ClockThứ Ba, 11/02/2014 13:28

Đầu xuân thăm vườn Truồi

TTH - Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, chúng tôi về thăm lại miệt vườn xứ Truồi, nơi một thời nổi tiếng với “mít ngọt, dâu thơm” thuộc hai xã Lộc Điền và Lộc An của huyện Phú Lộc.

Dâu tiên xứ Truồi!

Ông Phan Tư, thôn Đông Xuân- Lộc Điền (trái) đang giới thiệu vườn cây dâu tiên cho khách

Những ngày đầu năm mới, đường sá ở Truồi khá sạch sẽ, khang trang. Thong dong dọc con sông Truồi, men theo những tuyến bê tông còn phản phất mùi xi măng ở thôn Đồng Xuân, Lộc Điền, chúng tôi được anh Tôn Thất Lợi, Chủ nhiệm HTX NN Đồng Xuân giới thiệu, xứ Truồi là địa danh được thiên nhiên ưu đãi vì có nguồn đất màu mỡ, có mạch nước sông Truồi quanh năm xanh mát đã tưới tắm cho vườn tược, ruộng đồng nơi đây tốt tươi, hoa trái sum suê so với nhiều nơi khác. Vườn Truồi có hai bờ, bắc và nam sông Truồi. Phía nam có gần 100 ha vườn nằm ở thôn Đông Xuân, Lương Điền Thượng, Quê Chữ, Bạch Thạch... thuộc xã Lộc Điền; còn ở phía bắc thuộc xã Lộc An có nhiều vườn cây lâu niên nổi tiếng ở thôn Nam Phổ Cần, Nam Phổ Hạ, Phước Mỹ, Phước Trạch... Những vùng đất này thích hợp với những loài cây ăn quả như dâu, mít, ổi, thanh trà, cam, bưởi...

Ghé vào thăm khu vườn của bác Phan Tư, thôn Đồng Xuân, chúng tôi mê mẩn trước vườn cây xanh sum suê, dào dạt trong nắng xuân. Bác Tư năm nay đã vào tuổi thất thập, nhưng vẫn dẻo dai, mạnh khỏe nhờ hàng ngày cần mẫn, chăm chỉ với công việc vườn tược. Bác đưa tôi ra vườn, giới thiệu từng loại cây trái mà đặc biệt là cây dâu tiên gắn bó với gia đình hơn 100 năm nay (thời bố mẹ bác trồng). Theo lời bác Tư, nói đến Truồi là nhớ đến cây dâu tiên. Cây dâu tiên được trồng ở nhiều nơi, nhưng không đâu ngon ngọt, thanh như dâu ở Truồi. Đã nhiều lần người dân lấy giống và chở đất ở Truồi đi trồng ở nơi khác, cây dâu vẫn sống khỏe, nhưng không hiểu sao lại cho trái chua lét. Ngày trước, trái dâu tiên ở xứ Truồi là để tiến vua và chỉ để thờ cúng, làm quà biếu người thân họ hàng vào ngày lễ, tết. Cứ độ giêng hai, hoa dâu bắt đầu nhú chồi mọc từ gốc đến ngọn, sau đó nở trắng xóa cho trái kín thân. Cùng với dâu là mít, thanh trà, ổi, xoài tạo nên thương hiệu miệt vườn cây trái xứ Truồi cung cấp đi khắp mọi nơi. Đến nay, xứ Truồi vẫn còn lưu câu ca: “Xứ Truồi mít ngọt thơm dâu/ Anh đi làm rể ở lâu không về...” là như thế.
 
Anh bạn thời học đại học với tôi thông tin, dù xứ Truồi đã từng nổi tiếng là miệt vườn nhưng đang bị lãng quên. Năm, bảy năm trước, vườn ở đây bị thoái hoá và mất dần. Cây dâu tiên cũng thưa vắng, nhiều chủ nhân không còn thiết tha chăm bón như xưa. Nhiều ngôi vườn được xem là mẫu mực nhất chỉ còn lại đôi ba cây. Những vườn mít ngày nào sum suê trĩu quả, hương thơm ngọt bay xa, giờ đi vào các vườn tìm những cây đẹp, khoẻ đến mỏi cả mắt cũng không ra. Chính chúng tôi tìm hiểu lý do ấy từ một vài người thân quen biết nhưng chỉ nhận những tiếng cười qua quýt và những lời chúc đầu xuân mới.
 
