ClockThứ Năm, 09/02/2017 05:51

Đê bao, Cửa Lác và nỗi lo...

TTH - Chưa bao giờ và chưa khi nào sự biến đổi của khí hậu lại có thể được nhận diện rõ rệt khi lần đầu tiên, triều cường đe dọa vụ mùa ở Phong Điền (và cả Quảng Điền nữa) bằng sự phá vỡ những đoạn đê, nước cứ thế tràn vào ruộng như trong những ngày sau tết vừa qua...

Người dân bám sát việc chống úng. Ảnh: Thanh Hải

Gần trưa. Cánh đồng thôn Mỹ Phú (Phong Điền, Phong Chương) vẫn còn ầng ậng nước. Có thể đọc được nỗi sốt ruột của ông Hồ Văn Hùng, người đang đứng trông hai máy bơm gần mé con đường đê bao khá lớn. Ông bảo, đã 3 ngày rồi, hơn chục anh em được xã điều động trông coi 10 chiếc máy bơm được đặt ở những vị trí trọng yếu để thoát nước cho khoảng 50 ha, kể từ sau khi các bờ đê bị triều cường uy hiếp đã được các lực lượng công an, vũ trang, dân quân tự vệ gia cố lại bằng các bao đất cát. Nếu cứ duy trì tốc độ thoát nước như trong những ngày vừa qua thì sáng mai, máy cày đã có thể xuống cày đất; sau đó là những công việc tiếp theo để kịp vụ đông xuân.

“Thấy lúa trên ruộng người ta đã bén rễ và lên xanh rồi, miềng cũng sốt ruột – ông Hùng nói – nhưng nếu mai mà xuống vụ được, thì chắc cũng không đến nỗi mô. May mà ruộng được “ứng cứu” kịp thời, không thì vụ ni thua là chắc!”. Trả lời câu hỏi có phải thay bằng giống lúa ngắn ngày không, ông bảo vẫn dùng TH5. Chắc kịp, không can chi!

Máy bơm hoạt động liên tục để thoát nước cho đồng ruộng. Ảnh: Minh Hà

Có thể thấy mực nước đã được tháo thoát khá lớn nếu nhìn dấu vết mực nước trên bờ đê PAM. Đồng ruộng Phong Chương có thể được xem là vùng thấp nhất khi đợt triều cường vừa qua “gây hấn”. Chưa bao giờ và chưa khi nào sự biến đổi của khí hậu lại có thể được nhận diện rõ rệt khi lần đầu tiên, triều cường đe dọa vụ mùa ở Phong Điền (và cả Quảng Điền nữa) bằng sự phá vỡ những đoạn đê, nước cứ thế tràn vào ruộng như trong những ngày sau tết vừa qua. Dù đã được lường trước và cảnh báo, nhưng thiên tai là điều khó tránh được, nhất là khi nó chưa có tiền lệ và không nằm trong kịch bản của bất cứ quy luật nào. Thế nên dù có một cái tết khá nhấp nhổm vì canh cánh nỗi lo nước vào, cán bộ huyện và xã vẫn phải huy động lực lượng đối phó với triều cường ngay sau những ngày đầu tiên của năm âm lịch. Nếu không có tinh thần dự phòng và ứng cứu được chuẩn bị trước, có lẽ thiệt hại còn nhiều và nặng nề hơn.

50 ha ruộng lúa ở Phong Chương vậy là chậm chân hơn so với trên 5.200 ha của Phong Điền. Nhưng dẫu sao cũng là điều may mắn khi 3.400 ha đất ruộng vùng ven sông Ô Lâu đã được bình yên. Ngay cả gần 200 ha ở Điền Hải cũng đã về trạng thái an toàn, dù 17 ha trong đó bị ngập phải thoát nước và cấy lại. Vấn đề đặt ra sau bất ổn đầu năm là hệ thống đê ở đây được thực hiện từ những năm 1990, qua thời gian sử dụng gần 30 năm đã có sự xuống cấp, cần phải có phương án bù đắp hoặc thay thế khi cao trình đê từ 0,8 cm xuống còn 0,6 cm, trong khi mực triều cường vừa qua là 0,65 cm.

Giữa cuộc trao đổi rất vội giữa Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đại Vui và Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Cho khi gặp nhau trên đường kiểm tra hiện trường vùng nội đồng Hòa – Bình – Chương, tôi nhận ra một tâm thế chủ động đối phó và hiểu vì sao, các giải pháp tình thế và tức thời đã được giải quyết ngay một cách hiệu quả khi tên những ô, vùng và tiến độ cứu lúa được các anh trao đổi rất nhanh, ngay cả ở những con số lẻ.

Là người đã “bám” đê đông tây Ô Lâu ngay từ những hạng mục đầu tiên, ông Nguyễn Đại Vui nói rằng, con đê này đã có công rất lớn trong việc điều hòa nguồn nước cho phần lớn đồng ruộng huyện nhà khi nó được đưa vào sử dụng giữa năm 2010 bằng việc ngăn chặn lũ tiểu mãn, lũ sớm cho hơn 3.900 ha đất canh tác thuộc 6 xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hoà, Phong Bình, Phong Chương (Phong Điền) và 2 xã Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền). Nhưng ông  cũng thừa nhận là khi đưa vào thi công, dự án đã không lường trước được những biến đổi lạ lùng về khí hậu như đang xảy ra. Thế nên, mọi người đã khá đau đầu trong việc tìm giải pháp để ứng cứu đồng ruộng khi chưa tính đến và tính được mực nước triều cường. Ứng phó tức thời là điều cần được làm ngay, song điều cơ bản phải là những giải pháp căn cơ và chủ động để giữ yên và giữ an cho mùa vụ tới và những năm dài lâu tiếp theo.

