Thể thao

Đề án phát triển thể thao thành tích cao - Kỳ II: Những vướng mắc

ClockThứ Bảy, 23/11/2013 12:06
TTH.VN - Qua trao đổi, các môn thể thao trọng điểm đang khá thuận lợi trong công tác đào tạo, huấn luyện sau khi chế độ dinh dưỡng, tiền công cho VĐV được nâng lên. Tuy nhiên, những vướng mắc về cơ sở vật chất, tương lai cho VĐV… vẫn đang khiến những người làm thể thao đau đầu.

Không ít cái khó

Theo HLV tuyển vật Đinh Văn Kiên, hiện tại trong thành phần đội tuyển có 10 VĐV đã học xong lớp 12 cũng như hết thời hạn hợp đồng đào tạo với đơn vị chủ quản (Trường TC TDTT). Dù vấn đề này được đề cập cách đây một, hai năm nhưng đến nay, vẫn chưa thấy động thái gì từ phía nhà trường về việc ký kết hợp đồng mới.
 
“Theo quy định, sau khi hết hạn hợp đồng đào tạo, nếu đơn vị chủ quản không ký hợp đồng mới, VĐV có thể tự do đầu quân cho nơi khác. Và đây là điều tôi lo ngại nhất bởi 10 VĐV này đều là những VĐV đã đạt được nhiều thành tích cao và phần lớn nằm trong tuyển quốc gia. Một khi các em không bị “trói buộc” bằng hợp đồng mới thì nguy cơ chảy máu VĐV là quá rõ bởi, chắc chắn sẽ có không ít đơn vị khác dang tay đón nhận các em”, HLV Đinh Văn Kiên lo âu.
 

Rất nhiều VĐV vật Thừa Thiên Huế vẫn chưa được ký tiếp hợp đồng dù rằng đây là những VĐV đạt thành tích cao tại các giải đấu tầm quốc gia và khu vực
 
Bơi - lặn cũng có những nỗi niềm của mình. Qua trao đổi, GĐ Trung tâm Thể thao dưới nước Bùi Thanh Dũng cho biết: “Về công tác đào tạo, tập luyện, đừng nói đâu xa, ngay như tỉnh Quảng Bình, VĐV của bạn được các chuyên gia giỏi huấn luyện, được đi tập huấn nước ngoài. Trong khi đó, Huế vẫn chưa thể giành cho VĐV những gì tốt nhất. Ngoài ra, với đặc thù thời tiết, VĐV Thừa Thiên Huế chỉ có thể tập luyện trong khoảng 6 tháng nắng, 6 tháng còn lại nếu không đủ tiền đi “tránh rét” thì các VĐV đành lúc tập lúc không. Điều này có nghĩa rất khó để VĐV duy trì chứ khoan nói đến tăng thành tích, anh Dũng cho biết thêm.
 
Trong lộ trình phát triển thể thao thành tích cao, những bộ môn nói trên đã và đang có nhiều thuận lợi về con người và kinh phí khi nhận được những đầu tư về chế độ dinh dưỡng, tiền công, tiền thưởng. Nhưng bên cạnh đó là sự khập khiễng về cơ sở vật chất dẫn đến chưa đáp ứng được như cầu tập luyện ngày càng cao của các VĐV, điển hình là các môn võ, vật.
 

Các VĐV karatedo Huế phải tập luyện trong điều kiện cơ sở vạt chất hạn chế
 
“Thật khó để có thể phát huy hết tiềm năng, nâng cao thành tích khi VĐV chưa có được nơi tập luyện chuyên biệt. Hai môn karatedo và taekwondo, các em phải chia nhau tập ở hội trường chật hẹp, còn vật thì phải tập ngay tại tiền sảnh của trường”, ông Hà Xuân Bình – Phó Hiệu trưởng Trường TC TDTT cho hay.
 
Theo Đề án, giai đoạn 2016-2020, võ cổ truyền và taekwondo sánh vai cùng 5 môn kể trên để trở thành những môn thể thao trọng điểm. Khác với taekwondo khi tự tin phấn đấu giành HCV tại ĐH TDTT toàn quốc 2014 cũng như sẽ đáp ứng được các mục tiêu đưa ra, ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội võ cổ truyền Thừa Thiên Huế lại tỏ ra khá e ngại khi bộ môn này được xếp vào 7 môn thể thao trọng điểm giai đoạn 2016-2020: “Năm 2012, võ cổ truyền tỉnh đạt 5 HCV, 13 HCB, còn năm nay đã đạt 3HCV, 4 HCB, 3 HCĐ. Với thành tích trên, võ cổ truyền đủ điều kiện trở thành môn thể thao trọng điểm nếu như được đầu tư thích đáng. Tuy nhiên, nghịch lý ở đây chính là dù đạt được khá nhiều huy chương các loại nhưng võ cổ truyền hình như chưa được xem trọng như những bộ môn khác”.
 
