ClockThứ Hai, 27/11/2017 14:21

Đầy rẫy tin nhảm chữa lành bệnh ung thư thần kỳ

TTH - Trong dòng thác lũ tin tức cuồn cuộn hôm nay, tin thật với giả lẫn lộn, trong đó những tin tức giả mạo lây lan đặc biệt nhanh như một loại vi-rút cúm. Bệnh ung thư, với mức độ phổ biến và nghiêm trọng, đã trở thành một trong những miếng mồi ngon của loại truyền thông nhảm nhí và "rối loạn miễn dịch".

Tiếp sức cho người bệnhĐịa chỉ tốt cho bệnh nhânBệnh viện chuẩn hóa, bệnh nhân “dễ thở”

Điểm mặt tin giả, tin rác

Trong quá trình hành nghề, tôi không ít lần phải chứng kiến những bệnh nhân ung thư chết oan uổng chỉ vì dùng những phương thức chữa trị "trời ơi", tin vào những thầy lang "trời ơi". Không thể tin là thời buổi này, một ông thầy lang vớ vẩn ngay tại thủ đô được tôn là "thần y" cam đoan nhận chữa khỏi cho tất cả những bệnh nhân ung thư mà "bệnh viện trả về", khách hàng nườm nượp.

Một bệnh nhân (vốn là thầy giáo) của tôi đã chết trong suy kiệt vì nhịn đói hơn 10 ngày do tin cách chữa trị "bỏ đói khối u" phản khoa học của một nữ bác sĩ già "có tiếng" ở Huế. Người thân của một bệnh nhân khác quay sang trách móc bác sĩ đã làm cho bệnh tình nặng hơn (vì điều trị hóa chất) trong khi "may thay" họ đã kịp thời cho bệnh nhân "theo" một "ông thầy" chữa bằng thuốc lá sắc uống. Nhiều bệnh nhân đã không còn cơ hội điều trị đặc hiệu bằng các phương pháp chuẩn mực do bị suy gan, suy thận do dùng các thuốc lá sắc uống hàng tháng trời trước đó. Tất cả những cái chết oan uổng đó đến từ các tin "chữa lành bệnh ung thư thần kỳ" trong dân gian.

Những tin tức truyền miệng trong dân gian còn lâu mới "sánh" được những tin tức rác chữa ung thư dễ như trở bàn tay đầy rẫy trên mạng xã hội. Hãy gõ vào google mà xem, những mẩu tin đại loại, như: chỉ cần uống nước sắc lá đu đủ đực có thể kéo dài đời sống bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối đến hàng chục năm; uống nước cây mảnh cộng (xương khỉ) làm các chỉ số ung thư trong máu nhanh chóng trở về bình thường; chỉ cần uống ly nước nha đam xay trộn với mật ong thì mọi tế bào ung thư sẽ tự động bị tiêu hủy..., những tin loại này đầy như nấm độc.

Tin nhảm nhí bao gồm những tin rác rưởi và tin giả mạo (fake news). Quả thật, tin tức giả mạo trong nghiên cứu điều trị ung thư đầy rẫy. Giữa vô cùng lớn những trí tuệ, công sức và cả tiền bạc đã đổ ra để nghiên cứu điều trị ung thư thì việc "giả mạo tin tức" chẳng khác nào tội ác, "đục nước béo cò". Những thủ đoạn đáng ghê tởm trong nghiên cứu y học bao gồm việc chế số liệu ma, gian lận trong trình bày kết quả, khéo léo tiếp thị sản phẩm... Việt Nam không tính vô, ở cấp độ quốc tế đấy nhé, hàng trăm bài báo, ấn phẩm "khoa học" buộc phải rút phép, tháo gỡ những kết quả "trời ơi đất hỡi", trong đó có những giáo sư đầy tì vết. Mặc dù đã được rút xuống, không ai dám chắc là những tin giả mạo này đã đi xa đến đâu.

