ClockThứ Sáu, 19/10/2018 08:23

Đầu tư cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực

TTH.VN - Trên cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa đăng tải dự thảo Thông tư ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hương Thủy phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đạiTăng trưởng ngành nông nghiệp là điểm sáng của kinh tế Việt Nam

Trên cổng thông tin điện tử  Chính phủ vừa đăng tải dự thảo Thông tư ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo danh mục trên, có 15 sản phẩm nông nghiệp được đề xuất, gồm lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, sắn và sản phẩm từ sắn, sâm, rau quả, lợn, bò thịt, gà, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ… Đây là căn cứ để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng còn có ý nghĩa trong việc xác định lại tiềm năng, thế mạnh và hoạch định hướng phát triển ngành nông nghiệp cả nước nói chung, từng địa phương nói riêng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên thế giới đã có nhiều quốc gia xác định sản phẩm nông sản chủ lực để khuyến khích phát triển. Tuy vậy, hiện chưa có bộ chỉ số thống nhất nào để xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực giữa các quốc gia trên thế giới. Qua tổng quan kinh nghiệm quốc tế, có bốn nhóm tiêu chí chính mà hầu hết các nước đều sử dụng để xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của mình, bao gồm: Nhóm tiêu chí về kinh tế; nhóm tiêu chí về xã hội; nhóm tiêu chí về môi trường; nhóm tiêu chí về sản phẩm ưu tiên phát triển.

Nhìn vào thực tế chúng ta thấy, nhiều quốc gia đã thành công trong việc xác định và đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; thậm chí trở thành thương hiệu quốc gia. Chẳng hạn, nhắc đến hoa tuy líp là mọi người biết đến Hà Lan, tương tự là rượu vang của Pháp, thịt bò của Úc… Việt Nam chúng ta cũng có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng được thế giới biết đến như gạo, cà phê, chè, điều, cá tra, tôm… Chưa bàn đến mức độ nổi tiếng nhưng rõ ràng các sản phẩm nông nghiệp là “cứu cánh” cho rất nhiều địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích sẽ có rất nhiều vấn đề cần làm để những sản phẩm này phát triển bền vững và ngày càng nâng cao giá trị, đóng góp lớn hơn nữa vào phát triển nền kinh tế của đất nước.

Với Thừa Thiên Huế, tuy ngành nông nghiệp chỉ có mức tăng trưởng trên dưới 2,74%/năm, đóng góp khoảng 11,6% trong GRDP của tỉnh (số liệu 2017), nhưng giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, không ngành nào có thể thay thế được. Thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/05/2016 ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020.

Tại đối thoại trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh tháng 6/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt trên 3,5%/năm theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020, tỉnh có nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm chính có lợi thế để lập dự án làm cơ sở đầu tư phát triển… Như vậy, việc nhận diện, xác định, lựa chọn sản phẩm nào để đầu tư phát triển đã được đặt ra và đang được xem xét cụ thể. Đây là điều không quá khó khi dựa vào thế mạnh từng vùng và không ít sản phẩm đã đứng được trên thị trường như: trồng cây lấy gỗ, cây công nghiệp, cây lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm, cá, rau màu các loại…

Vấn đề còn lại là cần xây dựng chính sách khuyến khích cụ thể với từng loại sản phẩm; giải quyết bài toán dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đây là những khâu quan trọng trong việc gỡ “nút thắt” để thu hút các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ đó tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, chế biến phát triển.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Return to top