Ngoài việc một năm cấp 20 triệu đồng kinh phí tham dự các giải đấu (khoảng 3-5 giải) thì mọi thứ còn lại đều do Hội tự đứng ra chu toàn. Khi có được thành tích, các VĐV cũng không hề nhận được các khoản thưởng nào. Chưa hết, thay vì được đào tạo, huấn luyện, ăn ở tập trung cùng các chế độ đãi ngộ như một số bộ môn khác thì những VĐV võ cổ truyền hầu như vừa tự tập luyện, thi đấu vừa tự xoay xở để ổn định cuộc sống. Vì vậy, nếu xếp võ cổ truyền vào nhóm 7 môn thể thao trọng điểm thì tỉnh và ngành phải cần quan tâm hơn nữa chứ không nên thả nổi như hiện nay, ông Anh phản ánh.
 
Sở VH-TT-DL vẫn phải là chủ công
 
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa, đã có một số VĐV đạt thành tích cao sau khi giải nghệ có việc làm ổn định như Trần Quang Sang (bóng đá), Đỗ Thị Bông (điền kinh), Thuận Hóa (cờ vua). Và trước những nỗi niềm về tương lai của VĐV, về vấn đề chảy máu VĐV, ông Ngô Hòa cho biết sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành hữu quan tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để giải quyết thực trạng này.
 
“Hiện tỉnh cũng đã có phương án tập trung đầu tư xây dựng một số hạng mục trọng điểm như nhà tập luyện các môn võ, khu liên hợp thể thao để phát triển thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, chủ công vẫn phải là tham mưu của Sở VH-TT-DL về vị trí, diện tích và nguồn lực đầu tư…”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa nhấn mạnh.
 
Ông Lê Xuân Bình – PGĐ Sở VH-TT-DL: “Đối với vấn nạn chảy máu VĐV, đây đang là bài toán khó bởi ngân sách và nguồn thu ngoài ngân sách thông qua tài trợ… chưa thể so với một số tỉnh, thành khác. Trước mắt, chúng tôi kêu gọi các VĐV tiếp tục ở lại cống hiến vì màu cờ sắc áo tỉnh nhà và sẽ tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới”.
Trước ý kiến của Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Lê Xuân Bình – PGĐ Sở Văn hóa – Thể thao - Du lịch cho rằng, hiện Sở đã có chủ trương sau khi giải nghệ, các VĐV đều được theo học Đại học. Khi tốt nghiệp, tùy theo bằng cấp, năng lực mà các cơ sở hay Sở VH-TT-DL sẽ giữ lại để tiếp tục cống hiến cho ngành và điều này phải căn cứ vào chỉ tiêu của UBND tỉnh. Trước đây Ngành đã có chủ trương xây nhà tập dành riêng cho các môn võ, vật tại Cơ sở II - Sở VH-TT-DL (2 Lê Quý Đôn). Tuy nhiên do Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về tiết kiệm ngân sách nên tạm thời VĐV các môn võ, vật phải tập luyện trong hoàn cảnh mà báo chí vừa nêu.
 

Biễu diễn trống tại giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc 2012 của Võ Kinh Vạn An - Hội võ cổ truyền Thừa Thiên Huế
 
Theo tìm hiểu, hiện khá nhiều tỉnh, thành phố thành lập bộ môn võ cổ truyền, chỉ riêng Huế còn tồn tại theo dạng tổ chức Hội. Và trước những phản ánh của Chủ tịch Hội võ cổ truyền tỉnh, thiết nghĩ, cần có giải pháp như tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cùng các ban, ngành hữu quan tăng cường kinh phí cho Hội để giải quyết những vấn đề về tập luyện, thi đấu, chế độ dinh dưỡng của VĐV. Tất nhiên, về phía Hội sẽ phải đăng ký thành tích, số huy chương mục tiêu phấn đấu hàng năm…
 
Còn ở phương án hai, nên thành lập bộ môn võ cổ truyền, lúc đó mọi công tác về huấn luyện, đào tạo, thi đấu… trở nên bài bản, chuyên nghiệp hơn. Chỉ có như vậy VĐV mới có thể toàn tâm toàn ý trong tập luyện, thi đấu để có thể đáp ứng được những mục tiêu mà Đề án đưa ra.
Võ Nhân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

233 VĐV tranh tài Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m

Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m năm 2024 do Tổng cục Thể dục - Thể thao, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức, chính thức được khởi tranh ngày 28/3, tại bể bơi Trung tâm Thể thao tỉnh.

233 VĐV tranh tài Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m
Nội dung vật tự do nữ của Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất toàn đoàn

Sau một tuần tranh tài sôi nổi, Giải vô địch các Câu lạc bộ Vật tự do, Vật cổ điển quốc gia năm 2024 được tổ chức tại Khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã khép lại. Kết thúc nội dung vật tự do nữ, đoàn Thừa Thiên Huế đã xuất sắc vượt lên xếp thứ nhất toàn đoàn.

Nội dung vật tự do nữ của Thừa Thiên Huế đứng thứ nhất toàn đoàn
Return to top