ClockThứ Sáu, 16/07/2010 03:34

Dây tơ hồng - vị khách không mời

TTH - Từ lâu, người Việt chúng ta đã quá quen thuộc một loại dây leo mọc dại khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến vùng đồi núi, với tên gọi phổ biến là tơ hồng. Chúng tôi xin gợi ý để nhiều người hồi tưởng. Và tôi tin rằng trong số chúng ta, không ít người đã một lần tận mắt mục kích cả một rèm tơ hồng bao trùm lên một vòm tán cây xanh trên vỉa hè đường phố.

Thấy hình ảnh này, có người bàng quan thì trầm trồ khen ngợi, vì màu vàng sáng lấp lánh ánh mặt trời, khiến cho vỉa hè như có một loài hoa đang khoe sắc, những sợi tơ vàng buông rũ mềm mại, bắt mắt lạ thường; nhưng với ai nhìn nhận theo hướng toàn diện thì sẽ thấy một viễn cảnh u sầu, buông tiếng thở dài thất vọng, vì nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa cây xanh giá thể sẽ trụi lá, trơ cành và đi đời ra ma. Đúng là: "Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào?".

Điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Chính dân gian Việt Nam đã từng có kinh nghiệm về đặc điểm sinh lý, sinh thái của tơ hồng, từng ngao ngán khi tơ hồng viếng vườn tược, hàng rào xanh, nương rẫy của họ. Chỉ cần lơ là một thời gian thì hàng rào xanh trở thành giậu củi, cây trồng nông nghiệp xơ xác tiêu điều, mất hết năng suất. Chỉ xử lý muộn thôi cũng khó khăn lắm mới mong loại trừ hết chúng. Thế mà, đã hẳn yên đâu, không hiểu từ đâu, chẳng mời, chẳng gọi, có khi chúng lại tái xuất giang hồ. Bởi thế mới có câu ca: "Cây tơ hồng không trồng mà mọc/ Gái không chồng anh chọc anh chơi".
 

Dây tơ hồng - nỗi ám ảnh của nhiều loài cây xanh

Những năm gần đây, khi khảo sát hệ thống cây xanh đô thị Huế và các khu di tích, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp hình ảnh một số cây xanh chịu cảnh một cổ nhiều tròng, mà một trong những tròng ấy là mớ bòng bong "dây tơ hồng" ôm choàng một phần hay cả vòm lá. Chẳng hạn như vài cây nhãn ở đường Đinh Tiên Hoàng, đường Đinh Công Tráng, ở lăng Tự Đức... cây vông đồng cổ thụ ở cầu Lim, cây sau sau ở công viên Lý Tự Trọng... Trong số những cây xanh đó, có cây đã mất dần sức sống, mặc dù chưa chết đứng nhưng có cây đã tiêu điều, xơ xác dần; có cây lệch tán, trơ cành trông rất nhếch nhác.
 
Có người tự hỏi, tại sao cơ quan quản lý không có biện pháp giải trừ hay chủ đích của họ là để trang trí cho cây xanh thêm đa dạng? Nếu vì chủ đích để trang trí thì không còn gì để nói. Ngược lại, nếu cơ quan quản lý chẳng muốn có hình ảnh này thì cũng không phải là chuyện đơn giản như nhiều người tưởng. Nhiều nhà có mảnh vườn cổ, có hàng rào xanh chè tàu, đã hơn một lần đón vị khách không mời này, rất dễ đồng cảm. Bởi lẽ, hàng chè tàu thấp bé, ngang tầm tay, lại là của riêng, thế mà đâu phải dễ gì loại sạch một sớm một chiều.
 
 Ở đây, tơ hồng đeo bám ở một tầng cao, cây giá thể lại là cây vỉa hè đường phố, công viên, đâu của riêng ai. Cơ quan chủ quản thì đâu có điều kiện kiểm tra kiểm soát từng ngày, từng cây, từng cảnh. Hơn thế nữa, phải thẳng thắn mà nói rằng, đâu phải tất cả cán bộ, công nhân viên chức của cơ quan quản lý cây xanh đều nhận thức được sự tác hại của vấn đề. Mà có riêng gì dây tơ hồng đâu, trong hệ thống cây xanh đô thị, còn biết bao loài cây đeo bám khác, dễ phát hiện hơn, dễ xử lý hơn, cũng đã từng và đang ngày ngày tác động gây hại như nhiều loài dương xỉ chẳng hạn, nhưng cũng chưa từng có một giải pháp xử lý gì.

Theo tôi, trước hết cần có một chủ trương, rồi chọn lấy một số biện pháp thích hợp, trong đó không loại trừ việc kêu gọi sự góp sức của cộng đồng. Một việc làm rất nhỏ, nhưng tôi nghĩ hiệu quả không nhỏ chút nào là mở một đường dây nóng, thông tin cho cộng đồng biết, để những người có tâm huyết với môi trường đô thị sẵn sàng chỉ dẫn, góp ý khi phát hiện đối tượng gây hại xuất hiện. Tất nhiên, người nhận thông tin cũng phải là người thật sự cầu thị. Được thế, chúng ta mới hy vọng diệt trừ nó từ trứng nước.
 
Đỗ Xuân Cẩm

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top