ClockThứ Ba, 29/03/2016 06:31

Dạy kỹ năng sống

TTH - Với đam mê và trách nhiệm, những thầy cô giáo thuộc Trung tâm Hoàn Năng (TP Huế) đã “cháy hết mình” trong từng tiết “học mà chơi, chơi mà học” .

Dạy cho các em biết bày tỏ

Tiết học kỹ năng sống tại Trường tiểu học Phú Hòa (phường Phú Hòa, TP Huế), khi thầy giáo Võ Văn Phương và cô Nguyễn Thị Hoài Thanh, trong những chiếc áo đồng phục màu vàng cam, tươi cười bước vào, các cô cậu học trò lớp 3/1 đồng loạt đứng dậy vỗ tay. Hai giáo viên bước tới đứng ngay ngắn trên bục giảng, cả lớp đồng thanh “chúng em chào thầy cô ”.

Món quà học trò trường tiểu học Phú Hòa làm tặng mẹ

Cô Thanh mở đầu: “Hôm nay chúng ta học kỹ năng bày tỏ cảm xúc với người thân. Các bạn sẽ có những lời chúc và quà tặng gửi đến ai trong những dịp nào nào”?. “Dạ thưa cô, chúc mẹ, bà ngoại, chị gái trong dịp 8/3 và 20/10 ạ”. Cô giáo: “Đúng rồi. Các dịp đó chúng ta sẽ có lời chúc tốt đẹp đến những người phụ nữ thân yêu của mình. Vậy các bạn có chúc ba không”? Học trò: “Dạ không ạ.” “Tại sao”? Tại vì ba là đàn ông ạ”. Giáo viên và học trò cùng cười ồ lên vui vẻ. Cô giáo: “Vậy các bạn sẽ chúc ông, ba, anh em trai trong dịp nào?”. Trò đồng thanh: “Dạ trong dịp sinh nhật ạ”. Sau đó mỗi em bắt đầu hí hoáy viết lời chúc và tự tay trang trí tấm thiệp tặng người thân sao cho thật đẹp.

Cô bé Giáng Mi viết: “Con chúc mẹ vui vẻ, sống lâu trăm tuổi, có nhiều hạnh phúc. Mẹ luôn là cuộc đời của con. Con yêu mẹ”. Mẹ Bảo Tiến bán hoa tươi ở chợ nên cậu “nhóc” nắn nót: “Con chúc mẹ bán được thật nhiều, con qua chợ thấy hoa bán hết, con rất là vui”. Cô bé Minh Thư thì chúc mẹ ngày càng xinh đẹp hơn. Một cậu “nhóc” khác chúc mẹ dồi dào sức khỏe, luôn vui vẻ. Cậu hứa với mẹ là sẽ nghe lời thầy cô và cố gắng học tập.

Cô Thanh gợi ý: “Bây giờ cô đóng vai mẹ, bạn nào xung phong lên tặng quà và chúc mẹ nào”. Sau “khoảng lặng” ngắn, một cánh tay mạnh dạn đưa lên. Thầy giáo Phương hóm hỉnh khích lệ: “Tốt quá, bạn đầu tiên xung phong là bạn nữ. Các bạn nam thì sao? Tay những bạn khác đâu rồi nào”?. Nhiều cánh tay đưa lên. Cậu học trò nhỏ đến trước “mẹ”, hai tay đưa tặng tấm thiệp em vừa trang trí xong. Cô giáo “nhắc bài”: “Khi tặng mẹ tấm thiệp bạn sẽ nói gì nào”? Học trò bẽn lẽn: “Con tặng mẹ. Con yêu mẹ”. Cô giáo quay lại với cả lớp: “Những lời nói rất đáng yêu phải không? Các bạn vỗ tay cho bạn mình nào”. Trong tiếng vỗ tay rào rào, cậu học trò cười tươi hết cỡ, tự tin hẳn lên.

Giờ học kỹ năng sống tiếp theo của các bạn khối lớp 5, thầy Phương đứng vị trí giáo viên chính, “rèn” cho các em kỹ năng nói trước tập thể, đứng trước lớp nói 8-12 câu về chủ đề gia đình, nhà trường, xã hội. Sau hai phút chuẩn bị, có bạn được giáo viên chỉ định lên bục giảng, lúng túng bật khóc. Thầy, cô động viên mãi mới nói những câu ngắt quãng. Thầy giáo Phương khích lệ, những bạn này đã có cố gắng hơn trước rất nhiều, giờ học sau rèn luyện tiếp, các em sẽ tự tin để nói trước đám đông. Nhiều bạn xung phong nói khá lưu loát, nhận được khen thưởng là tiếng vỗ tay rào rào.

