ClockThứ Bảy, 25/12/2021 06:15

Dạy học linh hoạt & đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường

TTH - Học sinh ở các địa phương đã bắt đầu đi học trở lại. Vấn đề mà phụ huynh lo lắng là đảm bảo an toàn cho các em trong mùa dịch cũng như giảm tải chương trình, linh hoạt trong kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ. Trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin:

Học sinh THCS trên địa bàn TP. Huế trở lại trường vào ngày 20/12Học sinh các trường trung học phổ thông đi học trở lại sau thời gian học trực tuyến

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo  Ảnh: HỮU PHÚC

Với nguyên tắc chỉ đạo dạy và học theo các màu đỏ, cam, vàng, xanh thì giải pháp đó là hợp lý. Dạy học trong thời gian dịch diễn ra sẽ được chuyển đổi linh hoạt giữa trực tiếp, trực tuyến, đồng thời bảo đảm học sinh có thể dừng đến trường nhưng không dừng học và chương trình học được diễn ra liên tục không bị ngắt quãng.

Khi học sinh trở lại trường, phụ huynh lo nhất là liệu các cháu có thể trở thành F0. Ngành có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho học sinh?

Toàn tỉnh hiện có 568 trường học (từ mầm non đến phổ thông); trong đó, có 328 trường đang dạy học trực tiếp và 240 trường đang học online, học trên truyền hình. Để đảm bảo cho việc dạy học diễn ra bình thường và đảm bảo chương trình năm học, ngành giáo dục thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở cơ sở và giao ban trực tuyến, ban hành 80 văn bản hướng dẫn trong công tác dạy học cũng như đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tạo sự ổn định trong đội ngũ giáo viên và học sinh.

Việc mở cửa trường học được thực hiện theo từng bậc học, từng khu vực với phương châm an toàn của học sinh là hàng đầu. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và khó lường, quyết định mở cửa trường học được các địa phương xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ vắc-xin với học sinh. Hiện, toàn tỉnh có 21.108 giáo viên (98,73%) đã tiêm đủ 2 mũi và hơn 90.000 học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi (97,04%) đã tiêm 1 mũi vắc-xin và tiếp tục kế hoạch tiêm mũi 2. Tất nhiên khi mở cửa trường, giáo viên và học sinh phải tuân thủ 5K. Các đơn vị trường học tạm chưa tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và tổ chức các hoạt động dạy học tăng cường ngoài chương trình chính khóa; tổ chức học một buổi đối với các khối lớp trước đây có tổ chức bán trú…

Mở cửa trường học là việc tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Không địa phương nào có thể khẳng định mở cửa trường học an toàn tuyệt đối, không ca lây nhiễm. Việc dạy học thông qua phương tiện công nghệ, dù cố gắng mấy cũng không thể bù đắp được sự thiếu hụt rơi rớt kiến thức của học sinh và các em cũng không thể ở nhà mãi. Do vậy, để trường học mở cửa an toàn, cần sự vào cuộc, chung tay của cả phụ huynh và nhà trường.

Quá trình dạy học, chúng tôi yêu cầu học sinh giãn cách theo phạm vi lớp với lớp. Do đó, khi xuất hiện ca F, chỉ tạm thời đóng cửa lớp học, chuyển sang học trực tuyến, học sinh các lớp còn lại vẫn tiếp tục học bình thường. Khi phát hiện có F0 sẽ khoanh vùng hẹp, truy vết nhanh, khử khuẩn khẩn trương, đóng cửa theo phạm vi từng lớp thay vì toàn bộ trường học là cách mà ngành giáo dục tỉnh đang triển khai thời gian qua để duy trì việc dạy học kể cả những khu vực xuất hiện dịch bệnh.

Qua thực tế dạy học của tuần vừa qua dành cho các khối 10, 11, 12 (trở lại trường từ ngày 13/12) rất ít xảy ra lây lan F0 trong lớp và trong trường. Hầu hết các ca F0 xuất hiện đều có yếu tố từ gia đình, sau khi phát hiện đã tổ chức tầm soát diện hẹp vẫn khu trú được yếu tố phát sinh lây nhiễm.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành có điều chỉnh giảm tải chương trình trong năm học 2021 - 2022?

Trên cơ sở các văn bản của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đào tạo phải chỉ đạo các tổ chuyên môn/nhóm chuyên môn xây dựng lại, phân phối chương trình, kế hoạch dạy học của từng môn học phù hợp với điều kiện của đơn vị để tổ chức dạy học. Khi học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục dành từ 1 đến 2 tuần ôn tập kiến thức, tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập trên truyền hình, qua internet. Từ đó, hướng dẫn giáo viên tinh giản nội dung cũng như điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa kiến thức đã học nhằm tối ưu thời gian dạy học trong chương trình theo quy định.

