ClockThứ Hai, 24/07/2017 14:05

Đầu tư vào nông nghiệp loay hoay trong giấc mơ ngàn tỷ

Các doanh nghiệp nông nghiệp của Việt Nam đang loay hoay mơ giấc mơ ngàn tỷ bởi những rào cản chính sách khó vượt qua.

Đơn thương

Chọn nông nghiệp để kinh doanh đã là cách chọn khó, nhưng ông Đinh Hải Lâm, một trong người sáng lập viên Công ty cổ phần Cacao Intercontinental Corporation (CIC) còn chọn con đường khó hơn.

Doanh nghiệp nông nghiệp đang muốn cơ cấu lại, nhưng thiếu nền tảng chính sách phù hợp. Ảnh: Đức Thanh

Năm 2015, CIC được thành lập, trở thành doanh nghiệp đầu tiên đầu tư công nghệ cao trong trang trại ca cao tại Đắk Lắk. Mục tiêu của CIC – theo những người sáng lập – là để tạo nên mô hình gắn kết trong chuỗi sản xuất hàng hóa hiện đại, cơ sở để việc cây ca cao phát triển bền vững. Trong mô hình này, CIC là hạt nhân, cung cấp kỹ thuật, công nghệ, bao tiêu đầu ra, hỗ trợ tín dụng; các nông hộ là vệ tinh thực hiện trồng và chăm sóc ca cao theo đúng quy cách. Đến thời điểm này, CIC đang đầu tư trồng khoảng 2.000 ha ca cao.

“Công ty gần như không có một sự hỗ trợ nào. Chúng tôi đã tự bỏ cả chục tỷ đồng kéo điện, làm đường… Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hỗ trợ thế nào, đến đâu, làm thế nào để được hưởng thì chúng tôi chưa biết”, ông Lâm nói.

Ông Lâm không phải là người mới trong lĩnh vực này. Trước khi góp vốn thành lập CIC, ông đã có 10 năm kinh nghiệm trong ngành ca cao, từng là Giám đốc Phát triển Ca cao Việt Nam của Công ty Mars Inc. Việt Nam, nên ông thực sự nhìn thấy tiềm năng lớn của cây trồng này cũng như mô hình liên kết chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và các nông hộ.

“Doanh nghiệp phải là trọng tâm, chủ thể trong đầu tư phát triển nông nghiệp, song không được bỏ qua nông hộ. Nhưng để doanh nghiệp tự hài hòa mối quan hệ này rất khó”, ông Lâm chia sẻ mối trăn trở bấy lâu.

Những người ngồi nghe ông Lâm tâm sự là thành viên của Nhóm công tác về nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) trước thềm cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 31/7 tới. Với họ, tâm sự này không mới.

Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc điều hành Công ty Profarm Việt Nam, với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp hẳn cũng buộc phải nhắc lại 28 bức thư điện tử gửi tới 28 tham tán thương mại của Việt Nam tại 28 nước trong khối EU.

“Đó là năm 2012. Khi đó, tôi chỉ nhận được duy nhất 1 bức thư hồi đáp từ vị tham tán thương mại Việt Nam ở Hà Lan. Việc đã lâu, nhưng nói thẳng, doanh nghiệp khi bước ra thị trường thế giới rất cần một trái tim vì đất nước từ tham tán thương mại Việt Nam ở các nước, nhưng quan hệ này vẫn rất hành chính”, ông Hà nói.

Vấn đề ở chỗ, trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng rào phi thuế quan ở các nước rất phức tạp, nếu không có bàn tay hỗ trợ từ cơ quan thương mại, doanh nghiệp rất khó mở đường vào những thị trường này.

“Chúng tôi cần cả thông tin từ bên ngoài và các cam kết mà Chính phủ Việt Nam ký với các nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện tại, thông tin này thường đến doanh nghiệp rất muộn, rất khó xây dựng chiến lược chủ động chuyển dịch hay đối phó với hàng hóa các nước”, ông Hà nói.

Giấc mơ ngàn tỷ

Khoản doanh thu hàng triệu euro trong 1 năm từ 1,5 ha húng quế của một doanh nghiệp tại Hà Lan đang là giấc mơ không quá xa của ông Nguyễn Văn Hà.

Ông Hà kể, khi thăm quan mô hình này, ông Hà cho rằng, với các sản phẩm nông sản đặc sản giá trị cao của Việt Nam, cộng với công nghệ trồng trọt, chế biến hiện đại, ông đã nghĩ tới những doanh nghiệp nông nghiệp có lợi nhuận ngàn tỷ đồng ở Việt Nam.

“Tôi đang tâm đắc với mô hình này, nhưng thực sự không biết nên làm hay không”, ông Hà nói.

Lý do cũng dễ hiểu. Với mô hình này, doanh nghiệp sẽ cần diện tích đất lớn dành cho canh tác. Song nhu cầu này đã bị cản trở bởi quy định về hạn điền, chính sách về chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp…

Ông Hà kể, như Profarm đang có kế hoạch xây dựng nhà máy bài bản, cần 3.500 m2 đất, nhưng ở ngoài khu công nghiệp thì không có đất, trong khu thì chi phí cao, có khi đầu tư nhà xưởng xong thì hết vốn cho sản xuất.

“Tại sao chúng ta không có quy hoạch các khu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các chi phí vừa sức. Tôi đã đến Malaysia, thấy họ có mô hình này, đầu tư hạ tầng hoàn thiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê”, ông Hà đề xuất.

Nhưng để làm được việc này, mấu chốt cần gỡ, theo các doanh nghiệp, là phải xác định rõ doanh nghiệp là chủ thể, trụ cột trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc thay đổi hệ thống chính sách liên quan tới quy mô đầu tư, vốn cho nông nghiệp, đầu tư tư liệu sản xuất và tích tụ đất đai…

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó chủ tịch Nhóm Công tác nông nghiệp của VPSF, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung khuyến nghị, việc cần làm ngay là gỡ hạn điền, xây dựng cơ chế chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với tình hình mới của thị trường, vùng miền và cả biến đổi khí hậu.

Ông Hoàng Anh đặc biệt nhấn mạnh tới khuyến nghị về trao quyền cho doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cả trong nước và nước ngoài.

“Tôi dự nhiều hội chợ do các cơ quan xúc tiến của Nhà nước tổ chức ở nước ngoài, nhiều gian hàng chỉ bắt mắt mà không chất lượng. Không có những câu chuyện về sản phẩm Việt Nam để kể cho khách hàng thế giới. Nhưng nếu để doanh nghiệp làm, vẫn khoản ngân sách đó, tôi tin là sẽ khác vì doanh nghiệp buộc phải thuyết phục khách hàng để bán hàng”, ông Hoàng Anh nói.

Có lẽ giấc mơ ngàn tỷ của các doanh nghiệp nông nghiệp không quá xa, nhưng đúng như ông Hoàng Anh chia sẻ, phải có nền tảng chính sách phù hợp thì ngành nông nghiệp mới tái cơ cấu được.

“Hiện tại muốn làm cũng rất khó vì vướng nhiều quy định không xử lý được”, ông Hoàng Anh nói.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top