN Phong Điền

Công ty CP Dệt may Huế những ngày đầu năm khá tất bật và khẩn trương. Kế hoạch năm 2016 của công ty khá cao, với doanh thu 1.570 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 55 triệu USD và tăng thu nhập cho người lao động. Ngay từ đầu năm, DN triển khai 3 chỉ tiêu, đó là tăng vốn điều lệ, đầu tư các nhà máy mới và tăng cường tìm kiếm thị trường. Để thực hiện các chỉ tiêu đề ra, DN đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng các dự án phục vụ sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, hoàn thành dự án nâng cấp nhà máy sợi 60 ngàn cọc sợi/năm với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng; bổ sung một số thiết bị dệt nhuộm, nâng công suất từ 1.200 tấn lên 1.500 tấn với tổng kinh phí 30 tỷ đồng và đầu tư 5 tỷ đồng nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Dự án khá quan trọng nhằm tăng năng lực cho DN đó là đầu tư 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy may 4 tại KCN Phú Đa quy mô 16 chuyền may, nâng tổng số chuyền may của toàn công ty lên 66 chuyền.

Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế, ông Nguyễn Văn Phong phấn khởi: “Năm 2016, để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, đơn vị tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 70 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh. Với một đồng vốn bỏ ra, DN làm ra 30 đồng doanh thu, nên đây là vấn đề sống còn để giúp DN tăng trưởng nhanh và bền vững. Mặt khác, sẽ tăng dần tỷ lệ làm hàng FOB (mua nguyên liệu - bán thành phẩm) thay thế hình thức gia công nhằm gia tăng giá trị và thu nhập cho người lao động, đồng thời thực hiện liên kết chuỗi sản xuất từ may- sợi- dệt nhuộm đến thiết kế mẫu nhằm gia tăng giá trị sản xuất”.

Bài, ảnh: KHÁNH THƯ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh

Sau thời gian gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ cũng như yêu cầu xuất khẩu vào thị trường EU và một số thị trường khác phải đảm bảo “đơn hàng xanh”, năm 2024 các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng dệt may trên địa bàn tích cực đầu tư nhà xưởng, thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu nên đã phục hồi trở lại và ổn định sản xuất kinh doanh.

Dệt may phục hồi, tăng tốc trong xu thế xanh
Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) của Bộ Y tế trình Chính phủ, một số quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng và bổ sung…

Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế
Mở rộng miễn thị thực để tạo thuận lợi cho du lịch phát triển

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngành du lịch nước ta đang nỗ lực thực hiện mục tiêu trong năm 2024 đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch rất cần những chính sách thị thực mang tính đột phá, cởi mở và thuận tiện hơn nữa cho du khách nước ngoài.

Mở rộng miễn thị thực để tạo thuận lợi cho du lịch phát triển
Return to top