Làm sao đối phó

Những tin tức giả mạo và rác rưởi thực sự gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt trong ung thư, bệnh nhân và người nhà không ngừng hy vọng, mang tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", tin vào những "phép màu", cần thông tin nhanh nhất..., chính là mảnh đất màu mỡ để truyền thông "rối loạn miễn dịch" lợi dụng. Trên trang web chính thức, Hội Ung thư Hoa Kỳ không chỉ công bố những câu chuyện rởm, những tin tức, sự kiện phản khoa học về ung thư mà còn cung cấp những công cụ giúp người đọc có thể kiểm tra độ xác tín của những tin tức vô cùng quyến rũ kiểu đó. Vấn đề là phải đặt câu hỏi, phải hoài nghi. Sự phổ biến của tin giả sẽ không tồn tại nếu người ta không tin và chia sẻ nó. Học cách phát hiện ra tin tức y học giả mạo đòi hỏi sức mạnh của tư duy phê phán. Phân biệt thật - giả không hề dễ dàng, nhưng có một số dấu hiệu đáng ngờ sau đây:

-   Bài viết dựa trên nghiên cứu từ một tạp chí mơ hồ.

-   Tác giả đưa ra những kết luận sâu rộng từ một nghiên cứu đơn lẻ.

-    Bài viết phóng đại một kết quả nghiên cứu cụ thể nào đó.

-    Bài viết trên các trang sức khỏe không chuyên như bản tin môi trường, thực phẩm, làm đẹp ...

Hiện nay, các trang mạng xã hội đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn những tin tức giả mạo. Chẳng hạn, facebook sẽ đưa ra cảnh báo người đọc sau khi tin tức đã được kiểm soát bởi một bộ phận độc lập dựa trên những nguyên tắc đạo đức cụ thể. Một khi tin tức được đánh giá là sai lệch, nó sẽ được dán nhãn đỏ "còn tranh cãi" kèm một liên kết dẫn đến bài viết giải thích lý do.

Mới đây, một tổ chức ung thư thiện nguyện, Macmillan Cancer Support, lần đầu tiên bổ nhiệm một "y tá số" (digital nurse) nhằm chống lại những tin tức giả mạo theo cách trực tuyến và toàn thời gian (1).      

"Ai cũng muốn lên mạng để tra cứu bệnh tật của họ, điều đó hoàn toàn dễ hiểu, nhưng quan trọng là bảo đảm họ nhận được thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, họ cần phân biệt được đâu là trang uy tín đâu là các trang tin nhảm nhí và nguy hiểm", Janice Preston, người đứng đầu Macmillan Cancer Support ở Scotland cho biết.

TS. BS. PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

(1) http://www.independent.co.uk/news/uk/cancer-charity-fake-news-nurse-online-lies-macmillan-cancer-support-a8026146.html

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không gian sống chữa lành

Ngày nay, nhu cầu chữa lành những tổn thương tinh thần là rất lớn. Nhiều người thường tìm đến những dịch vụ chữa lành mà quên đi rằng, việc tạo lập không gian sống phù hợp cũng giúp mang đến những trải nghiệm cân bằng, thư thái, giảm stress hiệu quả.

Không gian sống chữa lành
Brazil: Thuốc trừ sâu khi trồng đậu nành có thể làm tăng tỷ lệ trẻ tử vong vì ung thư

Một nghiên cứu cho thấy thuốc trừ sâu được sử dụng trong quá trình trồng đậu nành có thể liên quan đến sự gia tăng tử vong do ung thư ở trẻ em tại Brazil - quốc gia sản xuất và xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới và là một trong những nước sử dụng thuốc trừ sâu hàng đầu để ngăn chặn cây trồng khỏi sâu bệnh.

Brazil Thuốc trừ sâu khi trồng đậu nành có thể làm tăng tỷ lệ trẻ tử vong vì ung thư
Return to top