ClockThứ Bảy, 05/05/2018 06:15

Để chính quyền hiểu doanh nghiệp hơn

TTH - Năm 2018 là năm đầu tiên UBND tỉnh triển khai đánh giá năng lực điều hành địa phương và các sở, ban, ngành của tỉnh thông qua Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng năng lực điều hành của các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Bộ chỉ số này hứa hẹn là một công cụ đắc lực cho chính quyền tỉnh trong công tác xây dựng và điều hành một chính quyền năng động và đồng hành cùng doanh nghiệp (DN).

Cái gốc của phát triển bền vữngGiữ và phát huy giá trị nông thôn mớiDoanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chật vật với thủ tục hành chính

Giao dịch của các sở, ngành tại Trung tâm Hành chính công tỉnh

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị được UBND tỉnh giao nghiên cứu, xây dựng và tổ chức lấy ý kiến về DDCI cho biết:

Mục tiêu của DDCI chính là tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế, khả năng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN của các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố.

Thưa ông, vì sao tỉnh lại lựa chọn DDCI để áp dụng trong năm 2018?

Lâu nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã trở thành công cụ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách thông qua việc cung cấp các chỉ tiêu, dữ liệu về chất lượng điều hành kinh tế, yếu tố quan trọng đối với đầu tư và tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân. Những chỉ số thành phần PCI đã góp phần chỉ ra những lĩnh vực cải cách nào là cần thiết tại tỉnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa có một công cụ nào để xác định các hạn chế không được cộng đồng DN đánh giá cao rơi vào cơ quan, đơn vị nào để từ đó đưa ra các biện pháp cải cách và điều chỉnh tốt nhất.

Chính vì vậy, bên cạnh những cải cách, nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính quyền tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, việc ban hành Quy định về DDCI và triển khai đánh giá DDCI trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

DDCI hướng đến những mục tiêu nào, thưa ông? 

Thứ nhất là xây dựng một bộ công cụ đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền cấp huyện và cấp sở thuộc tỉnh trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, DN.

Thứ hai, tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền cấp huyện và các sở với nhau, từ đó tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC liên quan đến nhà đầu tư, DN.

Thứ ba, tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, DN tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở.

DDCI sẽ cùng với các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT INDEX),... đánh giá công tác điều hành của chính quyền địa phương và các sở qua từng năm. Qua đó, đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

Đối tượng áp dụng DDCI và các chỉ số thành phần DDCI là gì?

Đối tượng đánh giá DDCI là các nhà đầu tư, DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng được đánh giá DDCI là các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, TP. Huế. Trong đó, phân làm 2 nhóm đối tượng được đánh giá chính gồm: nhóm 21 các sở, ban, ngành và nhóm 9 huyện, thị xã, TP. Huế sẽ được đánh giá trong năm 2018.

DDCI áp dụng ở các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện là tương đối giống nhau về các chỉ số thành phần nhưng sẽ khác nhau về chỉ tiêu của một số chỉ số thành phần do những cơ chế và đặc thù quản lý riêng của từng nhóm. Tựu trung lại ở 8 chỉ số thành phần gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động của sở, ban, ngành và địa phương; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ DN; Thiết chế pháp lý; Vai trò người đứng đầu.

Việc chọn mẫu khảo sát DDCI và phương pháp được sử dụng để khảo sát DDCI được thực hiện ra sao, thưa ông?

Mẫu khảo sát là đối tượng đánh giá được chọn ngẫu nhiên từ các hồ sơ giao dịch tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ưu tiên chọn các đối tượng đánh giá có thực hiện giao dịch tại nhiều cơ quan, đơn vị trong thời gian khảo sát.

Số lượng mẫu khảo sát được xác định bằng 5% đối với các đối tượng được đánh giá có số lượng hồ sơ giao dịch với DN từ 2.000 hồ sơ trở lên và 10% đối với các đối tượng được đánh giá có số lượng hồ sơ giao dịch với DN dưới 2.000 hồ sơ trong thời gian từ tháng 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau, nhưng không thấp hơn 50 mẫu khảo sát/một đối tượng được đánh giá.

Phương pháp được sử dụng để khảo sát DDCI là khảo sát qua đường thư tín; phỏng vấn trực tiếp tại DN và khảo sát trực tuyến trên môi trường mạng.

Thời gian thực hiện được quy định như sau: Thời gian lấy mẫu vào tháng 7; thời gian khảo sát tháng 8, tháng 9; thời gian nhập liệu, xử lý dữ liệu tháng 10, tháng 11; hoàn thiện và báo cáo kết quả tháng 12; công khai, công bố kết quả tháng 1 năm sau liền kề.

Là đơn vị được UBND tỉnh giao trách nhiệm xây dựng kế hoạch về việc triển khai DDCI năm 2018, ông kỳ vọng gì vào điều này?

DDCI là bộ chỉ số được xây dựng với mục đích kép, một mặt trao quyền cho DN, cộng đồng DN đóng góp tiếng nói và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh, mặt khác đặt các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh vào tâm thế thường trực cải cách và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thông qua DDCI, mỗi cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, công chức sẽ tự soi mình, có thể biết được những điểm mạnh, yếu để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm thay đổi, cải cách triệt để, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và DN. Do đó, cơ quan hành chính sẽ cải cách nền hành chính phục vụ mạnh mẽ và sâu rộng hơn. Điều này góp phần tiến đến sự bứt phá trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải thiện thứ hạng PCI.

Xin cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Return to top