ClockThứ Hai, 20/07/2015 18:35

Đẩy lùi xe quá tải

TTH - Từ khi lực lượng liên ngành (gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và thanh tra giao thông) triển khai đợt cao điểm kiểm soát tải trọng xe, lượng xe tải, xe ben chạy thường ngày trên đường có dấu hiệu giảm. 

Xử lý nghiêm những trường hợp xe quá tải trọng

Án binh vì siết chặt cân tải trọng

Trung tuần tháng 7/2015, chúng tôi có mặt ở khu vực trạm cân phía bắc (được bố trí tạm thời ở Trung tâm Đăng kiểm - phường Tứ Hạ, TX Hương Trà) đầu đường tránh TP Huế. Thường ngày, đứng ở đây chúng tôi chứng kiến các loại xe, nhất là xe tải, xe ben, xe đầu kéo nườm nượp qua lại, nhưng hôm nay thưa hẳn, chỉ lác đác xe của các hãng vận tải lớn chạy qua. Một cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ở đây cho biết: “Trước đây trung bình mỗi ca chúng tôi đón vào trạm 20-30 xe kiểm tra cân trọng tải, tỷ lệ xe vi phạm tải trọng cao. Thế nhưng, một tháng trở lại đây, số xe được đưa vào cân giảm và tỷ lệ xe vi phạm cũng giảm, do lực lượng liên ngành đang tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tải trọng xe”. Tại đây, chúng tôi được thông tin, khá nhiều xe trên địa bàn đang “án binh bất động” do kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng.

Chiếc xe này sau khi cân vượt quá tải trọng 400%

Tại trạm cân, dưới sự chỉ dẫn của cảnh sát giao thông, nhiều xe được đưa lên cân kiểm tra. Trung bình 3-5 chiếc mới phát hiện một xe quá tải, nhưng trọng lượng vượt không đáng kể. Ngoài các xe chở quá tải bị xử lý thì một số tài xế quả quyết rằng, họ không dại gì mà chở hàng quá tải, bởi nếu bị phạt nặng thì coi… như xong, vì tiền phạt khá nặng. Một tài xế ở Nghệ An chở hàng tuyến lẻ khi đưa xe lên bàn cân chắc nịch: “Xe tôi không chở hàng quá tải trọng. Tôi đã nắm rất kỹ quy định của cơ quan chức năng nên không chở thừa cân. Các anh xử lý nhanh cho tôi đi còn kịp giờ”. Quả thật, xe này không chở quá tải nên nhanh chóng tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, thời gian lưu lại đây chúng tôi cũng chứng kiến nhiều chiêu trò nhằm qua mặt lực lượng chức năng của cánh lái xe tải đường dài. Trong đó, đáng chú ý là việc độ thêm 1 trục bánh nhằm nâng trọng tải của xe lên vượt với thiết kế ban đầu. Theo ghi nhận, xe có tải trọng càng nhỏ thì nguy cơ chở vượt quá tải càng cao và xe có tải trọng cao lại ít vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Đoàn công tác liên ngành đã tổ chức gần 500 ca với 5.700 lượt cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở trạm cân đặt ở phía nam và phía bắc; tiến hành kiểm tra gần 12.500 xe, phát hiện hơn 1.230 xe vi phạm. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt gần 11 tỷ đồng (trong đó, phạt lái xe 2,4 tỷ đồng, doanh nghiệp 8,5 tỷ đồng), tước gần 300 giấy phép lái xe.

Ông Hồ Anh Th. một chủ doanh nghiệp vận tải cho biết, theo giá xăng dầu hiện nay mà buộc chở đúng tải thì doanh nghiệp chỉ hòa vốn, đó là chưa kể đến chi phí và hao mòn. Bởi vậy, một số doanh nghiệp nhỏ chỉ hoạt động cầm chừng, một số nghỉ chạy hẳn để nghe ngóng. Trong khi đó, ông Nguyễn Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Hùng Đạt cho biết, 112 đầu xe tải và xe đầu kéo của doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt và không vi phạm tải trọng, do buộc lái xe cam kết không vi phạm và quản lý hàng hóa từ khi xuất bến. Ông Đạt còn khẳng định việc chở đúng tải trọng sẽ tiết kiệm chi phí hao mòn, bảo dưỡng, làm lợi cho doanh nghiệp và quan trọng làm đảm bảo an toàn giao thông.

Thiếu tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát số 1 Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh cho biết, do lực lượng chức năng ra quân xử lý quyết liệt, nên cánh tài xế cũng không dám chạy mà “án binh” chờ khi nào vắng lực lượng chức năng để chạy. Theo thiếu tá Vũ, ngoài việc xử nghiêm lái xe, chủ xe hoặc chủ doanh nghiệp còn bị phạt nặng (cao hơn 3-5 lần phạt tài xế) nên các chủ xe, doanh nghiệp cũng không dám mạo hiểm cho xe chở quá tải; đồng thời, có những quy chế riêng nhằm ràng buộc lái xe không vi phạm.

Đẩy lùi xe quá tải

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đánh giá, các lực lượng tham gia kiểm soát tải trọng xe đã chủ động, tích cực trong công tác nên việc kiểm soát tải trọng xe ngày càng hiệu quả hơn. Điều này được thể hiện bằng việc lực lượng liên ngành được bố trí làm việc theo chế độ 4ca/1ngày, tổ chức kiểm soát tải trọng 24/24 giờ và liên tục 7 ngày trong tuần, kể cả ngày lễ. Kết quả, nhiều vi phạm về quá tải đã được phát hiện và xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng xe chở hàng quá trọng tải trên tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc bố trí hợp lý điểm kiểm tra tải trọng xe đã hạn chế tối đa hiện tượng xe quá tải, quá khổ đi vòng đường khác để trốn tránh việc kiểm tra của lực lượng chức năng; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến năng lực khai thác của đường bộ.

Trung tá Võ Hồng Quang, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, trong thời gian tới, lực lượng liên ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền có chiều sâu pháp luật về giao thông đường bộ đến với các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp vận tải hàng hóa, buộc các doanh nghiệp này chở hàng hóa đúng tải trọng nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt công tác kiểm tra tải trọng xe, kiên quyết xử lý các lái xe vi phạm hoặc cố tình vi phạm về chở hàng vượt quá tải trọng, xe trốn tránh việc kiểm tra của lực lượng chức năng nhằm đưa hoạt động vận tải vào nề nếp.

Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

TIN MỚI

Return to top