Khơi gợi sự tự tin

Tiết học trôi qua thật nhanh trong sự tiếc nuối của các bạn học trò nhỏ. Trong khi đó, giáo viên lại nhanh chóng di chuyển qua lớp khác, hoặc trường khác để “truyền” cho các em những kỹ năng sống (kỹ năng lễ phép với người lớn, kỹ năng xây dựng bầu không khí lớp học, kỹ năng gọn gàng ngăn nắp, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giữ gìn vệ sinh thân thể, kỹ năng quan tâm chia sẻ…). Với các tiết hoạt động ngoài giờ như thế này, khi thầy, cô giáo đứng trước học trò, bao giờ các em cũng “có quyền” tiếp nhận những nét mặt tươi cười, những bước đi nhanh nhẹn toát ra sự năng động, cách nói chuyện dí dỏm và cả những “cú đá lông nheo” hài hước... Những điều đó là “nam châm” thu hút sự yêu thích của lũ học trò nhỏ, lôi cuốn các em “nhập vai” vào bài học một cách tự nhiên.

Cùng với “phần nổi” phải trau dồi mỗi ngày, các giáo viên chăm chút tỉ mẫn soạn từng trang giáo án, chuẩn bị kỹ lưỡng các đồ chơi- dụng cụ cho từng tiết học. “Quá trình tiếp xúc, chúng tôi luôn quan sát, tìm hiểu, nắm bắt tình cảm, tính cách mỗi em để có sự điều chỉnh theo từng “cung bậc” cho phù hợp, mới có thể tạo hiệu ứng tích cực. Đối với những em sống khép kín, quá rụt rè hoặc quá “cá tính”, chúng tôi phải đầu tư thời gian và lòng kiên nhẫn nhiều hơn”. Cô giáo Đặng Thùy Trâm tâm tư. Thầy Huỳnh Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hòa cho biết, những hoạt động gần gũi với học sinh, thông qua các tiết dạy sinh động, bài bản…, giáo viên của trung tâm đã tạo thói quen tốt, rèn kỹ năng cơ bản cho các em. Sau hai năm được học kỹ năng sống, các em tự tin hơn, ngoan ngoãn hơn, biết tự chăm sóc mình hơn và biết giúp đỡ cha mẹ…

 Theo cô Hương Giang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hậu, học sinh của trường rất thích các tiết học kỹ năng sống. Giáo viên thường được các em chào đón bằng những tràng vỗ tay. Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phú cũng rất phấn khởi khi học sinh trường mình có những chuyển biến trong giao tiếp, nề nếp. Chứng tỏ công sức và tâm huyết mà các giáo viên trung tâm Hoàn Năng đã đưa đến hiệu quả. Mẹ của Ngọc Nhi, cô học trò lớp 3 (Trường tiểu học Phú Hòa) bày tỏ, chị đã rất vui khi đứa con gái vốn rụt rè nhút nhát trở nên tự tin. “Tôi hạnh phúc đến sững sờ, mọi mệt nhọc như tan biến khi một lần cháu cầm tay tôi nói “mẹ vất vả quá, con thương mẹ”. 

  “Tiến bộ của các em là niềm vui lớn lao của mỗi giáo viên và toàn bộ đội ngũ thuộc trung tâm, là sự “đền đáp” dành cho lòng yêu nghề, yêu học trò. Điều này cũng là động lực để chúng tôi thực hiện công việc tốt hơn nữa. Hành trang càng dày dặn, các em càng tự tin bước trên đường dài”. Cô Nguyễn Thị Hoài Thanh chia sẻ. Đó cũng là tâm tình của cô giáo Đặng Thùy Dung, Phan Thị Diệu Tâm, thầy giáo Trần Cao Quanh…, những giáo viên trẻ trung, khơi gợi học trò bắt nhịp với các kỹ năng bằng đam mê và trách nhiệm.

Theo chị Phan Thị Mai Chi, đại diện Trung tâm Hoàn Năng: Trung tâm thành lập đến nay đã 4 năm, có 40 giáo viên. Hiện trung tâm thực hiện hợp đồng với 13 trường trên địa bàn tỉnh, dạy kỹ năng sống cho học sinh cấp tiểu học. Giáo viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm sau khi tuyển dụng, được trung tâm đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ “truyền” kỹ năng sống…

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng sống

Những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong đầu năm 2023 với nạn nhân là trẻ em cho thấy, trẻ em trong thời đại hiện nay đang quá thiếu về kỹ năng sống.

Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng sống
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thừa Thiên Huế đặc biệt chú trọng giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống (KNS) cho học sinh gắn với thực hiện Thông tư 04/2014/TT - BGD về quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của Bộ GD&ĐT (gọi tắt là Thông tư 04).

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Return to top