Ngành GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch thời gian năm học; trong đó, lưu ý tận dụng tối đa “thời gian vàng” là thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, đồng thời giảm các hoạt động ngoại khóa, linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học, trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học. Phụ huynh hoàn toàn yên tâm khi đảm bảo đủ các điều kiện cho các em không học trực tiếp trên lớp thì cũng có chương trình học online và trên truyền hình; quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học trước ngày 31/5, không để ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Các thầy cô giáo thời gian qua đã rất tâm huyết, năng động và không ngại khó, đang thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến. Đội ngũ này sẽ tiếp tục phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy trực tuyến và trực tiếp.

Liệu tình hình dịch bệnh có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chương trình phổ thông mới không, thưa ông?

Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở lớp 2 và lớp 6 và năm thứ 2 đối với lớp 1. Ngành giáo dục xây dựng kịch bản dạy trên truyền hình cho học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 nhằm giúp các em tiếp cận chương trình tốt nhất. Khó khăn lớn nhất vẫn là học sinh lớp 1 đang học trên truyền hình, các trường sẽ tăng cường công tác hỗ trợ cho các em khi đi học trở lại.

Xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ lâu dài, vì vậy ngành giáo dục đã thực hiện tốt chuyển đổi số để thích ứng với điều kiện tình hình mới. Cụ thể, từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ nhất, sở đã tổ chức các hình thức thi, kiểm tra và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. 

Ngành giáo dục đang tập trung xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho toàn ngành. Những bài giảng sẽ được giáo viên dạy giỏi, có chuyên môn tích hợp tốt nhất, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đó chia sẻ với các thầy cô ở vùng khó khăn, chưa có điều kiện tâp huấn. Với nền tảng này, sẽ giúp cho ngành giáo dục yên tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Không phải nơi nào cũng đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin. Vậy, bài toán này sẽ được giải quyết như thế nào?

Hiện, bất cập của học trực tuyến là sóng internet bao phủ chưa hết, nhất là vùng sâu vùng xa, thiết bị học tập của học sinh còn thiếu. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi tất cả các thầy, cô giáo, các doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện hỗ trợ cho ngành giáo dục máy tính, điện thoại cũ, mới trang bị cho các em, cố gắng phủ sóng hết tất cả các vùng còn đang thiếu sóng internet. Sở GD&ĐT cũng đã thống kê số học sinh không có phương tiện học tập trực tuyến trên cả tỉnh. Để giải quyết bài toán này, về phía Sở GD&ĐT cũng đã phát động kêu gọi giáo viên trong toàn ngành hỗ trợ ngày lương và vận động quyên góp máy cũ hoặc máy mới cho các em học sinh không có thiết bị.

Trong những trường hợp chưa đáp ứng được điều kiện học tập, nhà trường đã chia ra những nhóm nhỏ để dạy. Khi học sinh trở lại trường, mặc dù được học trực tiếp nhưng vẫn còn nhiều học sinh phải nghỉ do bị ảnh hưởng F0, F1 hoặc vùng đỏ, nhà trường phải linh hoạt trong bố trí lớp học; tổ chức song hành dạy học trực tiếp và online, trực tiếp và truyền hình để đảm bảo trong mọi trường hợp học sinh vẫn theo được chương trình. Không để xảy ra tình trạng học sinh bị bỏ rơi trong tình hình phòng, chống dịch.

Công tác kiểm tra giữa học kỳ, kết thúc học kỳ… sẽ được tổ chức theo hình thức nào?

Ngành giáo dục sẽ linh hoạt bố trí thời gian lịch thi, kiểm tra hợp lý, và phù hợp theo từng diễn biến địa bàn bị ảnh hưởng dịch; tranh thủ thời gian vàng để kiểm tra trực tiếp trên lớp; chỉ kiểm tra online trong trường hợp bất khả kháng không thể tổ chức học sinh đến trường được. Chúng tôi cũng  chỉ đạo linh hoạt theo tình hình từng trường, địa phương không nhất thiết phải đại trà tổ chức toàn huyện hoặc toàn tỉnh, miễn sao đánh giá được sự tiến bộ của học sinh.

Xin cảm ơn ông!

HUẾ THU (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

Từ khi mô hình camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) được triển khai ở Phong Điền đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn

TIN MỚI

Return to top