ClockThứ Bảy, 25/03/2017 05:51

Để có ngày vui Huế giải phóng

TTH - Hai tác giả - một là Anh hùng Lao động - nhà giáo Lê Công Cơ, người từng hoạt động trong Phong trào học sinh - sinh viên Huế nhiều năm trước 1975; một người là nhà thơ - Nguyễn Đông Nhật; vì thế cuốn sách vừa đầy ắp tư liệu một thời vừa có những trang văn thể hiện một tâm hồn nhạy cảm trước sự hy sinh vô bờ bến của Nhân dân cũng như sự thao thức trăn trở trước các biến động của thời cuộc.

Trong 17 bài viết của cuốn sách có đến 7 “chân dung” những người đã dấn thân vào cuộc đấu tranh diễn ra ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn từ 1960 đến tháng 3/1975, nên không phải ngẫu nhiên mà việc ra mắt cuốn sách được thực hiện vào một ngày đầu xuân 2017 tại Huế trước các đồng đội cũ của Lê Công Cơ - những chiến sĩ đã hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên trước 1975, trong đó, người từng có chức vụ cao nhất là đồng chí Ngô Yên Thi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; cùng các gương mặt quen thuộc như Bửu Nam, Nguyễn Nhiên, Lê Phước Á, Lê Thị Nhân, Nguyễn Hữu Ngô…

Trong 7 “chân dung” ấy, có những con người bình thường như gia đình cụ Nguyễn Thận ở xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc); cụ từng là “đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng hàng mấy chục năm, cả gia đình không có ai được biết”. Tuy vậy, sau khi cụ mất, cả gia đình, “người chị đầu là Nguyễn Thị Đát, các người em của cô giáo Kim Cúc là Nguyễn Thị Phi, Nguyễn Thị Đấu, Nguyễn Thị Diệu Trang, Nguyễn Văn Nguyện, Nguyễn Khoái đều đã làm những việc bình thường nhất để lo cho anh em…”.  “Anh em” là những sinh viên từ Huế về đây để học tập nghị quyết, tổ chức lại đội ngũ - nhất là những lúc địa bàn nội thành bị càn quét khốc liệt; cả “mệ Đội” (vợ cụ Nguyễn Thận) cũng nhiều lần mang ảnh Bác Hồ, mua hoa trái, rồi đứng gác cho các lễ kết nạp Đoàn - Đảng ngoài hang Hàm Rồng… “Mệ và mấy chị có biết gì về chủ nghĩa, về lý thuyết cách mạng đâu. Nhưng mệ và các chị biết rất rõ việc làm của mình sẽ dẫn đến tra khảo, tù đày cho bản thân và gia đình. Vậy mà vẫn không ngần ngại, nề hà…” - đó chính là lòng yêu nước của Nhân Dân, sức mạnh vô địch đã làm nên Điện Biên Phủ và mùa Xuân 1975.

Một người rất bình thường nữa, “Cu Paz” (dân tộc Cơ Tu) từng chiến đấu can đảm ở các căn cứ Tây Thừa Thiên, từng có lần cứu Lê Công Cơ thoát chết; năm 2013, anh lên A Lưới tìm đồng đội cũ, mãi mới dò ra Cu Paz đã nằm dưới một nắm đất sơ sài ở Nam Đông, chỉ còn cách giúp người thân Cu Paz xây lại ngôi mộ đàng hoàng cho ân nhân của mình...

Lại có người quê ở Đà Nẵng, nhưng đã vĩnh viễn nằm lại với Huế như Nguyễn Văn Sơn (tức Sơn Hải) thì mãi đến nay, em trai và đồng đội của anh vẫn chưa tìm được xác, chỉ “Những dòng chữ còn lại” (*) trong các lá thư anh viết từ Trung tâm cải huấn Thừa Thiên trong 2 năm 1966-1967 mà gia đình lưu giữ, cho ta biết hình ảnh không chỉ một thanh niên quả cảm mà còn là một con người luôn yêu đời và không ngừng làm giàu trí tuệ của mình, dù trong ngục tối. “… Nếu có điều kiện các em mua cho anh 1 quyển triết học đại cương lớp đệ nhất. Nếu không có bộ Mauger thì hãy gửi quyển Pháp văn dày của Phạm Tất Đắc (đã có ở nhà) để anh học đỡ cũng được...”.  Sơn Hải hoạt động nội thành Đà Nẵng từ 1960, đến 1965 bị bắt, bị tra tấn dã man rồi đưa ra giam tại lao Thừa Phủ (Huế); được giải thoát khỏi nhà lao trong cuộc Tổng tiến công 1968, anh tiếp tục chiến đấu và chỉ biết đã hy sinh trong một trận đánh vào thời kỳ địch càn quét ác liệt sau Tết Mậu Thân tại một huyện quanh Huế…

Bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế - “Người chị Điện Hòa” thì đã gắn bó với Huế từ khi vào học ngành y cho đến nay. Chị “nổi lên như một người phụ nữ gan dạ, thông minh ở cương vị Chủ tịch Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống thành phố Huế” và được nhiều người ngưỡng mộ khi trở thành cán bộ giảng dạy và Trưởng khoa Lao - Đại học Y Huế; đến nay, dù tuổi cao, sức yếu, chị vẫn say mê trong những công việc thiện nguyện như giúp xây dựng cơ sở chữa bệnh nan y miễn phí…

Nhắc đến hai chân dung không phải “người Huế” cũng là để nêu bật vị trí của vùng đất Cố đô, từng là nơi hội tụ nhân tài và đã có biết bao nhiêu chiến sĩ từ nhiều vùng quê khắp đất nước hy sinh trên đất Huế để có ngày vui giải phóng 26/3/1975.

Để đi tới ngày vui đó, Thừa Thiên Huế “có những người đã sống chết vì một lá cờ”. Chuyện lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên Kỳ đài Huế tháng 8/1945 thì đã thành sự kiện quan trọng trong chính sử, nhiều sách báo đã viết kỹ, nhưng về sau còn “Những lá cờ” khác nữa, chưa hẳn mọi người biết. “Đó là lá cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam lần đầu tiên được treo công khai giữa thành phố Huế vào năm 1964…”. Lá cờ hai vệt xanh - đỏ có ngôi sao vàng ở giữa ấy được treo trên vọng lâu cửa Thượng Tứ từ tờ mờ sáng ngày Quốc tế Lao động 1/5/1964. Người treo cờ là chàng sinh viên 19 tuổi Trịnh Đình Túc, trong tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên học sinh - sinh viên giải phóng (LHTNHS - SVGP) Trung Trung Bộ được thành lập tại bãi biển Thuận An gần 2 năm trước với 40 thành viên. Vào Tết Mậu Thân 1968, một lá cờ lớn tung bay suốt gần 1 tháng trên Kỳ đài trước Ngọ Môn, “ngày nay, không ít người vẫn mặc nhiên nghĩ rằng đó là lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam hoặc là lá quốc kỳ hiện nay”, nhưng thực ra, đó “là lá cờ của Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (**)…   gồm ba vạch màu… hai vạch trên và dưới xanh da trời, vạch giữa màu đỏ, chính giữa có ngôi sao vàng…”. Hai tác giả dẫn bài của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, người may lá cờ dài 12 mét, rộng 8 mét ấy là Lê Thị Mai, chị ruột người “tử tù Côn Đảo” nổi tiếng Lê Quang Vịnh.

Về lá cờ “Mặt trận Giải phóng” treo trên Kỳ đài Ngọ Môn ngày Huế được giải phóng thì hai tác giả cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc các tư liệu được dẫn từ những cơ quan thông tin chính thống, rằng: ngày giờ treo cờ, “ngày giải phóng Huế” còn có ý kiến khác nhau, như Tạp chí Sông Hương (ngày 25/3/2014) thì viết cờ do Trung đoàn 6 Phú Xuân treo lúc 6 giờ 30 ngày 26/3, trong khi nhà báo Tâm Hành trên báo “Thừa Thiên  Huế” online (cập nhật ngày 20/3/2012) lại viết “Sáng 25/3/1975… đúng 10 giờ 30 phút, lá cờ Mặt trận… hiên ngang tung bay…”; và nữa: Theo cơ quan thông tin còn quan trọng hơn là báo Quân đội Nhân dân, thì “Thiếu tướng Nguyễn Công Trang nhớ lại… đúng 13 giờ ngày 25/3, một phân đội của Trung đoàn 101 đã cắm lá cờ giải phóng lên đỉnh Phu Văn Lâu…”. Cuốn sách còn dẫn thêm một số nguồn thông tin khác nữa…

Khi có điều kiện, các cơ quan nghiên cứu lịch sử cũng nên bàn thảo kỹ lưỡng về vấn đề này. Cũng chẳng nên ngại ngần khi phải “điều chỉnh lịch sử”, vì chúng ta đều biết, do nhiều nguyên nhân, nên nhiều sự kiện mãi về sau mới đủ điều kiện xác minh chính xác. Và nếu có điều kiện, cần “bổ sung” tên tuổi những con người bình thường mà lặng lẽ đã hy sinh cho ngày toàn thắng của dân tộc. “Nhưng chính những “người trong cuộc” đã góp phần  làm nên phút giây chói lòa ấy thì lại không hề bận lòng: họ là những Thánh Gióng của Nhân dân mà!” trong đoạn kết “Những lá cờ” hai tác giả đã viết như thế.


(*) Những dòng in nghiêng là nhan đề các bài viết hoặc nội dung trích từ cuốn sách.

(**) Tổ chức gồm các nhân vật trí thức, nhân sĩ nổi tiếng như luật sư Trịnh Đình Thảo, hòa thượng Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn Đình Chi, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, cụ Nguyễn Đóa…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top