Vườn Truồi sẽ hồi sinh
 
Nhẩn nha vui xuân cùng bạn ở xứ Truồi, chúng tôi dành thời gian trò chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Lộc Điền- Trần Quang Anh. Bí thư Anh chia sẻ, vườn Truồi không còn trù phú như ngày xưa, bởi một phần do chiến tranh tàn phá; mặt khác, do tư tưởng của người dân thích “ăn xổi” nên không mấy thiết tha với các loại cây lâu niên. Song theo chúng tôi, ngày nay việc trồng các loại cây ăn trái thích hợp với xứ Truồi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong số hàng chục ha vườn hiện nay, hầu hết bị thoái hoá dần bởi người dân chưa biết cách nhân giống, chiết cành khi cây dâu, cây thanh trà, cây măng cụt... lão hoá, cằn cỗi. Có mấy nguyên nhân mà bà con ở đây chưa làm được một cách đồng bộ đó là thiếu vốn, giống và chưa am hiểu về kỹ thuật cải tạo vườn. Nhiều người tiếc rẻ khi phải chặt những cây lâu niên để thay thế những cây giống mới. Ngoài cây dâu tiên, việc nhân rộng mô hình cây thanh trà, bưởi, măng cụt.. cũng rất cần đến sự quan tâm của các nhà khoa học. Việc phục hồi một số cây có giá trị kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều hộ quay sang trồng một số cây ngắn ngày như rau màu, củ quả. Theo lý giải của bà con, hướng đi ấy dễ làm, dễ bán và chi phí đầu tư rất ít. Quanh năm đều có sản phẩm bán ở chợ.
 
Mới đây, bên cạnh những gia đình thích trồng cây ngắn ngày, lại có những con người cần mẫn chăm chỉ tạo dựng lại thương hiệu trái ngon, quả ngọt cho xứ Truồi. Họ đang quy hoạch cải tạo vườn cây ăn quả trong đó có cây dâu tiên, thanh trà, ổi, xoài, măng cụt... Anh Tôn Thất Lợi là một trong những điển hình bắt tay khôi phục miệt vườn xứ Truồi. Về xã Lộc Điền hay Lộc An, những địa phương này đều đã thành lập hội làm vườn. Với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, hội đã phát huy vai trò cùng các tổ chức đoàn thể xã hội đứng ra tín chấp vay vốn, đầu tư giống, tập huấn kỹ thuật chăm bón... Mỗi địa phương đều xây dựng đề án quy hoạch phát triển vườn. Mỗi năm, cải tạo và phát triển với diện tích trung bình mỗi gia đình từ 1.000 m2 đến 1.500 m2 vườn cây ăn trái.
 
Nhiều năm nay, xã Lộc Điền đặt ra vấn đề cải tạo vườn tạp, phục hồi cây có giá trị kinh tế cao như thanh trà, mít, dứa, tre lấy măng... tập trung ở các thôn Đông Xuân, Lương Điền Thượng, Bạch Thạch. Có nhiều khu vườn được quy hoạch rất bài bản, học tập kỹ thuật chăm sóc cải tạo bón phân và cách chiết, cùi để nhân rộng, phát triển cây dâu tiên, thanh trà đan xen với cây măng cụt, cam, bưởi... Điển hình có các hộ ông Trần Trọng Sĩ, Hoàng Trọng Hối, Huỳnh Thị Mửu...(Lộc Điền). Tuy đến nay, việc khôi phục phát triển vườn cây ăn quả ở Truồi chưa nhiều, nhưng với sự quan tâm, nỗ lực của chính quyền, người dân địa phương đã tạo tín hiệu vui, có sức lan tỏa mới, làm sống lại thương hiệu vườn Truồi.
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

TIN MỚI

Return to top