Năm 2016, trên cơ sở đề xuất và tham mưu của huyện, sự tham vấn của cơ quan chức năng, tỉnh đã thông qua dự án nâng cấp cho tuyến đê nội đồng Hòa – Bình - Chương 17 tỷ đồng, quy mô chừng 4km, trong đó có 1 trạm bơm, trước mắt là 6,5 tỷ đồng trong hai năm. Riêng với tuyến đê quanh phá Điền Hải, một dự án xây dựng cũng đã được thực hiện để gia cố và thay thế con đê cũ với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng cho gần 4km từ nguồn vốn trung hạn. 2 tỷ đồng đã được thông báo vốn cho công việc trước mắt.

Việc đầu tư và bố trí nguồn vốn cho các dự án là điều cần được triển khai nhanh hơn và tốt hơn cho đồng ruộng ở các vùng có nguy cơ bị đe dọa của triều cường, nhất là sau những bất ổn làm chậm việc xuống mạ như trong những ngày đã qua. Tuy nhiên, cũng có nhiều việc cần tính toán lại để có những thay đổi, điều chỉnh hợp lý hơn để không chỉ đối phó mà phải làm tốt nhiệm vụ chặn lũ, chặn triều cường. Chẳng hạn phải tính toán lại cao trình đê hợp lý hơn cho vùng Điền Hòa, Điền Hải, vùng nội đồng Hòa – Bình – Chương ở Phong Điền và không chỉ của Phong Điền, trên cơ sở nghiên cứu để đưa ra được những giải pháp cụ thể, thấu đáo…

Tôi nhớ vẻ lo lắng của Bí thư Huyện ủy Phong Điền khi nói về vai trò và sự cần thiết trong việc nâng cấp đập Cửa Lác như một yêu cầu cấp thiết để “trấn giữ” cho cả một vùng lúa rộng lớn phía bắc. Đó là điều hiện hữu khi mực nước qua đập đã ở mức 0,65; vượt qua cao trình của đập 0,5. Đây chính là một mắt xích quan trọng không chỉ trong việc điều tiết nguồn và lượng nước mà còn tránh một nguy cơ rất dễ xảy ra khi nước mặn xâm nhập nội đồng.

Thực ra thì tôi cũng không muốn nghĩ đến điều đó - dù đó là một khả năng dễ xảy ra – vì không thể nào hình dung được sự thay đổi nếu có về mặt thổ nhưỡng, mùa vụ, giống cây và cả có thể là cả tâm tính con người trên những vùng đất  mình vừa qua…

Minh Hà-Thanh Hải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đóng chắn barie đập Cửa Lác

Để đảm bảo an toàn cho người dân, từ chiều 26/11, xã Quảng Thái (Quảng Điền) đã đóng chắn barie, cấm người và phương tiện giao thông qua lại trên tuyến đập Cửa Lác.

Đóng chắn barie đập Cửa Lác
Khắc phục hư hỏng đê bao, ao hồ thủy sản

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, có đến hàng ngàn ha ao hồ bị bồi lấp, đê bao bị hư hỏng nặng, nhiều thủy sản, giống bị cuốn trôi, ước thiệt hại trên 30 tỷ đồng; đồng thời cần khoảng 20-25 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Khắc phục hư hỏng đê bao, ao hồ thủy sản
Xây dựng đề án thành lập Khu Bảo tồn đa dạng sinh học sông Ô Lâu

Ngày 2/2, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ có chuyến khảo sát khu vực sông Ô Lâu, huyện Phong Điền và Cửa Lác, huyện Quảng Điền để xem xét khả năng hình thành tràm chim nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ sinh thái; xem xét các yếu tố pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thành lập Khu Bảo tồn Đa dạng sinh học sông Ô Lâu.

Xây dựng đề án thành lập Khu Bảo tồn đa dạng sinh học sông Ô Lâu
Cấm người và phương tiện lưu thông qua đập Cửa Lác

UBND xã Quảng Thái (Quảng Điền) đã phối hợp với Trạm Cửa Lác (thuộc Công ty TNHH NNMTV Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh) tiến hành rào chắn, bố trí lực lượng túc trực nhằm ngăn người và phương tiện qua lại đập.

Cấm người và phương tiện lưu thông qua đập Cửa Lác
Những vụ vỡ đập kinh hoàng nhất thế giới 60 năm qua

Những thảm hoạ liên quan đến vỡ đê, vỡ đập, chẳng hạn như sự cố vừa xảy ra ở Lào khiến hàng trăm người mất tích hôm qua (24/7), đã cướp đi mạng sống của hàng ngàn người dân và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng khác, nhất là ở khu vực châu Á.

Những vụ vỡ đập kinh hoàng nhất thế giới 60 năm qua

TIN MỚI

Return to top